Hoạt động từ cuối năm 2020 tới nay, hộp thư The story of life của Dương Vũ Hà Giang (26 tuổi) và Dương Vũ Hương Giang (26 tuổi), nhận được hơn 4.300 lời tâm sự từ mọi người ở nhiều độ tuổi, vùng miền và đất nước khác nhau. Hai cô gái cảm nhận khi lắng nghe câu chuyện của người khác, bản thân có cảm giác được bồi đắp thêm một trải nghiệm trong cuộc đời.
Một học sinh thiếu vắng tình thương gia đình, ba mẹ bất đồng, áp lực không biết chia sẻ với ai; một phụ nữ đã ly hôn nhưng phân vân có nên để con gặp chồng cũ hay không; một sinh viên lo lắng về tương lai, những lựa chọn nghề nghiệp; một học sinh được giáo viên bầu làm lớp phó lao động nhưng các bạn không ủng hộ…
Đó là một vài tình huống trong hàng ngàn câu chuyện mà Hương Giang và Hà Giang, làm việc tại Q.4, TP.HCM, đã lắng nghe trong nhiều năm qua.
Từng đứng trước nhiều ngã rẽ, nghi ngờ bản thân, mông lung về tương lai và va vấp cuộc sống khi trưởng thành, Hà Giang và Hương Giang hiểu cảm giác cô đơn, không biết chia sẻ cùng ai. Cả hai hy vọng có thể dùng đôi tai lắng nghe người xa lạ, để đồng cảm, chia sẻ, giúp họ có niềm tin vượt qua khó khăn. Đó cũng là cách hai cô gái cho bản thân thêm trải nghiệm và vốn sống dày dặn hơn.
"Có những người không thể chia sẻ với người thân và bạn bè vì câu chuyện quá cá nhân, riêng tư, sợ bị đánh giá. Cũng có người sợ câu chuyện của họ ảnh hưởng đến những người bên cạnh. Nhưng với người xa lạ thì họ dễ dàng bày tỏ, mở lòng hơn", Hương Giang chia sẻ.
Hằng tuần, hai cô gái lắng nghe cả chục câu chuyện từ những người khác nhau, thời gian trung bình mỗi cuộc trò chuyện là 1 giờ thông qua nhắn tin hoặc gọi điện thoại. Theo Hương Giang, cách làm này giúp người chia sẻ và người lắng nghe không bị chi phối cảm xúc, không đánh giá về ngoại hình của nhau hay bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào từ người đối diện.
Cả hai thường để lại tài khoản ngân hàng để mọi người chia sẻ chi phí sau khi được lắng nghe. "Có người gửi 500.000 đồng, 200.000 đồng, cũng có bạn gửi 15.000 đồng, không gửi cũng không sao", Hà Giang nói và cho biết mục tiêu của cô là trở thành người lắng nghe giỏi.
Cô gái tâm sự: "Đôi lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, chỉ cần có người bên cạnh động viên, an ủi hoặc lắng nghe là đã giúp ta thấy nhẹ nhàng hơn, sẵn sàng bước về phía trước".
Cũng làm công việc này từ năm 2020 đến nay, chị Nguyễn Thị Lan Hương, ngụ tại P.Minh Khai, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội, cho biết công ty chị đang có đội ngũ người lắng nghe hơn 30 người, độ tuổi trên 30 và đều là nam giới.
Những người lắng nghe làm việc linh hoạt theo khung giờ khách hàng mong muốn và gặp mặt trực tiếp để trò chuyện với mức phí giá 250.000 đồng/giờ.
"Họ là những người đã và đang có công việc nhất định từ nhiều ngành nghề trong xã hội, có sự từng trải, thấu hiểu, suy nghĩ tích cực, đặt mình vào vị trí của người muốn tâm sự", chị Hương nói.
Trong bài báo khoa học Analysis and implementation of machine learning to forecast Vietnamese students' depression levels (Sử dụng học máy để phân tích và triển khai dự báo mức độ trầm cảm của sinh viên VN), đăng trên Hội thảo quốc gia "Một số vấn đề chọn lọc của công nghệ thông tin và truyền thông" năm 2022. Bài viết có đề cập khảo sát 1.000 người (độ tuổi từ 15 - 24 tại các trường học tại VN), kết quả hơn 55% trong số đó đang có nguy cơ mắc phải bệnh trầm cảm từ mức nhẹ đến mức nặng.
Điều này làm cho Nguyễn Hoàng Anh Tú, sinh viên ngành khoa học dữ liệu, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, tin rằng dịch vụ "cho thuê đôi tai" sẽ phát triển hơn trong thời gian tới khi vấn đề tâm lý được mọi người quan tâm nhiều hơn.
Tú đang cùng các bạn tạo lập nền tảng kết nối giữa người chia sẻ và người lắng nghe mang tên BETTERday, với mong muốn tạo nên cộng đồng người trẻ VN xây dựng cuộc sống cân bằng, hạnh phúc và ý nghĩa. Dự án này vào top 10 cuộc thi IU Startup Demo Day năm 2023 của Trường ĐH Quốc tế TP.HCM.
Theo Tú, tùy mong muốn của người chia sẻ sẽ được kết nối với những người lắng nghe khác nhau, từ chuyên gia đến sinh viên. Ngoài ra, người chia sẻ còn được chọn cấp độ lắng nghe phù hợp với bản thân, như: nghe thụ động, nghe phản hồi, nghe có chọn lọc, nghe tích cực, nghe thấu cảm.
Tú mong muốn dịch vụ "cho thuê đôi tai" sẽ tạo thêm một công việc bán thời gian, mang lại nguồn thu nhập cho sinh viên. "Nhưng trước hết, thông qua việc lắng nghe, mỗi người sẽ học cách đối xử tốt với nhau, biết cảm thông và chia sẻ với những người xung quanh, từ đó góp phần tạo nên xã hội lành mạnh hơn", Tú chia sẻ.
Nguồn Thanhnien.vn