Giống như những đồng nghiệp khi quyết định lên đường vào nơi "tâm dịch", anh Nguyễn Hoài Sơn - một điều dưỡng đã làm việc hơn 10 năm tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương và có đến 65 lần tham gia hiến máu, chia sẻ: "Đi ngược gió bao giờ cũng khó, nhưng vẫn là ý chí tình nguyện, tinh thần vững vàng, tôi mong góp chút sức lực của mình, đến những nơi đang thiếu nhân lực y tế, mong góp phần đẩy lùi dịch bệnh".
Căng mình ở tiền tuyến, sẵn sàng lực lượng ở hậu phương
Khi tình hình dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam đang "nóng" lên từng ngày, thì cũng là lúc từng đoàn y, bác sĩ Thủ đô nối tiếp nhau lên đường chống dịch.
Cũng giống như nhiều bệnh viện khác trên địa bàn Thủ đô vào thời điểm này, 175 cán bộ, nhân viên của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương (trong đó có 50 bác sĩ) tình nguyện tham gia đoàn công tác tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.
Trước khi lên đường, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tổ chức tập huấn, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19 cho tất cả thành viên đoàn công tác.
Tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương chia sẻ, thời điểm này là cuộc chiến vô cùng cam go và cũng là lúc miền Nam gọi, miền Bắc trả lời.
"Trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình này, chúng ta vừa phải căng mình ở tiền tuyến, nhưng cũng phải sẵn sàng lực lượng ở hậu phương. Cảm ơn các "tân binh" đã dũng cảm lên đường với tinh thần và khí thế sục sôi", PGS.TS Nguyễn Văn Kính nói.
Đoàn công tác của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương được phân công hỗ trợ cho Bệnh viện Hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng do Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) phụ trách có quy mô 1.000 giường bệnh. Mỗi cán bộ tham gia đoàn công tác đều mang trong mình một quyết tâm cao nhất, đó là hỗ trợ tối đa công tác chuyên môn, cùng các đồng nghiệp để đẩy lùi dịch bệnh.
"Tôi thấy tự hào, vinh dự và nghĩ đó là việc mình nên làm trong lúc này, bởi tôi hiểu, dù nhỏ bé thôi, tôi cũng sẽ góp phần mang lại niềm hy vọng cho người bệnh", anh Nguyễn Hoài Sơn cười hiền nói.
Tình nguyện xông pha nơi tuyến đầu chống dịch ở tỉnh Đồng Tháp, ngày 18-8, có 47 người, gồm: 22 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện E và 25 thầy, cô giáo, sinh viên Trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội - họ lên đường với quyết tâm chiến thắng dịch mới về.
Là 1 trong 22 thành viên của đoàn công tác, bác sĩ Nguyễn Đình Thuyên, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện E), chia sẻ: "Những y, bác sĩ ở Bệnh viện E tham gia đoàn công tác lần này với tinh thần tự nguyện, nhưng ai cũng hiểu rằng, chúng tôi mang trọng trách của người thầy thuốc đi vào "tâm dịch". Làm sao bằng kiến thức, kinh nghiệm để có thể điều trị càng nhiều bệnh nhân mắc Covid càng tốt, giảm thiểu thiệt hại về người, sớm đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này".
Cũng trong sáng 18-8, tại Bệnh viện K, lễ xuất quân lần thứ ba của đoàn công tác hỗ trợ các tỉnh miền Nam phòng, chống dịch Covid-19 đã diễn ra trong không khí xúc động.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K đã động viên 25 cán bộ: "Chúng ta phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, vừa học hỏi, vừa trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp phía Nam để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19, giữ an toàn cho bản thân, sớm trở về trong chiến thắng".
Trước đó, 2 đoàn công tác gồm 39 cán bộ của Bệnh viện K đã lên đường chi viện cho miền Nam. Họ đang cùng với Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh cơ sở II chăm sóc, điều trị hồi sức cho người bệnh Covid-19. Còn đoàn thứ 3, với 25 bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện K sẽ nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu phòng, chống Covid-19 tại tỉnh Đồng Nai.
Dốc hết sức chống dịch
Hơn 300 y, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã "cắm chốt" tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến số 13 (thành phố Hồ Chí Minh) từ hơn 2 tuần nay. Không chỉ tăng cường nguồn nhân lực, bệnh viện ngoại khoa hàng đầu của miền Bắc còn đưa hàng chục tấn trang thiết bị, phương tiện phòng hộ vào thành phố Hồ Chí Minh.
Trong số 500 giường điều trị của Trung tâm Hồi sức tích cực này có 200 giường hồi sức phục vụ bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, với khối lượng công việc rất lớn, trong khi các nhân viên y tế ngày đêm dốc hết sức cấp cứu, giành giật sự sống của người bệnh từ tay tử thần, các kỹ thuật viên trong đoàn công tác cũng khẩn trương hoàn thiện các trang thiết bị, lắp đặt tại các giường bệnh để có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân theo công năng sử dụng.
Giống như Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm Hồi sức Covid-19 với quy mô 500 giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 16 (thành phố Hồ Chí Minh).
Trưa 18-8, gần 200 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai lên đường chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 16. Đây là lần xuất quân thứ năm của bệnh viện với gần 500 cán bô, nhân viên y tế đang chung tay cùng đồng bào miền Nam chiến đấu với dịch Covid-19.
Trong những ngày qua, lực lượng y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai từ Hà Nội vào làm việc tại trung tâm đã vượt qua nỗi nhớ nhà, chạy đua với thời gian để làm sao điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân nặng được điều trị khỏi và ra viện.c
Trước chuyến công tác, anh Nguyễn Hoài Sơn đã có một đêm gần như thức trắng, viết những dòng thơ gửi hai con trai bé nhỏ với tiêu đề "Xa con mùa dịch", có đoạn: "Cũng chỉ là cha con tạm xa nhau. Chào con nhé, mai cha đi chống dịch. Con đang ngủ có nghe cha giải thích. Cha đang làm tròn nghĩa vụ của nghề y...".
Dốc hết sức để chống dịch, đó vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của những người thầy thuốc. Anh Nguyễn Hoài Sơn cũng như những đồng nghiệp của mình luôn tâm niệm: "Đất nước ta sẽ vượt qua đại dịch Covid-19 để cuộc sống được trở lại như xưa, để tôi và những người đồng nghiệp được sớm trở về với gia đình, bạn bè".
Theo Hanoimoi.com.vn