Giấy từ lá cây
Cô nữ sinh lớp 12A2 trường THPT Tam Giang, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Đặng Thị Ngọc Ánh đã phát minh ra giấy từ lá cây khô, lá chuối, tre... rất thân thiện với môi trường sống.Ý tưởng giấy thân thiện này của cô bắt đầu từ hình ảnh những người quét rác. Khi thấy các bác lao công vất vả gom lá cây rụng đầy ngoài đường em đã nghĩ phải làm cái gì đó có lợi từ những thứ rác này.
Công thức chế tạo “giấy xanh” của Ánh đơn giản, bao gồm: Lá chuối tươi (30%), lá khô (30%), thân tre (38%), các nguyên liệu phụ như hồ dán, nước vôi trong (2%).Sản phẩm “giấy xanh” được làm từ lá và vỏ cây của Ánh đã được đánh giá rất cao tại cuộc thi Khoa học và kĩ thuật INTEL ISEF 2011-2012. Loại “giấy xanh” do Ánh chế tạo có thể tự phân hủy được, độ xốp cao nên dùng để hút ẩm trong các linh kiện điện tử, tạo hình nghệ thuật, viết thư… và đặc biệt rất thân thiện với môi trường sống.
Xe lăn cho người không tay
Đặng Thu Hiền, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thiết kế chiếc xe lăn không gắn động cơ mà điều khiển bằng việc đạp và chuyển động của cơ thể. Nguyên lý hoạt động của xe vô cùng thuận tiện cho người sử dụng. C
hiếc xe dành cho người bị khuyết tật tay, họ dùng chân để di chuyển. Đồng thời phương thức bẻ lái dựa trên quán tính nghiêng người của người lái. Khi muốn rẽ trái chỉ cần xoay người sang trái, làm ngược lại khi muốn rẽ phải. Hệ thống đề giúp xe chạy phù hợp với mọi địa hình và tiện ích cho người sử dụng.
Ngoài ra, dây curoa giúp giữ an toàn cho người đạp khi vị trí đạp cao so với xe thông thường. Xe dùng cho người bị liệt tay, cụt tay, thậm chí là cụt hẳn tay...
Tắt mở máy bơm từ điện thoại... cùi
Anh nông dân Nguyễn Thái Toản chưa học hết lớp 6 (xã Đắk Gằn, huyện Đăk Mil, Đăc Nông) với phát minh ra thiết bị tắt bật máy bơm bằng chiếc điện thoại rẻ tiền thực sự làm nhiều người thán phục.
Cơ chế cực đơn giản, gồm có hai chiếc điện thoại, một bộ cảm biến ánh sáng và một động cơ quay để đóng - ngắt cầu dao. Bộ điều khiển đóng - ngắt điện bằng điện thoại hoạt động theo nguyên lý khi có cuộc gọi đến, chiếc điện thoại lắp chỗ cầu dao sẽ phát sáng, bộ phận cảm biến ánh sáng tiếp nhận và phát ra một luồng điện tác động lên động cơ quay làm đóng hoặc ngắt cầu dao điện.
Thiết bị này có thể đóng - mở nguồn điện ở cự ly không giới hạn chỉ cần có sóng điện thoại. Bộ điều khiển này còn có khả năng phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môtơ bơm nước rất hiệu quả.
Robot biết nhảy theo nhạc
Nguyễn Tấn Việt Tuyến quê An Giang là sinh viên năm 2 trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM. Tuyến rất hâm mộ hình ảnh chú mèo máy Doreamon biết làm mọi động tác và giống như người và trên hết là giống như một người bạn, nên Tuyến ấp ủ sẽ làm ra một chú robot như vậy.
Người máy được Tuyến sáng chế được điều khiển bằng phần mềm Mathlab và phần cứng Robot có 16 bậc tự do (sử dụng động cơ RC) và hệ vi điều khiển DSPIC30F6014A.
Chú người máy này có khả năng nhảy theo điệu nhạc, thực hiện một số động tác đơn giản giống người như cúi đầu chào, vẫy tay…
Sinh viên với thiết bị ngừa cận thị
Mai Thanh Tín và Nguyễn Tiến Trung, SV Khoa Điện tử viễn thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã cho ra đời thiết bị phòng ngừa cận thị sử dụng cảm biến siêu âm. Sản phẩm được tích hợp cảm biến ánh sáng, đo khoảng cách với chức năng cảm biến siêu âm.
Bộ cảm biến siêu âm có các chế độ tương ứng để điều chỉnh khoảng cách ở một số trường hợp mà con người hay mắc phải dễ dẫn đến cận thị. Đó là khoảng cách từ mắt đến sách vở, từ chỗ ngồi đến màn hình xem ti vi, chỗ ngồi đến màn hình máy vi tính…
Khi chúng ta mặc định khoảng cách để khi xem ti vi hoặc đọc sách báo sao cho mắt nhìn vật rõ nhất nếu khoảng cách đó bị dịch chuyển thì bộ cảm biến sẽ bị kích hoạt, truyền tín hiệu cho bộ phận xử lý thông tin báo động bằng cách rung hoặc đổ chuông để chúng ta biết mình đang ngồi sai cự ly, từ đó điều chỉnh tầm mắt lại cho đúng”.
Xe lăn điều khiển bằng cử chỉ đầu
Hai học sinh thành công với sáng chế trên là Thân Hoàng Gia Huy, học lớp 12A6 và Vũ Nhật Hào, học lớp 12A5, trường THPT Hàn Thuyên, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Người hướng dẫn cho 2 học sinh này là Thạc sỹ Vật lý Ngô Quang Tiến, giáo viên của nhà trường.
Xuất phát từ việc phải chứng kiến sự đi lại khó khăn của những người bị liệt, người bị nhiễm chất độc màu da cam nên Hào và Huy đã nảy ra ý tưởng sáng chế một sản phẩm xe lăn được điều khiển thông qua nhận dạng cử chỉ của đầu. Sáng chế này cũng đã giúp 2 em mang về giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THPT năm học 2016-2017.
Theo tìm hiểu thì chiếc xe lăn này sử dụng 4 bánh dạng Mecanum được tạo thành bởi những con lăn nhỏ với trục xoay được lắp nghiêng 45 độ so với trục xoay chính. Nhờ vậy mà người khuyết tật không cần phải sử dụng tay chân mà chỉ cần nghiêng đầu là có thể điều khiển được xe đi theo hướng chuyển động của đầu.
Chiếc xe cũng được gắn 5 chiếc ắc quy nên có thể hoạt động liên tục 4 - 5 giờ đồng hồ và tốc độ tối đa của xe là đạt 4 km/h, có thể lao dốc 15 độ, có nút SOS (báo động) khi cần gọi điện cho người thân, tự động gọi điện cho người thân khi xe gặp sự cố... Cùng với đó xe cũng được tích hợp hệ thống phanh điện tử hãm, tải trọng tối đa 120 kg.
Hệ thống tự động ngăn nước tràn vào nhà
Sáng chế mang tính ứng dụng thực tiễn cao này là sản phẩm của 2 học sinh trường chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, Nguyễn Văn Bảo Kiên và Đặng Thái Hùng, học sinh lớp 12. Giành giải Nhất khu vực phía Bắc cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2016-2017, sản phẩm này được đánh giá rất cao và dần được đưa vào thực tế.
Theo chia sẻ của 2 học sinh thì sáng chế này xuất phát từ đam mê chế tạo các động cơ và chính từ cuộc sống hàng ngày khi các em phải chứng kiến cảnh người dân khổ sở, vất vả vì nước tràn vào nhà trong ngày mưa lũ. Hệ thống này sử dụng dây cao su làm từ xăm xe đạp để bơm, xả khí nhằm vận hành tấm kính bịt kín các kẽ hở đồng thời sẽ gửi tin nhắn báo cho người dùng biết tình trạng ngập nước vào nhà.
Găng tay chuyển ngữ
Nhận thấy sự thiệt thòi của những người khiếm thính trong giao tiếp cộng đồng nên 2 em Phạm Thiên Tân và Chử Hoàng Minh Đức, sinh năm 2000, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM đã sáng chế ra găng tay chuyển ngữ.
Găng tay này giúp chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành tiếng Việt, giúp mọi người hiểu được ngôn ngữ của người câm điếc và xóa bỏ rào cản vô hình.
Nhờ việc được gắn cảm biến Flex Sensor, MPU6050 và một chiếc smartphone nên sản phẩm này có thể đọc được và gửi dữ liệu về smartphone qua một ứng dụng được lập trình trên nền tảng Android. Từ đây, những kí tự, văn bản và âm thanh tương ứng sẽ được xuất hiện trên màn hình điện thoại, giúp người đối thoại có thể hiểu được.
Hai nam sinh trên hiện đã có thể chuyển 31 ký tự tay thành hình ảnh và lời nói. Chính nhờ sản phẩm giàu tính nhân văn này mà Tân và Đức đã nhận được giải Nhất toàn quốc trong Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia (ViSEF) dành cho học sinh trung học 2017 khu vực phía Nam.
Robot cứu hỏa mini
Sáng chế robot cứu hỏa mini đã được chế tạo thành công bởi Nguyễn Chí Phú cùng Huỳnh Tấn Đạt (iSchool Nha Trang) dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Đức Chưởng.
Ưu điểm lớn của sáng chế này đó là kích thước nhỏ gọn nhưng công năng sử dụng lại rất lớn. Robot này có thể chạy đến những khu vực hẹp, nơi mà xe cứu hỏa không vào được. Nhờ phần mềm điều khiển tự động được tích hợp trên điện thoại nên người cứu hỏa có thể đứng bên ngoài và điều khiển robot cứu hỏa chạy vào bên trong đám cháy. Vì vậy các chiến sĩ cứu hỏa có thể đảm bảo được an toàn và giúp dập tắt lửa tại những khu vực là nguyên nhân phát sinh đám cháy.
Máy bay điều khiển từ xa kết hợp camera hành trình
Nguyễn Trung Toàn của iSchool Rạch Giá chính là người đã sáng chế ra máy bay điều khiển từ xa kết hợp camera hành trình dưới sự hướng dẫn lý thuyết của cô giáo Đinh Cẩm Vy.
Với ước mơ được sải cánh trên bầu trời xanh và ghi lại những hình ảnh tươi đẹp của quê hương đất nước mà Toàn đã quyết định sáng chế ra sản phẩm trên. Mặc dù có chức năng khá giống fly cam, một thiết bị bay điều khiển từ xa dùng để chụp ảnh, quay phim nhưng máy bay tự chế này của Toàn lại có giá thành rẻ gấp 20 lần. Đồng thời sáng chế này này cũng tích hợp đầy đủ chức năng để chụp ảnh, ghi hình toàn cảnh trên không và đảm bảo chất lượng, giá thành phải chăng.
Nguồn TTO