Nhiều người thường nhầm lẫn Thomas Edison chính là cha đẻ của bóng đèn điện mà ít biết rằng trước và cùng thời với Edison, ước tính có đến 20 nhà phát minh từ nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Bỉ cùng "chạy đua" cho những ý tưởng phát sáng.
Một trong những người tiên phong là nhà vật lý - hóa học người Anh Humphry Davy (1778-1829).
Đèn Davy, tiền thân của đèn sợi đốt hiện đại - (Ảnh: WIKIMEDIA).
Theo The Guardian, Davy lên ý tưởng cho dòng điện chạy qua một sợi platin mảnh, từ đó platin nóng lên và phát sáng.
Ứng dụng nguyên lý này, Davy thiết kế thành công chiếc đèn Davy vào năm 1816 (năm Bính Tý), thường được các thợ mỏ sử dụng.
Trước đó, Davy sử dụng các điện cực bằng than, sử dụng nguyên lý phóng điện hồ quang để tạo ra ánh sáng, được nhiều nơi ở Anh dùng cho việc chiếu các ngọn đèn hải đăng.
Dẫu vậy, platin tạo ánh sáng khá yếu và không duy trì được lâu. Tuy nhiên, ý tưởng của Davy mở ra hướng nghiên cứu cho các nhà phát minh sau này, trong đó chỉ cần tìm một loại vật liệu có thể phát sáng tốt hơn khi dòng điện chạy qua thay thế platin là thành công.
Mãi đến năm 1879, sau hàng trăm thử nghiệm, Edison mới thành công trong việc sử wolfram làm dây tóc cho bóng đèn sợi đốt như ngày nay.
Vào thế kỷ 17, nhiều nước ở châu Âu bắt đầu tổ chức chuyển thư cho cho người dân. Khi đó người nhận sẽ phải trả cước phí, do đó phát sinh chuyện người nhận từ chối trả tiền để nhận thư.
2 con tem đầu tiên trên thế giới - (Ảnh chụp màn hình).
Ngoài ra, việc đưa và nhận thư chưa được tính toán cước phí thống nhất, dẫn đến giá chuyển thư quá cao khiến hoạt động này gặp trở ngại.
Rowland Hill (1795-1879) là một giáo viên người Anh nhưng rất quan tâm đến lĩnh vực bưu chính. Ông nghĩ đến ý tưởng người gửi thư sẽ phải trả tiền cho việc đưa thư, thông qua việc mua một loại nhãn dán mà sau gọi là tem.
Đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Sau nhiều lần thảo luận, ngày 10-1-1840 (Canh Tý), nước Anh quyết định thực hiện kiến nghị của Rowlland Hill, trong đó không kể khoảng cách xa gần, mỗi bức thư nặng ½ ounce (khoảng 14 gam) sẽ thu phí 1 penny - giá cước bình quân.
Con tem đầu tiên được phát hành vào ngày 6-5-1840, in hình nữ hoàng Anh trên nền đen, có giá 1 penny. 2 ngày sau, con tem 2 penny cũng có hình nữ hoàng nhưng nền xanh được phát hành.
Kể từ đó, tem thư bắt đầu phổ biến ở Anh và các quốc gia lân cận.
Đến năm 1874, một tổ chức lấy tên là hệ thống bưu chính toàn cầu được thành lập nhằm có thể kiểm soát và nhận diện các loại tem thư, thuận tiện cho việc trao đổi thư tín xuyên quốc gia.
Alexander Graham Bell (1847-1922) là nhà phát minh người Scotland. Năm 1876 (Bính Tý), Bell chính thức nhận bằng sáng chế của Mỹ cho chiếc điện thoại của mình.
Tuy nhiên, theo The Guardian, "cha đẻ" của điện thoại thật sự lại là Antonio Meucci, một nhà phát minh người Ý.
Alexander Graham Bell trong buổi trình diễn điện thoại năm 1876 - (Ảnh tư liệu).
Chuyện xảy ra vào năm 1860 khi Meucci trình bày phát minh cho Bell, thậm chí đã thực hiện một cuộc gọi thử cho vợ mình lúc này đang trong bệnh viện. Tuy nhiên, lúc này Meucci không đủ tiền gửi lệ phí đến văn phòng bằng sáng chế Mỹ để được công nhận phát minh.
Thậm chí 3 năm sau đó, Meucci không có nổi 10USD để cải tiến sản phẩm của mình.
Nhận thấy tiềm năng của ý tưởng của Meucci, Bell tiếp tục hoàn thiện chiếc điện thoại. Đến ngày 14-02-1876, Bell gửi hồ sơ cho văn phòng bằng sáng chế Mỹ và được công nhận là người phát minh điện thoại.
Cũng theo The Guardian, ngày 11-6-2002 thượng viện Hoa Kỳ thông qua điều luật 269 về Meucci, công nhận chính Meucci mới là người đâu tiên tạo ra điện thoại.
BKT