Năm 1796, Edward Jenner (Anh) thử nghiệm phương pháp tiêm chủng để chế ngự virus đậu mùa. Kể từ đó, vắcxin được sử dụng rộng rãi và rất hiệu quả. Bệnh đậu mùa cướp đi nhiều sinh mạng trong suốt 2 thế kỷ 17-18, đã được loại bỏ hoàn toàn nhờ vắcxin.
Sau đó rất nhiều loại vắcxin khác được bào chế chống các bệnh nguy hiểm trên thế giới, trong đó có đậu mùa, dại, lao và tả. Ngày nay vắcxin được xem là phát minh quan trọng của loài người, giúp phòng ngừa rất nhiều bệnh lây nhiễm lẫn không lây nhiễm.
Thuốc gây mê (năm 1846)
Từ trước công nguyên, con người đã tiến hành nhiều thí nghiệm về thuốc gây mê. Năm 1846, bác sĩ William T. G. Morton (Mỹ) mới sử dụng thành công chất gây mê ether trong phẫu thuật, mở ra một trang mới cho lịch sử y học. Không lâu sau đó, chloroform, một chất có khả năng gây mê nhanh hơn được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên chloroform mang lại nhiều rủi ro cho bệnh nhân, một vài trường hợp tử vong nên bị cấm sử dụng.
Hơn 150 năm trôi qua, các loại thuốc gây mê an toàn hơn được phát triển, giúp bệnh nhân giảm đau đớn khi phẫu thuật.
Lý thuyết mầm bệnh (năm 1861)
Trước khi lý thuyết mầm bệnh được đưa ra, nhiều người tin rằng nguồn gốc của bệnh tật là "sự tự phát". Nói cách khác, các bác sĩ thời xưa cho rằng bệnh tật có thể tự xuất hiện trong không khí, thay vì lan truyền trong không khí hoặc lây nhiễm qua tiếp xúc da trực tiếp.
Năm 1861, bằng một thí nghiệm đơn giản, nhà vi trùng học người Pháp Louis Pasteur đã chứng minh nguồn gốc của bệnh truyền nhiễm là do mầm bệnh tấn công con người. Phát hiện này đánh dấu mốc quan trọng lịch sử y học, làm thay đổi cách chữa trị, kiểm soát và phòng ngừa bệnh, ngăn ngừa các dịch bệnh cướp đi hàng nghìn sinh mạng mỗi năm như dịch hạch, bệnh lỵ và sốt thương hàn.
Ảnh y khoa (năm 1895)
Chụp X-quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y khoa đầu tiên trong lịch sử. Năm 1895, nhà vật lý học người Đức Wilhelm Conrad Rӧntgen tình cờ phát hiện kỹ thuật này khi đang thí nghiệm cho dòng điện qua các ống tia âm cực. Chỉ qua một đêm, phát hiện của ông đã thay đổi hoàn toàn ngành y học. Năm 1896, bệnh viện Glasgow mở khoa X-quang đầu tiên trên thế giới.
Siêu âm được đưa vào khoa chẩn đoán hình ảnh từ năm 1955. Các bác sĩ dùng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh kỹ thuật, hỗ trợ chẩn đoán bệnh.
Năm 1967, kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT) được phát minh, sử dụng tia X và máy tính để chẩn đoán nhiều loại bệnh khác nhau. Máy chụp CT trở thành công cụ chẩn đoán quan trọng trong y học hiện đại.
Công nghệ chụp cộng hưởng từ (MRI) được Paul Lauterbur phát minh năm 1973. Dữ liệu cộng hưởng từ hạt nhân tạo ra hình ảnh chi tiết trong cơ thể, phát hiện khối u, u nang, tổn thương não, tủy sống và một số vấn đề về tim, gan.
Penicillin (năm 1928)
Penicillin là loại thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới. Khám phá này của nhà khoa học Alexander Fleming (Anh) năm 1928 đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc chiến với những con vi khuẩn chết người.
Hơn 10 năm sau, khám phá của Fleming mới được công nhận, các công ty dược phẩm Mỹ sản xuất penicillin hàng loạt để phục vụ Thế chiến thứ hai.
Sự xuất hiện của penicillin đã cứu hàng triệu người. Thật không may, một số vi khuẩn ngày càng kháng thuốc kháng sinh, ngày nay dẫn đến cuộc khủng hoảng kháng kháng sinh toàn cầu, thúc đẩy ngành y dược nhanh chóng tìm ra cách điều trị tình trạng kháng vi khuẩn.
Cấy ghép tạng (năm 1954)
Tháng 12/1954, ca phẫu thuật ghép thận thành công đầu tiên được bác sĩ Joseph Murray và bác sĩ David Hume thực hiện tại Boston (Mỹ). Trước đó, đã có nhiều ca phẫu thuật cấy ghép khác nhưng đều thất bại.
Năm 1963, ca ghép phổi đầu tiên được tiến hành. Năm năm sau, ghép tuyến tụy/thận được thực hiện thành công, tiếp đó là phẫu thuật ghép gan, tim năm 1967.
Các ca cấy ghép tạng ngày càng phức tạp hơn. Năm 1998, các bác sĩ đã thành công khi ghép bàn tay, năm 2010 phẫu thuật ghép hoàn toàn khuôn mặt.
Thuốc kháng virus (thập niên 1960)
Thuốc kháng virus xuất hiện vào những năm 1960, ngăn chặn sự lây lan các bệnh do virus và kích thích hệ miễn dịch tấn công mầm bệnh. Thuốc kháng virus có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị và kiểm soát HIV/AIDS, Ebola và bệnh dại.
Liệu pháp tế bào gốc (thập niên 1970)
Tác dụng của tế bào gốc trong máu cuống rốn được phát hiện vào cuối những năm 1970. Tế bào gốc có hai điểm đặc trưng, là các tế bào không chuyên biệt có thể tự làm mới thông qua sự phân chia ngay cả khi không hoạt động. Trong một số điều kiện nhất định, chúng có thể được sử dụng để tạo ra bất kỳ loại tế bào con người nào.
Liệu pháp tế bào gốc hiện được sử dụng trong cấy ghép tủy xương, điều trị các rối loạn máu như bạch cầu, chấn thương tủy sống, bệnh thần kinh như Alzheimer, Parkinson, đột quỵ. Tuy nhiên, do vấn đề đạo đức, các nhà nghiên cứu có thể gặp nhiều trở ngại khi phát triển phương thức chữa bệnh dựa trên liệu pháp tế bào gốc.
Liệu pháp miễn dịch (thập niên 1970)
Liệu pháp miễn dịch, phương pháp kích thích hệ miễn dịch để chống lại bệnh, được nghiên cứu từ hơn một thế kỷ trước. Năm 1890 nhà nghiên cứu William B. Coley (Mỹ) đã tiêm vi khuẩn không hoạt động vào các khối u ung thư và đạt được hiệu quả chữa trị một số bệnh nhân. Những năm 1950, liệu pháp miễn dịch mới có bước tiến quan trọng, đặc biệt trong điều trị ung thư.
Trong một thập kỷ qua, liệu pháp miễn dịch trở thành một trong những liệu pháp điều trị ung thư nổi bật.
Trí tuệ nhân tạo (thế kỷ 21)
Mười năm qua, việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi đáng kể chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Loài người đang tìm kiếm cách chẩn đoán, điều trị, ngăn ngừa bệnh tật nhanh và thông minh hơn. Những thành tựu bước đầu của trí tuệ nhân tạo hiện được ứng dụng trong y học như công cụ chẩn đoán phát hiện những khối u ác tính mà mắt thường không phát hiện được, hệ thống tự động hóa đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư...