TP HCM đã trải qua 66 ngày giãn cách với 6 lần nâng cấp độ chống dịch, tốc độ ghi nhận các ca nhiễm ở mỗi giai đoạn cao hơn nhiều so với trước đó. Số ca nhiễm trung bình trong giai đoạn TP HCM bắt đầu áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 là 49 ca mỗi ngày. Hơn một tháng sau đó, khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, con số trung bình theo ngày ở mức gần 5.000 ca.
Đánh giá về số nhiễm tăng cao trong những ngày thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách, cơ quan chức năng nêu, dịch đã lan sâu rộng vào những nơi khả năng lây nhiễm rất cao. Nhưng nguyên nhân lớn khác được nhiều lần đề cập là một số nơi đã thực hiện không nghiêm giãn cách. Nhiều người dân vẫn tìm cách ra đường không lý do chính đáng, trong các khu phong tỏa, mọi người vẫn giao lưu, tiếp xúc...
"Tôi không hiểu các đồng chí triển khai thế nào, xe vẫn đổ ra đường ầm ầm khi tôi đi Củ Chi hay xuống quận 8", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói với lãnh đạo TP HCM sau chuyến thị sát một số địa bàn, khu vực bị phong toả tại thành phố, chiều 24/7. Ông bày tỏ sự lo ngại về hiệu quả chống dịch nếu ngoài đường vẫn đông và đề nghị chính quyền cần nghiêm ngặt, lập lại kỷ cương trong thực hiện giãn cách.
Tại hội nghị Thành ủy TP HCM ngay sau đó bàn về các giải pháp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá về những điều được, chưa được trong giai đoạn trước đó. "Thành phố làm được nhiều việc, cứu nhiều người, nhưng cũng còn nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là nỗi đau chung, khuyết điểm của hệ thống chính trị thành phố, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp, chúng ta xin nhân dân lượng thứ", ông Nên nói.
Chiến lược chống dịch của TP một lần nữa được thay đổi theo hướng mạnh hơn. Ngày 26/7, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 siết chặt, "ai ở đâu ở yên đấy", không ra khỏi nhà sau 18h đến 6h sáng hôm sau. Ở khung giờ này tất cả hoạt động phải tạm dừng trừ cấp cứu và điều phối chống dịch. Thành phố cũng phát phiếu đi chợ, siêu thị mua hàng thiết yếu cho người dân mỗi tuần hai lần để hạn chế tập trung đông người...
Bên cạnh việc quyết liệt cắt đứt chuỗi lây nhiễm ở "vùng đỏ", thành phố cũng thi đua giữ chặt "vùng xanh", làm sạch địa bàn, từng bước mở rộng khu vực an toàn.
Một tuần qua, tổng nhiễm theo ngày của TP khoảng hơn 4.000, có xu hướng đi ngang nhưng chưa thể kết luận có hay không TP HCM đã qua đỉnh dịch.
"TP HCM xác định việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn nữa, mà quan trọng là đếm bao nhiêu ca khỏi, chuyển nặng và số ca tử vong để có biện pháp điều trị", Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP HCM Phan Văn Mãi nói.
Để chuẩn bị cho chiến lược hạn chế tử vong, giữa tháng 7, TP HCM đã chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị y tế để ưu tiên, tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Mô hình điều trị F0 từ "tháp 4 tầng" khi có 15.000 ca nhiễm được chuyển thành "tháp 5 tầng", với 38 cơ sở điều trị tổng cộng 46.000 giường bệnh, để chữa hơn 41.000 ca bệnh, hôm 22/7.
Ngành y tế tiếp tục mở rộng cơ sở điều trị như thực hiện bệnh viện tách đôi, có nơi đã tăng năng lực tiếp nhận cấp cứu lên 100%, giao việc thu dung các F0 không triệu trứng về các cơ sở quận, huyện...
Ngoài lực lượng y tế của nhiều bệnh viện, địa phương tăng cường trước đó, TP HCM còn được bổ sung nhân sự chất lượng cao như tất cả giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, K, Phổi Trung ương, E, Lão khoa, Hữu nghị... để chung sức thiết lập thêm hệ thống điều trị bệnh nhân Covid-19. Ba trung tâm hồi sức tích cực với tổng quy mô 3.000 giường, được thành lập để cùng với Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM tập trung chữa trị bệnh nhân nặng và rất nặng.
"Việc mở rộng đặt ra yêu cầu về nhân lực và trang thiết bị. Thời gian qua, thành phố được tăng cường nhưng phải nói đến giờ này vẫn đang quá tải và đang thiếu", Phó bí thư Phan Văn Mãi nói.
Về con số tử vong, ông Mãi cho biết chưa có số liệu phân tích, thống kê đầy đủ để đưa ra nhận định cuối cùng về tỷ lệ tử vong ở các tầng. "Chúng tôi quan sát thấy khâu tiếp nhận và xử trí ở tầng 3 là chỗ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị. Đây là chỗ thành phố sẽ tập trung", ông nói.
Theo số liệu sáng 4/8, các bệnh viện TP HCM đang điều trị 33.444 F0, trong đó, 1.035 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng thay đổi chiến lược tiêm vaccine nhằm tăng độ phủ nhanh nhất. Ở đợt tiêm thứ 5, nhận thấy tiến độ những ngày đầu quá chậm, thành phố nâng tổng số đội tiêm lên 1.200, gấp đôi so với kế hoạch ban đầu, tổ chức nhiều đội tiêm lưu động, không giới hạn số người tiêm trong một buổi. Ngoài ưu tiên cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh nền, việc tiêm vaccine thực hiện cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên; tiêm cho người trong khu phong toả, cách ly; tổ chức tiêm vào buổi tối.
TP HCM cũng tinh giản một số thủ tục trước và sau tiêm vaccine, như đơn giản khâu khám sàng lọc cho những người dưới 65 tuổi và không có bệnh nền; giảm thời gian theo dõi sau tiêm 30 phút xuống còn 15 phút với người khoẻ mạnh, không có bệnh nền. Điều này giúp thêm nhân lực y tế để mở các điểm tiêm chủng mới, tăng số lượng tiêm tại mỗi điểm.
Sau 14 ngày triển khai, chiến dịch tiêm vaccine đợt 5 của thành phố đã hoàn tất với hơn 1,1 triệu người được tiêm.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức, hiện khoảng 2 triệu người đã tiêm mũi một; 70.000 người tiêm mũi thứ hai. Thành phố đã kiến nghị Chính phủ cấp vaccine liên tục để tiêm thêm 5,5 triệu liều trong tháng 8. Việc này nhằm thực hiện mục tiêu 70% người trên 18 tuổi ở thành phố (khoảng hơn 7 triệu người) được tiêm vaccine.
Chính quyền thành phố cũng kêu gọi người dân không tự ý rời thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và giao các sở ngành, quận huyện đảm bảo cung cấp, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn nguồn dự trữ, nhất là người dân tại các khu phong tỏa.
"Chúng tôi cam kết sẽ không để người dân thiếu đói. TP HCM sẽ huy động tất cả nguồn lực để hỗ trợ bà con", Phó bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi nói trong cuộc họp báo diễn ra hôm 3/8 và cho biết thành phố đã lập Trung tâm tiếp nhận, điều phối, hỗ trợ những người gặp khó khăn.
Nguồn VnExpress