Sự chuyển mình trong cách tiếp cận nghệ thuật
Triển lãm nghệ thuật không còn là sự kiện trang trọng với những bức tranh, tác phẩm điêu khắc được treo trên tường trong không gian bảo tàng hay phòng trưng bày. Hiện nay, các triển lãm đã có sự đổi mới mạnh mẽ để phù hợp với sở thích và xu hướng của giới trẻ. Các nhà tổ chức đã tìm cách đưa nghệ thuật gần gũi hơn với công chúng bằng cách áp dụng các hoạt động tương tác và tạo ra các không gian nghệ thuật độc đáo.
Triển lãm nghệ thuật "Monet & Van Gogh Art Lighting Experience”. (Ảnh: Van Gogh Expo Vietnam) |
Thế hệ Gen Z lớn lên trong thời đại số, nơi công nghệ là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Triển lãm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu này bằng cách tạo ra những không gian trưng bày, kết hợp các yếu tố công nghệ, nơi người tham quan không chỉ đứng xem mà còn có thể tương tác đa giác quan trong một môi trường 3D sống động, mang lại cảm giác chân thực và hứng thú, biến mỗi chuyến đi trở thành một trải nghiệm cá nhân đặc biệt. Những đổi mới trong cách trưng bày và trải nghiệm nghệ thuật giúp các triển lãm trở nên hiện đại và phù hợp hơn với cách Gen Z tiếp cận thông tin và giải trí.
“Theo mình, nghệ thuật vừa là một sở thích cá nhân mà vừa là một nơi để mình tìm nguồn cảm hứng. Mỗi khi có thời gian là mình tìm trên mạng xem đang có triển lãm nào được diễn ra, rồi rủ bạn bè đi cùng. Mình đã đi rất nhiều buổi triển lãm khác nhau, mỗi nơi sẽ có các tác phẩm đa dạng và đổi mới, còn có các hoạt động trải nghiệm trực tiếp làm cho mình cảm thấy yêu thích với nghệ thuật hơn", Lê Quỳnh Mỹ Trúc (trường ĐH Kinh tế TP. HCM) chia sẻ, sau khi tham quan triển lãm.
Cơ hội gặp gỡ với các nhà bình luận phim. (Ảnh: Vin Gallery) |
Với Nguyễn Thị Bích Tiên (trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng), chị xem triển lãm là một không gian giao lưu và học hỏi: “Mình đã gặp gỡ nhiều người có cùng đam mê, họ cùng mình chia sẻ những cảm xúc và quan điểm với họ và từ đó mình đã mở rộng tầm nhìn của mình về nghệ thuật hơn”. Ngoài ra, Gen Z có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các nghệ sĩ, nhà phê bình và những người có chung đam mê nghệ thuật. Điều này giúp mở rộng kiến thức và thúc đẩy sự sáng tạo, trở thành nơi lý tưởng để giới trẻ học hỏi và khám phá.
Văn hóa cộng đồng
Các triển lãm thường được tổ chức với chủ đề hoặc ý tưởng gắn bó chặt chẽ với các yếu tố văn hóa. Những chủ đề này có thể phản ánh các phong tục tập quán, truyền thống và các vấn đề xã hội hiện tại. Khi tham quan, người xem có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố văn hóa thông qua các tác phẩm nghệ thuật từ tranh vẽ, điêu khắc đến các tác phẩm nghệ thuật số.
Tác phẩm tại triển lãm “Memory and Body Mythology”. |
Với nhiều bạn trẻ, việc tham gia triển lãm nghệ thuật là cơ hội để tìm hiểu, trải nghiệm và phát triển niềm đam mê. Bạn trẻ đến triển lãm không chỉ để thưởng thức các tác phẩm mà còn để hiểu về quy trình sáng tạo, bối cảnh lịch sử và ý nghĩa của từng tác phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những cá nhân có góc nhìn tích cực và lạc quan, vẫn có một bộ phận bạn trẻ đến triển lãm nghệ thuật chủ yếu để “check-in” và chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội. Trần Đình Khánh Duy (trường ĐH Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Thực tế là mình nhận thấy có không ít bạn trẻ đến các triển lãm nghệ thuật chỉ với mục đích chụp ảnh hơn là thực sự thưởng thức nghệ thuật. Họ xem triển lãm như một điểm đến mới, khi đã chán những địa điểm quen thuộc như rạp phim hay là quán cà phê. Điều này làm mình càng trân trọng hơn những người đến triển lãm với tâm thế thực sự muốn tìm hiểu và cảm nhận nghệ thuật. Còn đối với mình thì nơi đây là cơ hội để mình tìm hiểu những câu chuyện ẩn sau mỗi tác phẩm mà tác giả muốn đem đến”.
Sự thay đổi trong cách tiếp cận và thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ phản ánh một xu hướng tích cực và đáng khích lệ. Việc từ bỏ cách tiếp cận đơn thuần để check-in và chuyển sang tìm hiểu, học hỏi là một dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành và đam mê với nghệ thuật. Để đáp ứng sự quan tâm ngày càng tăng, việc mở rộng không gian và cải thiện chất lượng triển lãm sẽ là yếu tố quan trọng giúp nghệ thuật tiếp tục phát triển và được đón nhận rộng rãi hơn trong cộng đồng.
Nguồn Sinh viên Việt Nam