Một bộ phận giới trẻ còn ngại ngùng trao đổi về các vấn đề xã hội
Quá trình hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã đem đến nhiều chuyển biến trong xã hội và giới trẻ cũng không nằm ngoài đối tượng bị ảnh hưởng từ xu thế đó. Những yếu tố văn hóa, những luồng quan điểm mới lạ được du nhập phần nào ẩn chứa nhiều ảnh hưởng không tốt đến một bộ phận thanh thiếu niên khi ngày càng sống thực dụng, thiếu lý tưởng, từ thờ ơ, xa rời trở thành bàng quan, xa lạ với tình hình chính trị và những vấn đề của đất nước.
Nguyễn Việt Trung - sinh viên năm 3 Trường Đại học Luật Hà Nội. |
Bạn Nguyễn Việt Trung - sinh viên năm 3 Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: “Bản thân mình rất quan tâm đến ý thức chính trị của các bạn trẻ. Mình nhận thấy rằng, sự phát triển thiếu kiểm duyệt của một số trang mạng xã hội đã tạo ra những luồng thông tin tiêu cực, kích động và hướng luồng dư luận trong giới trẻ. Hậu quả là học sinh, sinh viên dễ tiếp cận, ham thích cái mới trong khi nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội còn chưa đủ độ chín dễ dàng trở nên hoài nghi, dao động thậm chí là lệch lạc trong góc nhìn và quan điểm của bản thân về các vấn đề chính trị.”
Chính thay đổi trong văn hóa và thói quen này đã tạo ra nhiều hệ lụy khôn lường, dẫn đến xu hướng thờ ơ, suy thoái về ý thức chính trị của một bộ phận giới trẻ. Nói về nguyên nhân của vấn đề này, Việt Trung nhận định: “Phần lớn mọi người cho rằng các vấn đề chính trị - xã hội là câu chuyện của người lớn nên giới trẻ không cần tìm hiểu và tìm hiểu cũng không đem lại lợi ích gì. Chính những suy nghĩ này cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ khi khiến thế hệ trẻ trở nên ngại ngùng không dám bàn luận, trao đổi hay đưa ra quan điểm liên quan tới những vấn đề chính trị, xã hội.”
Là một sinh viên trường Luật và cũng là một người trẻ, Việt Trung hy vọng lớp trẻ sẽ luôn được gửi trọn niềm tin, cơ hội để họ được cất lên tiếng nói, thể hiện quan điểm của mình. |
Là một sinh viên trường Luật và cũng là một người trẻ, Việt Trung hy vọng lớp trẻ sẽ luôn được gửi trọn niềm tin, cơ hội để họ được cất lên tiếng nói, thể hiện quan điểm của mình, từ đó góp phần nâng cao ý thức chính trị. Trong các cơ sở giáo dục hay các tổ chức chính trị - xã hội, sẽ luôn có các thế hệ đi trước định hướng, hỗ trợ để những người trẻ ngày càng vững vàng, chín chắn cả trong nhận thức lẫn hành động, xứng đáng với trách nhiệm là những người chủ nhân tương lai của đất nước.
Thời trang nhanh và những ảnh hưởng xấu đến môi trường
Ngày nay, ngành công nghiệp thời trang nhanh đang là xu thế đón đầu các thị trường tiêu dùng lớn trong nước. Bên cạnh tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế thì điều này sẽ tạo ra những tác động rất xấu đến môi trường. Ngành công nghiệp này dùng đến hàng chục triệu tấn nguyên liệu không thể tái tạo, điều đó làm gia tăng thêm vấn đề ô nhiễm.
Trần Thị A Khin - sinh viên năm nhất Trường Đại học Văn Lang. |
Là một sinh viên chuyên ngành Thiết kế thời trang (Trường Đại học Văn Lang), bạn Trần Thị A Khin cực kỳ quan tâm đến vấn đề thời trang bền vững. Cô bạn 2K4 chia sẻ: “Đang học tập và hoạt động trong lĩnh vực thời trang như mình sẽ cực kì quan tâm đến vấn đề thời trang bền vững, nó không chỉ là một xu hướng sinh hoạt của giới trẻ mà còn liên quan đến trách nhiệm của một nhà thiết kế thời trang. Mình luôn muốn mang cái đẹp đến cho khách hàng một cách hoàn hảo và tích cực không những là về thiết kế mà còn về chất liệu sản phẩm.
Trần Thị A Khin |
A Khin tin rằng một sản phẩm thời trang tốt là một sản phẩm phải được đầu tư chỉnh chu về chất liệu và cả chất xám của nhà thiết kế, từ đó ít tạo ra một sản phẩm bền bỉ, ít bị đào thải, thay mới… Vì thế, nếu giới trẻ quan tâm sâu sắc đến vấn đề này thì ngành công nghiệp thời trang nói chung sẽ không còn là sức ép với môi trường, cùng xây dựng một lối sống văn minh, hiện đại và bền vững.
Giáo dục kỹ năng mềm cho trẻ nhỏ còn hạn chế ở những vùng quê
Bạn Nguyễn Tiến Đạt - sinh viên ngành Đạo diễn của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đang là một giảng viên cho một trung tâm đào tạo kỹ năng mềm cho trẻ em từ 5-12 tuổi.
Nguyễn Tiến Đạt - sinh viên ngành Đạo diễn của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. |
Đối với anh, đây không chỉ là công việc đơn thuần mà nó là sự thúc đẩy và bước đệm lớn chuẩn bị hành trang cho các bạn sẵn sàng chinh phục bản thân mình. Trong quá trình theo đuổi công việc này, Tiến Đạt nhận thấy vấn đề cải thiện giao tiếp, sự tự tin là vô cùng quan trọng trong xã hội phát triển ngày nay. Ở các thành phố lớn, các bạn nhỏ đã được phụ huynh quan tâm và cho đi học từ sớm để cải thiện khả năng giao tiếp, tự tin đứng trước đám đông. Tuy nhiên, ở những miền quê có điều kiện chưa tốt thì điều kiện chưa tốt thì các em nhỏ rất ít cơ hội được tiếp xúc với các bộ môn liên quan đến kỹ năng.
Tiến Đạt đang là một giảng viên cho một trung tâm đào tạo kỹ năng mềm cho trẻ em từ 5-12 tuổi. |
Tiến Đạt tâm sự: “Có cơ hội gặp gỡ nhiều trẻ em ở các vùng miền khác nhau, mình nhận thấy sự khác biệt rõ ràng giữa thành thị và nông thôn trong cơ hội được tiếp cận, học tập các kỹ năng mềm của trẻ nhỏ. Nhiều em nhỏ còn quá nhút nhát, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống còn hạn chế. Vì vậy, mình mong rằng bộ môn liên quan đến các kĩ năng sẽ được phát triển rộng rãi hơn, được đưa vào các trường học giáo dục trẻ nhỏ từ sớm, giúp trẻ em Việt Nam nâng cao và hoàn thiện kỹ năng sống, đặc biệt là các em nhỏ vùng sâu, vùng xa.”
Nguồn Sinh viên Việt Nam