Niềm tin luôn luôn là điểm tựa và ánh sáng để mỗi con người lựa chọn cho mình đích đến thành công. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” cũng chính là điểm tựa và ánh sáng để nhân dân ta lựa chọn con đường “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” cho sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc của đất nước. Trong trường hợp như thế, niềm tin và văn hóa đã song hành cùng nhau trong hành trình tìm đến hệ giá trị chân, thiện, mỹ.
Niềm tin của Nhân dân với Đảng ngày càng vững chắc
Song, để có niềm tin thật sự, trong mỗi con người phải khẳng định được bản lĩnh của chính mình trong rất nhiều mối quan hệ. Đặc biệt, trong nhiều tình huống cụ thể họ phải đối diện với những khó khăn ở chính bản thân mình. Trong tác phẩm Đôn Kihôtê nổi tiếng, Xecvantec đặt ra một tình huống rất hay: Đôn Kihôtê người cao ráo, cưỡi con ngựa rất oai hùng, muốn đi giải phóng nhân loại với một quyết tâm rất lớn, nhưng đầy tớ Sancho cưỡi con la lùn, khi nghe Đôn Kihôtê bảo sẽ đi dẹp mọi bất công trên đời, thì hỏi ngay: "Nhưng thầy ơi, chiều nay ta ăn đâu?" - Họ vừa muốn đi tìm lý tưởng, nhưng cũng buộc phải quan tâm đến miếng ăn hàng ngày! Điều đó cho thấy, vấn đề trước tiên là phải giải quyết, tháo gỡ được những mâu thuẫn, gian nan đang đối diện trước mắt ở mỗi con người. Không ít người đã rơi vào trạng thái bi quan, chán nản để rồi tự đánh rơi bản ngã của mình ở những thời điểm mà lịch sử dân tộc cần họ vượt lên nhất!
Trong sự phát triển của con người trong môi trường văn hóa, mỗi người sẽ có sự khẳng định niềm tin khác nhau. Nhà toán học tin vào những đáp số chính xác; các nhà văn, nhà thơ tin vào những điều mắt thấy tai nghe, tin vào hiểu biết và cảm nhận của mình.. để có những tác phẩm giá trị. Trong những trường hợp như thế, niềm tin gắn liền với sự phát triển con người: “Nếu có niềm tin, tôi sẽ hướng độc giả đến giá trị sâu xa của nghệ thuật và nhân cách”[1].
Trở lại với những năm tháng bi tráng của đất nước, từ "Thuở nô lệ, thân ta nước mất/ Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm" (thơ Tố Hữu) đến hình ảnh "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"[2] đã khẳng định niềm tin cao cả của Đảng ta trong sự nghiệp cách mạng gắn liền với lý tưởng là độc lập, tự do, đất nước hòa bình, thống nhất, phồn vinh và mọi người dân được hưởng ấm no, hạnh phúc. Đó cũng chính là minh chứng có tính chất bất biến: Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác! Nhà thơ Chế Lan Viên đã hình tượng hóa mối quan hệ giữa Đảng ta với nhân dân có sức lan tỏa mạnh mẽ: “Mưa tám trăm ly, Bác phải lội bùn/ Hạn cháy lúa, Thủ tướng cùng dân đi tát nước...” và “Nghĩ vóc dáng những Trường Sơn, dung mạo những đồng bằng/ Những mâm cơm ta có gì, Trung ương phải nghĩ”.
"Phải nghĩ" và “Cùng dân đi tát nước” nghĩa là nói đi đôi với làm, lý luận thấm sâu vào thực tiễn để mối quan hệ giữa Đảng với dân, dân với Đảng luôn hài hòa, nguyên vẹn không ai có thể chia cắt được. Chúng ta cần phải nhắc lại và nhắc lại nhiều lần lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Bởi vì, Người đã tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân: Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cũng đã từng có cảm nhận mang tính chiêm nghiệm về vấn đề này "Phúc chu thủy tín dân do thủy"[3]-Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước hay Lật thuyền, thấm thía: dân như nước!
Niềm tin của dân với Đảng chỉ trọn vẹn khi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, tổ chức thực hiện sẽ có nhiều thành tựu hơn được đánh dấu bằng sự mạnh giàu của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Niềm tin đó được nhân lên khi Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới – Đó là chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; đặc biệt nhấn mạnh tới việc chăm lo và tạo cơ hội vươn lên trong cuộc sống đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng đặc biệt khó khăn... Nhân dân tin tưởng rằng, việc Đảng xác định rõ, chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước sẽ được hiện thực hóa, thấm sâu vào đời sống văn hóa của mọi người.
Đảng ta luôn có những định hướng vừa cụ thể vừa nhân văn và thiết thực, không sa vào những điều cao siêu, quá tầm để hướng sự lãnh đạo vào những đòi hỏi sát sườn từ cuộc sống quần chúng, vì sự lớn mạnh của dân tộc hôm nay và mai sau. Đó quả là sự chăm lo hết thảy cho dân của một Đảng chân chính-một Đảng giàu đạo đức, giàu văn minh! Khi mới giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khao khát dân ta ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành. Nay, Đảng ta vẫn một lòng kế tục trọng trách nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang ấy; luôn một lòng vì dân với những chỉ tiêu mới mẻ được đặt ra vì sự tiến bộ, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, sánh vai cùng bạn bè bốn bể, năm châu. Ấy là trong tầm nhìn đến năm 2045, khi tròn 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.
Vậy nên, khi giá trị văn hóa Đảng được tạo thành nền tảng lý tưởng bền chắc gắn liền với các yếu tố xuyên suốt về tri thức, đạo đức, hành vi, tư cách, chuẩn mực để dân tin, cảm phục, phấn đấu thực hiện thì lúc đó NIỀM TIN sẽ tạo thành và bám rễ sâu vào trong tâm thức của mỗi con người. Giáo sư Trần Văn Giàu có suy ngẫm rất sâu sắc rằng: “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn, nhục hay vinh, phần rất quan trọng là tùy thuộc ở chỗ ta ứng dụng và phát huy hay ta lãng quên và chôn vùi món vũ khí tinh thần ấy”[4]
Để dừng lời, tác giả xin trích dẫn hàm ý của nữ nhà văn khiếm thị Helen Adams Keller “The most pathetic person in the world is someone who has sight but no vision” – Người đáng thương nhất trên thế giới là người có mắt nhưng không có tầm nhìn; như gợi mở rất nhiều điều để cho tất cả chúng ta suy ngẫm. Tầm nhìn là sự nhận biết của mỗi con người về thế giới xung quanh và về bản thân mình. Trong tầm nhìn, có nhận thức, ý thức, cảm hứng, ước mơ... ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc trình độ tri thức, vốn sống, trải nghiệm thực tiễn của mỗi người cũng như các điều kiện khách quan. Song, để có được tầm nhìn thì trước tiên bất kỳ ai cũng phải bắt đầu từ niềm tin. Bởi vì, nếu không có niềm tin thì sẽ làm sao có được động lực và cảm hứng, ước mơ? Từ đó, các yếu tố “lệch chuẩn” sẽ xuất hiện, tiếp theo đó là xâu chuỗi của nhiều hệ lụy khác xuất hiện. Vì vậy, khi niềm tin và văn hóa song hành cùng nhau trong hành trình tìm đến hệ giá trị chân, thiện, mỹ thì các hành vi “lệch chuẩn” sẽ dần mất đi và những “hệ lụy tiêu cực” cũng không còn “chốn dung thân” trong môi trường văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
[1] Nhà văn Trần Thị Ngọc Lan; https://cand.com.vn/So-tay/Neu-khong-con-niem-tin-nha-van-khong-viet-duoc-i508756/
[2] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.
[3] Nguyễn Trãi: Quan hải - Đóng cửa biển
[4] Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 10 – 11
Phương Nam