Cơ hội, khó khăn và thách thức
Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế như gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp... và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội. Đó là sự thuận lợi trong thu hút đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư; sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới; xuất nhập khẩu với sự đa dạng mặt hàng. Các doanh nghiệp có điều kiện cải thiện năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, tạo ra nhiều việc làm, có sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển... Điều đó góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm. Năng suất lao động cũng tăng lên, giảm khoảng cách so với nền kinh tế khác trên thế giới...
Thế nhưng, bên cạnh đó cũng là không ít khó khăn, thách thức như sự cạnh tranh trong thị trường nhân lực cao do nhân lực có trình độ cao trong khu vực ASEAN sẽ tự do di chuyển đến Việt Nam bởi chúng ta đang thiếu hụt lực lượng lao động này, dẫn đến vấn đề dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp, đe dọa phá vỡ thị trường lao động truyền thống, đất nước dần mất đi lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và chi phí lao động thấp, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Lao động nước ta còn bộc lộ nhiều điểm yếu về khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, kỷ luật lao động, ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa thế giới.
Điều đó dẫn tới thực trạng là nguồn lao động dồi dào, nhu cầu việc làm lớn nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động. Nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Các nguồn đầu tư FDI vào Việt Nam đã và sẽ bị ảnh hưởng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo trong thời gian tới.
Chủ động, sáng tạo nâng cao chất lượng đào tạo
Nhiều năm qua, luôn có sự cạnh tranh khốc liệt trong công tác tuyển sinh giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Học nghề thường là sự lựa chọn cuối cùng, do đó chất lượng đầu vào không cao. Trong khi đó, đầu ra yêu cầu sinh viên kỹ năng nghề nghiệp cao hơn, có văn hóa nghề, kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp, tư duy chủ động sáng tạo, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và ngoại ngữ, chủ động sáng tạo, linh hoạt, thích ứng cao với nhiều công việc khác nhau. Đặc biệt là các ngành kỹ thuật cần phải cập nhật nhiều kiến thức mới, nhiều công nghệ mới. Chất lượng đầu vào không cao sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình đào tạo.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu hụt về cả số lượng, chất lượng. Việc tuyển giáo viên dạy nghề gặp nhiều khó khăn vì yêu cầu phải vừa dạy lý thuyết vừa dạy được cả thực hành, vừa có năng lực nghiên cứu khoa học và nhiều kỹ năng khác như công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng “mềm” để đáp ứng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình quốc tế. Hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ giảng dạy còn thiếu về số lượng và chưa phù hợp với khoa học công nghệ hiện nay, trong khi học phí thấp dẫn tới khó khăn cho việc đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất.
Như vậy, gánh nặng đặt lên vai các cơ sở đào tạo là rất lớn, đòi hỏi sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng. Với vai trò là một 4 trường công lập được thành phố xác định trở thành trường chất lượng cao, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội xác định rõ 6 nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thứ nhất là kiên trì theo đuổi sứ mệnh “Tiên phong trong đào tạo nghề chất lượng cao”, dạy lý thuyết gắn liền với thực hành, thực tập; đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học và sản xuất. Thường xuyên đổi mới phương thức, tổ chức dạy và học theo hướng mở, tích lũy modul, chứng chỉ; chú trọng đào tạo năng lực tiếng Anh, khả năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp; học đến đâu công nhận đến đấy; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học có thể học tập liên tục, học tập suốt đời. Đa dạng hóa các loại hình tuyển sinh, mạnh dạn mở các nghề mới, các nghề công nghệ cao theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Đưa các chương trình quốc tế vào đào tạo và được các tổ chức quốc tế thừa nhận. Thực hiện chủ trương “tuyển sinh là tuyển dụng”, giải quyết có hiệu quả việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp bằng cách ký hợp đồng đào tạo với từng người học. 100% sinh viên ra trường có việc làm và có thể tự tạo việc làm sau 6 tháng với thu nhập từ 6 - 15 triệu đồng/tháng...
Thứ hai là chủ động liên kết, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, mời các doanh nghiệp tham gia vào tất cả các công đoạn như tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thực tập, xây dựng chuẩn đầu ra, phối hợp đánh giá và xếp loại người học, tổ chức tuyển dụng... Đến nay, nhà trường đã ký hợp tác với hơn 400 doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Một số đơn vị, doanh nghiệp lớn như Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Tập đoàn Hanwha, Tập đoàn PMTT, Công ty PMC, Tập đoàn DAIKIN, Công ty Hitachi System Việt Nam... đã xây dựng các trung tâm đào tạo ngay tại nhà trường, thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng. Người học được tuyển dụng ngay khi vào học, được doanh nghiệp trả lương, chi phí đào tạo.
Thứ ba là từng bước thiết lập mô hình trường học thông minh, nhất là trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Theo đó, hệ thống quản lý nhà trường phải từng bước thay đổi, chuyển sang mô hình đào tạo theo hướng tư duy và công nghệ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo tính sáng tạo và thích ứng nhanh với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ. Chuyển từ lớp học, phương pháp dạy học truyền thống qua dạy online, dạy học theo dự án. Triển khai bài giảng điện tử, thư viện số, chuyển các dữ liệu truyền thống sang dữ liệu số trên máy tính. Người dạy và người học chia sẻ, tương tác với nhau một cách liên tục và linh hoạt trên lớp hoặc ngay tại nhà thông qua các thiết bị không dây, chủ động lựa chọn không gian, thời gian, nội dung và phương pháp học tập. Ứng dụng các chương trình mô phỏng, tạo các mô hình ảo của các hệ thống có sẵn trong thực tế để tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo.
Thứ tư là đổi mới hình thức tuyển dụng và đào tạo đội ngũ giảng viên - chìa khóa trong mọi hoạt động - bằng chính sách thu hút những người có năng lực chuyên môn tốt, có đủ kiến thức, kỹ năng, vừa dạy lý thuyết vừa dạy được cả thực hành. Khai thác kinh nghiệm thực tế của cán bộ, chuyên gia trong các doanh nghiệp tham gia vào quá trình biên soạn chương trình đào tạo, đánh giá, công nhận kỹ năng cho sinh viên.
Thứ năm là đầu tư phát triển mô hình các câu lạc bộ. Hiện nay, Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ Lập trình Robot, Câu lạc bộ PLC Công nghệ cao, Câu lạc bộ STEM dành cho đối tượng 9 của trường duy trì hoạt động đều đặn, thúc đẩy tinh thần học tập, rèn luyện tay nghề trong học sinh, sinh viên.
Thứ sáu là đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; coi trọng việc nghiên cứu khoa học, thi kỹ năng nghề nhằm giúp sinh viên chuyên tâm học tập, rèn luyện tay nghề, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ vừa phục vụ dạy và học vừa phục vụ thương mại hóa, nhằm gia tăng nguồn thu.
Để sớm hiện thực hóa các nhiệm vụ, cần thiết phải mở rộng diện tích để đáp ứng đào tạo những ngành công nghệ mới có nhu cầu sử dụng lao động cao trên địa bàn thành phố như kỹ thuật, dịch vụ hàng không; Logistics; Nông nghiệp công nghệ cao... Hiện nay, quy mô đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao đã vượt gần 2 lần thiết kế ban đầu, mặt bằng không đủ để đáp ứng nhu cầu đào tạo của một số ngành nghề mới mở như Công nghệ ô tô, Chăm sóc sắc đẹp...
Việc mở rộng quy mô cũng giúp tạo cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp để thành lập trung tâm đào tạo theo nhu cầu thực tiễn. Việc đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông, dịch vụ quanh các cơ sở đào tạo nghề cũng rất quan trọng, tạo thuận lợi thu hút người học. Sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan chức năng, thành phố sẽ là nguồn “tiếp lực” quan trọng góp phần phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề của thành phố.
Theo Hanoimoi.com.vn