Bạn trẻ vui mừng vì TP.HCM nới giãn cách
PHẠM HỮU
Những ngày này, Lương Lưu Ly (28 tuổi, đang làm việc Life Coach) đã sắp xếp lại toàn bộ cuộc sống sau giãn cách để chuẩn bị thích nghi với trạng thái bình thường mới. Cô thấy rằng mình cần thuận theo dòng chảy, học cách giữ thăng bằng trong sự bấp bênh của đại dịch. Cô ưu tiên thực hiện nhiều việc phù hợp với thực tế. Đó là mua những mặt hàng thiết yếu, ăn những gì tự nấu, gặp gỡ, làm việc trực tuyến và thay đổi theo thời cuộc.
“Mình có được những bữa ăn ngon, những giấc ngủ sâu, sự thư thái mà trước đây ít khi nào có được. Mình tự học được những thứ mình thích, đọc được nhiều sách. Mình nhìn nhận sự được mất một cách khách quan và không để mình cuốn theo một chiều. Tự nhiên mình cảm thấy nhẹ nhõm và lạc quan giữa tình cảnh hết sức khó khăn”, Ly tâm sự.
Cũng như nhiều người, trong 4 tháng qua, Phan Như Thảo (ngụ đường 147, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức) phải chuyển đổi cuộc sống hoàn toàn sang hình thức trực tuyến, học cách ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết hiệu quả công việc. Cô cũng gặp những khó khăn nhất định về sức khỏe, thể chất khi phải ngồi quá nhiều. Các bưu kiện cần phải gửi hay nhận đều bị hoãn rất lâu hoặc bị chuyển hoàn toàn. Đồ dùng tuyệt đối phải giữ cẩn thận vì hư trong giai đoạn dịch thực sự rất mệt mỏi. Tuy nhiên, đó là điều Thảo cần phải học và tìm cách thích nghi dần dần. Cuối cùng cô cũng đã trang bị cho mình những kinh nghiệm nhất định trong thời buổi khó khăn vừa qua.
Những tháng ngày giãn cách trôi qua, Nguyễn Hữu Ý (25 tuổi, phụ trách mảng F&B thuộc Công ty Yum Yum Việt Nam) cho rằng bản thân cũng dần ổn định theo hướng thích nghi, không còn quá hoang mang hay lúng túng như những ngày đầu.
“Nới giãn cách, tôi cũng đã có những kế hoạch riêng để có thể chuyển những ngày khó khăn trở thành cơ hội gạn lọc và đầu tư phát triển nội lực nhiều hơn. Bên cạnh đó, là dành thời gian cho các chương trình đào tạo, học tập và phát triển mà trước đó tôi chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này”, Ý chia sẻ.
Rào chắn được tháo dỡ để trở lại trạng thái bình thường mới ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
“Trong nguy có cơ” là cụm từ mà nhiều bạn trẻ nhắc đến khi thành phố có chuyển biến nới giãn cách. Lê Tiến Hoàng, thành viên chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á YSEALI 2016, cho biết sau dịch Hoàng cảm thấy trân quý những mối quan hệ đang có, tập trung vào rèn luyện sức khỏe thể chất, tinh thần. “Mình tìm cách hỗ trợ những hoàn cảnh không may vì đại dịch. Mình sẽ trích một phần thu nhập hằng tháng đóng góp cho tổ chức từ thiện. Kêu gọi bạn bè làm từ thiện nhiều hơn. Mình sẽ tạo ra tổ chức xã hội khi phù hợp”, Hoàng lạc quan chia sẻ.
Lương Lưu Ly, 28 tuổi
Còn Trần Quang Viễn (31 tuổi, đang làm việc ở ITP - Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng 4 tháng giãn cách vừa qua mở ra cơ hội học thêm kiến thức như ngoại ngữ, các công nghệ mới, tập thói quen tốt, duy trì tập luyện thể thao... Dù nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã bị tổn thương nặng nề trước đây, nhưng đó là cơ hội để thay đổi và tinh gọn.
Viễn nhận thấy có nhiều cơ hội việc làm hơn khi công tác trong lĩnh vực giáo dục bởi nhận thức chung của xã hội đã thay đổi. Mục tiêu của Viễn là đào tạo ra một thế hệ học sinh có những kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21 và năng lực công nghệ STEAM (một xu hướng giáo dục trên toàn cầu). Bên cạnh đó là năng lực thích ứng để tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm trong trường hợp bị mất việc. Giải pháp để cân bằng là học cách yêu thương bản thân qua việc luyện tập những thói quen tốt. Khi tài chính bị ảnh hưởng sẽ học cách quản lý tài chính của bản thân.
“Chúng ta cần nâng cấp để chuyển từ “ứng phó” sang “chủ động” và “kiến tạo” trong tương lai. Trước cơ hội nới giãn cách, bản thân tôi tiếp tục duy trì các dự án hướng tới thanh niên đã xây dựng trong đợt dịch và sẽ chủ động thêm nguồn thu nhập từ các dự án, chương trình... Khi cơ hội mở ra, thách thức cũng luôn song hành”, Ý phân tích.
Còn Lương Lưu Ly lạc quan cho rằng lần mở cửa này sẽ mang lại cơ hội được lan tỏa công việc đang làm đến nhiều người hơn về giá trị tinh thần trong đời sống. Khi đã chạm đáy, đó là cơ hội để mọi thứ dần phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trước đó. Sau “cơn bão”, không chỉ cá nhân Ly mà giới trẻ nói chung đều đã vững chãi hơn và nhìn thấy những cơ hội mới dành cho mình. Trong mọi thách thức luôn tiềm ẩn cơ hội, trong cơ hội luôn tiềm ẩn thách thức. Chúng ta đang chuyển từ thời kỳ “thách thức trong cơ hội” sang “cơ hội trong thách thức”.
“Với khả năng thích ứng trong thời gian vừa qua, tôi tin rằng tất cả chúng ta sẽ thích ứng được với mọi thách thức trong thời gian sắp tới. Theo tôi, chúng ta vẫn luôn cần giữ ý thức và thực hiện đúng những biện pháp phòng dịch để đảm bảo tình hình có thể được kiểm soát. Chỉ cần giữ sức khỏe tốt, kiên nhẫn với chính mình và kiên nhẫn với những gì đang xảy ra, tôi tin tất cả chúng ta sẽ có được trạng thái cân bằng thực sự bên trong lẫn bên ngoài”, Ly đúc kết.
Nguồn Thanhnien.vn