Nụ cười đi vào tâm dịch khiến cả cộng đồng phải rơi nước mắt
NVCC
Và cả ngày hôm nay, mọi người cứ truyền tay nhau chia sẻ hình ảnh nụ cười ấy, nụ cười mà ai cũng trân trọng và xúc động ví như nụ cười thanh xuân đi vào "tuyến lửa" Bắc Giang, nơi vùng tâm dịch đang đe dọa tính mạng của biết bao con người.
21 giờ tối qua, bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu (28 tuổi, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM) mang theo nụ cười đầy quyết tâm ấy cùng đồng nghiệp của mình đi vào "trận chiến" ở Bắc Giang. Trước giờ lên đường, bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu, đã có những chia sẻ đầy xúc động với phóng viên Báo Thanh Niên về những quyết tâm và niềm tin của mình cho trận chiến sắp tới nơi vùng tâm dịch.
Bác sĩ Đặng Minh Hiệu cùng thạc sĩ Trương Văn Đạt, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Dược TP.HCM và thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh (Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM) trước lúc lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang NVCC |
Trong rất nhiều chia sẻ, dòng trạng thái cảm động và biết ơn những chiến binh áo trắng đi vào tuyến đầu chống dịch Covid-19 từ hình ảnh nụ cười đầy quyết tâm và nhiệt huyết của bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu, người viết xin được trích những chia sẻ xúc động từ một người đi trước dành cho đồng nghiệp trẻ của mình.
Khi nhìn thấy hình ảnh nụ cười của bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học đào tạo Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, đã viết:
“Chưa có một tấm ảnh nào về nụ cười lại có thể làm tôi muốn bật khóc như tấm ảnh này. Tấm ảnh của một đồng nghiệp trẻ đang xuống tóc để đêm nay đi vào tuyến lửa Bắc Giang.
Muốn khóc vì nụ cười đẹp như một thiên thần. Muốn khóc vì cảm động và tự hào. Muốn khóc vì một tình yêu thương như cứ dâng trào trong lồng ngực.
Nụ cười như thiên thần và đầy quyết tâm của bác sĩ Hiệu trước lúc lên đường chi viện vào tâm dịch khiến nhiều người phải rớt nước mắt NVCC |
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sau gần 18 tháng hoành hành, Covid-19 đã cướp đi sinh mệnh của hàng triệu người, trong đó có 115 ngàn nhân viên y tế. Đa phần những nhân viên y tế là những người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe tốt. Theo thống kê thì nhân viên y tế là những người chịu nhiều áp lực nhất, đối diện nhiều nguy cơ nhất và chịu tổn thất về nhân mạng và tinh thần cao nhất. Nói như vậy để thấy được chiến trường không khói thuốc súng giữa một bên là những người áo trắng và một bên là những kẻ thù vô hình giấu mặt chưa bao giờ là thôi hiểm nguy. Vào trận, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những rủi ro, đôi khi là cao nhất.
Và có những con người bình thường không hoa mỹ, không đao to búa lớn, đã đứng lên trong những thời khắc nguy nan như thế này. Làm cùng bệnh viện nhưng trước khi bắt gặp tấm ảnh này, tôi chưa một lần trò chuyện cùng em. Giờ thì xin hẹn đến ngày chiến thắng.
Một tấm ảnh hơn ngàn lời nói. Có lẽ nói nhiều nữa cũng bằng thừa. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tâm thế hiến dâng ấy đã vượt lên trên tất cả những mỹ từ đẹp đẽ nhất. Cảm ơn em, một người thầy thuốc trẻ trong trăm ngàn người thầy thuốc Việt Nam”.
Vội vã với hành trình ra vùng tâm dịch, nhưng bác sĩ Đặng Minh Hiệu cũng đã dành ít thời gian hiếm hoi trước giờ lên máy bay để chia sẻ với người viết về những cảm xúc vừa tự hào, xen lẫn những lo lắng khi ngày mai đây sẽ nhập cuộc ngay vào trận chiến.
Lên đường đi vào tâm dịch NVCC |
Cách đây vài ngày, bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu có đăng nhật ký chia sẻ khi tình nguyện tham gia vào mặt trận “vùng đệm” chống dịch Covid-19 của Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM. Trong những dòng nhật ký này, bác sĩ Hiệu viết: “Hào hứng - Bỡ ngỡ - Lo sợ - Trách nhiệm. Có lẽ đó là những cảm xúc đan xen của nó khi được đồng ý đơn tình nguyện tham gia mặt trận chống Covid-19 và sắp xếp vào khu vực “Vùng đệm” của bệnh viện”.
Nay chia sẻ với người viết, bác sĩ trẻ Minh Hiệu bày tỏ: “Lúc đó mới chỉ là vùng đệm, nơi tiếp cận bệnh nhân vào cấp cứu có triệu chứng và có dịch tễ để sàng lọc, còn đợt này ra tâm dịch Bắc Giang là mình làm việc trực tiếp với những bệnh nhân dương tính. Vì là một bác sĩ trẻ, nên tâm trạng của mình bây giờ cũng nhiều lo lắng. Nhưng mình luôn động viên bản thân là đội ngũ y bác sĩ ở ngoài kia mọi người đều đã có kinh nghiệm chống dịch, nên giờ mình ra sẽ được làm việc ngay, được vào guồng liền nên sẽ học nhanh và thích ứng nhanh để làm tốt được nhiệm vụ”.
Chàng bác sĩ trẻ trước lúc cạo trọc tóc để đi vào vùng tâm dịch NVCC |
Nhắc đến nụ cười như thiên thần khi cạo tóc trước lúc lên đường, khiến cho cả cộng đồng phải rớt nước mắt, bác sĩ Hiệu dí dỏm chia sẻ: “Nếu hỏi mình tiếc không thì thật sự là rất tiếc, tiếc mái tóc chứ. Vì mình cũng còn trẻ nên rất là điệu, bình thường đầu tóc cứ biến hóa khôn lường, một năm cắt phải chục lần với những kiểu tóc khác nhau mà bây giờ thì hết tóc để điệu rồi (cười)”.
Vừa chia sẻ, vừa cười giòn tan trong điện thoại và chàng bác sĩ trẻ nói tiếp: “Nhưng thực ra thì mình chỉ tiếc lúc đầu khi biết sẽ cắt tóc thôi, còn sau đó thì mình thấy tự hào nhiều hơn. Vì nhiệm vụ quan trọng lắm. Mình đã quyết tâm, đã tình nguyện đăng ký đi rồi thì phải tập trung mọi thứ, từ tinh thần cho đến sức khỏe, thể chất để đi cho cuộc chiến này nên không tiếc gì nữa cả. Chỉ cần nghĩ đến những nhiệm vụ mình sắp phải làm nó ý nghĩa như thế nào cho xã hội, thì mọi việc đều rất xứng đáng”.
Trước khi đi ra chi viện cho tâm dịch Bắc Giang, bác sĩ Hiệu đã tình nguyện ở trong đội hình "vùng đệm" của bệnh viện để sàng lọc những bệnh nhân đi vào cấp cứu có triệu chứng hoặc có dịch tễ NVCC |
Với tinh thần của tuổi trẻ, bác sĩ Hiệu luôn xung phong đăng ký để được vào tuyến đầu chống dịch: “Lần này mình cũng tình nguyện đăng ký xin đi. Thì sáng hôm qua mình nhận được thông tin, thế là thu xếp mọi thứ và lên đường. Mình luôn trong tâm thế sẵn sàng, vì rất thích đi, mong muốn được đi và chỉ chờ lệnh để đi thôi. Mình đi với tinh thần hỗ trợ chống dịch là trên hết, nhưng cũng mong muốn lan tỏa tinh thần này đến tất cả mọi người để cùng đồng lòng chung tay vượt qua dịch bệnh. Bên cạnh đó, mình cũng là bác sĩ trẻ, nên đi chuyến này cũng như là cơ hội để mình vừa cống hiến sức trẻ, vừa học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm hơn”.
Chàng bác sĩ trẻ rất quyết tâm, và lúc nào cũng cười giòn tan khi chia sẻ với người viết. Nụ cười giòn tan và đầy quyết tâm ấy lại khiến cho rất nhiều người phải rơi nước mắt, trong đó có gia đình của bác sĩ Hiệu.
Là một bác sĩ trẻ và điển trai, mặc dù rất tiếc vì ngày thường điệu đà với đủ mọi kiểu tóc, nhưng được ra tuyến đầu chống dịch, chàng bác sĩ ấy không ngại ngần bất cứ điều gì NVCC |
“Mình gọi về cho gia đình, báo là mình đi chống dịch, má đã khóc rất nhiều. Thương và tội má lắm. Má khóc vì lo nhưng mà má hiểu nên vẫn ủng hộ mình đi. Nhưng thật sự nếu gia đình có ngăn cản thì mình cũng phải đi thôi. Nghề của mình đặc thù, không thể trốn tránh được. Khi nhận thấy công việc của mình mang lại lợi ích trực tiếp cho xã hội, nên mình luôn cảm thấy cần thiết và phải làm”, bác sĩ trẻ chia sẻ đầy tâm huyết.
Và bác sĩ Hiệu cũng không quên nhắn gửi trước khi tắt máy chào tạm biệt người viết để lên đường ra với trận chiến nơi vùng tâm dịch: “Tất cả mọi lực lượng và đội ngũ tham gia chống dịch chỉ với một tâm thế, đó là cuộc sống dân mình sẽ được trở lại bình yên. Giờ mình chỉ mong sao mọi người hãy cùng nhau đoàn kết, trách nhiệm và tự giác tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, góp một chút sức để cùng nhau vững tâm, chiến thắng đại dịch, mọi người nhé”.
Nguồn Thanhnien.vn