Vượt lên những khiếm khuyết của bản thân
Dù tai nghe kém, giọng nói không được rõ ràng, Nguyệt vẫn được bạn bè nhận xét là một người tự tin, khi có thể bắt chuyện với mọi người chỉ bằng một tờ giấy và chiếc bút. Kết thúc những năm THPT, Như Nguyệt quyết định theo học ngành Thiết kế đồ họa tại trường ĐH Văn Lang. Hiện tại, vì học trễ 2 năm nên Nguyệt đang là sinh viên năm thứ tư. Thời gian đầu mới trở thành tân sinh viên, Nguyệt gặp nhiều khó khăn khi không thể hiểu được bài giảng, cô đã phải nỗ lực rất nhiều để hòa nhập.
Như Nguyệt chia sẻ: “Khi đi học, mình phải cố gắng giao tiếp với mọi người như bạn bè, thầy cô và gia đình bằng nhiều cách: Nói, ghi chú, nhắn tin, cố gắng lắng nghe bằng máy trợ thính và nhìn khẩu miệng của người khác… Mình muốn thể hiện mình tuy bị khuyết tật nhưng mình vẫn có thể làm được những việc như người bình thường”.
Chân dung Bùi Thị Như Nguyệt (sinh viên trường ĐH Văn Lang). |
Sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè đã giúp Như Nguyệt tự tin hơn, đồng thời khơi dậy trong cô niềm đam mê với ngành Thiết kế đồ họa. May mắn, các thầy cô khi biết tình trạng của Nguyệt cũng hỗ trợ cô bằng cách nhắc lại lời nói nhiều lần với tốc độ chậm cũng như thường xuyên hỏi han, động viên cô.
Ước mơ về một lớp vẽ riêng cho trẻ khiếm thính
Không chỉ dừng lại ở việc học, Như Nguyệt luôn tham gia các hoạt động đóng góp cho cộng đồng bằng cách dạy vẽ cho các em khiếm thính tại trường Chuyên biệt Khiếm thính Hy vọng quận Bình Thạnh (TP. HCM). Nguyệt chia sẻ: “Mình hiểu các bạn thông qua ngôn ngữ ký hiệu, mình được sự đồng ý của cô Đào ở trường cho dạy môn vẽ. Mình dạy các bạn các nét cơ bản trên giấy và tô màu, đồng thời hướng dẫn các bạn vẽ thực tế bằng ngôn ngữ ký hiệu để các bạn dễ hiểu hơn”. Với sự đồng cảm, Nguyệt đã giúp các em nhỏ khiếm thính bày tỏ sáng tạo của mình và tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo.
Như Nguyệt tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện cùng các bạn trẻ. |
Dù bị rào cản về nghe nhưng đó cũng không phải là điểm ngăn Như Nguyệt tham gia các hoạt động tình nguyện. Trái ngược lại, nữ sinh đã tham gia rất nhiều các dự án thiện nguyện: Tham gia dạy vẽ cho Hội cha mẹ trẻ khiếm thính Việt Nam – văn phòng tại TP. HCM, tham gia tổ chức HUN (Hear Us Now), tham gia tình nguyện viên vẽ tranh cổ động, vẽ tranh trên đường ray tàu và tường của các trường trên địa bàn thành phố... Nguyệt nói nếu có những tổ chức, dự án nào cho trẻ khiếm thính cần Nguyệt thì cô luôn sẵn sàng tham gia.
Bên cạnh việc dạy vẽ và tham gia các hoạt động tình nguyện, Nguyệt ấp ủ ước mơ mở lớp vẽ riêng cho trẻ khiếm thính. Cô chia sẻ: “Nếu có những tổ chức, dự án nào cho trẻ khiếm thính cần mình, mình luôn sẵn sàng tham gia. Mình ước có thể mở được một lớp vẽ riêng cho các bạn nhỏ, đặc biệt là các bạn khiếm thính”.
Như Nguyệt (áo vàng) đang đứng lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ. |
Như Nguyệt tham gia nhiều lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ. |
Khi ra ngoài giao lưu và tham gia các hoạt động tình nguyện Như Nguyệt mới có cơ hội gặp gỡ nhiều người hơn. Nguyệt tự tin hơn khi giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, bằng ngôn ngữ hiện tại của mình. Nhờ đó mà Nguyệt cũng có rất nhiều cơ hội để phát huy năng khiếu của mình khi các tổ chức hoặc cá nhân cũng đặt hàng cô vẽ logo, thiết kế…
Như Nguyệt luôn sống hết mình với niềm đam mê vẽ. |
“Hơn ai hết, mình hiểu mình không nên co rút mình vào thế giới của mình, mình muốn đi và tham gia thật nhiều các hoạt động tình nguyện, hoạt động các các tổ chức để mình có cơ hội và có tầm nhìn rộng ra ngoài với thế giới xung quanh ta”, Như Nguyệt tâm sự.
Như Nguyệt ước mơ về một lớp vẽ riêng cho trẻ khiếm thính. |
Với những bạn trẻ đang gặp khó khăn trong việc tìm ra đam mê của mình, Như Nguyệt gửi gắm: “Cuộc sống này còn nhiều điều tươi đẹp và mới mẻ, chúng ta hãy cố gắng nhiều hơn để hiểu mọi người và để mọi người hiểu và giúp đỡ khi chúng ta thật sự cố gắng. Mỗi bông hoa đều có thời điểm nở riêng và sớm muộn gì chúng cũng sẽ nở rộ mà thôi".
Nguồn Sinh viên Việt Nam