Khởi nguồn nghề trồng lúa nước
Từ thời xa xưa, khi chưa biết đến sự có mặt của hạt thóc, hạt gạo, người dân chỉ sống bằng nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên như thịt thú rừng, các loại rau dại, quả dại, rễ cây và lúa hoang kiếm được. Theo truyền thuyết vùng đất Việt Trì (Phú Thọ) còn lưu lại, vùng đất ven sông nước ta xưa kia được bồi đắp phù sa màu mỡ nhưng do nhân dân chưa biết cày cấy nên hầu hết cây lúa phát triển lúc này là do mọc hoang. Vua Hùng thấy vậy bèn bảo người dân tìm cách đắp bờ giữ nước.
Một hôm, các con gái Vua Hùng đi đánh cá, thấy từng đàn chim bay lượn trên khắp bãi sông. Bỗng nhiên, con chim trong đàn thả bông kê rơi xuống, vương trên mái tóc một công chúa. Người liền đem về trình báo vua cha. Nghĩ rằng hạt này chim ăn được chắc người cũng ăn được, nhà Vua vui mừng cho đó là điềm lành nên bảo các Mỵ Nương ra bãi tuốt các bông kê đó đem về. Xuân sang, trong sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật, nhà Vua cùng các công chúa và người dân vui mừng, phấn khởi đem hạt lúa ra đồng. Lần đầu tiên gieo trồng, đích thân Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt và khi mạ lên, cũng chính nhà Vua đã lội ruộng, tự tay nhổ mạ và cấy vào ruộng nước để mọi người học cách làm theo. Nhờ vậy mà người dân mới biết cách trồng và phát triển lúa nước.
Tuy nhiên, việc trồng lúa không chỉ phụ thuộc vào con người mà còn gắn bó chặt chẽ với điều kiện tự nhiên. Điều này có nghĩa là người nông dân phải nắm được các quy luật chu kì của thời tiết và thủy văn, đặc biệt chú ý đến mùa nước của các con sông lớn vùng đồng bằng như sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Hằng năm, cứ vào mùa lũ tháng 6 âm lịch, cánh đồng ngập nước hết đợt này đến đợt khác. Sang đến tháng 9, lũ đi, nước rút để lại phù sa màu mỡ và tôm cá tràn ngập cánh đồng. Tháng chạp, người dân bắt đầu cày bừa, tùy theo mực nước ruộng mà cấy giống chiêm ngắn ngày hay cấy giống chiêm dài ngày và bắt buộc phải cấy xong trước tết. Lúa chắc hạt là lúa nảy mầm vào trung tuần tháng 3. Sau thời gian chăm sóc, người nông dân sẽ tiến hành thu hoạch gói gọn trong khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5. Tất cả những kinh nghiệm quý báu này đều được Vua Hùng đúc kết truyền lại cho người dân.
Tái hiện cảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Ảnh internet
Từng bước phát triển tiến bộ
Vua Hùng dạy dân cấy lúa là câu chuyện truyền thuyết được người dân truyền nhau từ đời này qua đời khác, tuy nhiên, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện ra vết tích của những hạt gạo cháy ở Đồng Đậu và hạt phấn lúa ở Tràng Kênh có niên đại cách đây hàng nghìn năm. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, ngay từ thời kì Hùng Vương, nhân dân ta đã bắt đầu trồng lúa. Nghề trồng lúa phát triển đã giúp con người có cuộc sống ổn định và định cư lâu dài, là tiền đề hình thành nên các xóm làng.
Sang đến thời kì Phùng Nguyên cách ngày nay 4500 năm, dấu vết trấu thóc thành than tiếp tục được các nhà khảo cổ tìm thấy. Trong đó, tất cả các di chỉ này đều gắn liền với các cánh đồng chiêm. Cùng với sự phát triển của nghề trồng lúa, xóm làng thời kì này cũng dần phát triển và người dân bắt đầu mở rộng khu vực định cư từ trung du, đồng bằng cho tới ven biển. Cuộc sống đủ đầy của người dân được thể hiện qua các dụng cụ làm bếp, sinh hoạt và đồ trang sức được phát hiện bên trong các di chỉ. Tuy chỉ có một điều đáng chú ý là người ta không tìm thấy sự xuất hiện của dụng cụ làm ruộng như cày cuốc. Điều này cho thấy rằng, mặc dù đã biết trồng lúa nhưng kĩ thuật lúc này còn thô sơ và đơn giản.
Mãi đến giai đoạn Đồng Đậu và Gò Mun sau này, nghề trồng lúa mới đánh dấu một bước phát triển mới với sự xuất hiện của lưỡi liềm bằng đồng thau. Sang đến thời kì Đông Sơn, nông nghiệp nước ta chính thức đạt bước tiến vượt bậc khi lưỡi cày đồng được tìm thấy rất nhiều với các hình dạng khác nhau. Theo ghi nhận lịch sử, thời kì này, sự phát triển của nghề luyện đồng thực sự đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Những thành tựu nông nghiệp rực rỡ được khắc họa sắc nét trên mặt trống Đồng Ngọc Lũ với hình ảnh đoàn người cầu mùa và giã gạo. Có thể thấy, đến giai đoạn này, nông nghiệp đã trở thành ngành sản xuất chính và lúa gạo đóng vai trò là nguồn lương thực chủ yếu của cư dân Văn Lang.
Dấu vết gạo cháy. Ảnh Bảo tàng Việt Nam
Nhờ những thành tựu gây dựng trong suốt một thời gian dài, cuộc sống của người dân ngày một đầy đủ, ấm no. Bên cạnh trồng lúa, người dân còn biết trồng rau, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc (trâu, bò, gà, lợn...) để đa dạng nguồn lương thực, thực phẩm. Từ đó, các thủ công như nghề luyện kim, nghề rèn, đan lát cũng ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lớn các sản phẩm đồ gỗ, đồ gốm (bình, bát, đĩa...), đồ đồng (trống, chiêng), sản phẩm tre nứa, lụa dệt và đồ trang sức tinh xảo (hoa tai, vòng tay, vòng cổ). Người dân lúc này cũng đã biết đóng thuyền đi sông, đi biển đánh bắt cá.
Hoạt động sản xuất phát triển đã dẫn đến sự gắn bó trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân. Đời sống vật chất no đủ cũng là lúc đời sống tinh thần được nâng cao. Các tín ngưỡng, lễ hội, hoạt động ca múa diễn ra rất sôi nổi. Điều này được thể hiện rõ trên các kiệt tác trống đồng. Những chạm khắc hoa văn chim thú, hình học và hình người mô tả các điệu múa, điệu nhảy diễn tả khung cảnh sinh hoạt, lễ hội... là minh chứng rõ nhất cho cuộc sống sung túc của cư dân thời kỳ Đông Sơn.
Dựa trên những dữ kiện lịch sử thời kì này mà người Việt xưa đã sáng tác và truyền nhau những câu chuyện mang yếu tố thần thoại như Thánh Gióng, Bánh chưng bánh giầy, Sơn Tinh Thuỷ Tinh... có tuổi đời lên tới hàng nghìn năm. Trong đó, truyền thuyết Bánh chưng bánh giầy là câu chuyện tiêu biểu nhất ca ngợi thành tựu nông nghiệp nước ta dưới thời vua Hùng: “Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Từ đó, chiếc bánh hình vuông tượng trưng cho Đất có tên là Bánh chưng, chiếc bánh hình tròn tượng trưng cho trời gọi là Bánh giầy. Hằng năm cứ đến ngày Tết, nhà Vua lệnh cho dân chúng làm hai loại bánh này để dâng lên tổ tiên cầu mong vụ mùa thuận lợi cho một năm mới.
Tín ngưỡng phồn thực còn lưu truyền hiện nay
Theo lời người xưa, không chỉ dạy dân trồng lúa, Vua Hùng còn biết cách quan sát bầu trời và đưa ra quan niệm rằng chòm sao Thần Nông là chòm sao hộ mệnh cho cây lúa, cho vụ mùa. Nếu chòm sao này xuất hiện sáng rõ vào đêm rằm tháng 8 ở phía Tây Nam thì vụ chiêm đó người dân được mùa, nếu không rõ là mất mùa. Vì vậy, nhà Vua đã quyết định lập đàn theo hướng Tây Nam, hướng của chòm sao, bên bờ đồng Lú để cầu vụ mùa bội thu. Ngày mồng 1 tháng Giêng được nhà vua chọn làm ngày diễn ra lễ cầu và cũng là ngày người dân bắt đầu một vụ mùa mới. Sau này, khi triều đại Hùng Vương kết thúc, tín ngưỡng thờ Thần Nông vẫn được người dân duy trì thực hiện. Và cũng để ghi nhớ công ơn Vua Hùng, người dân nơi đây đã tôn Vua làm tổ nghề nông, dựng đàn tịch điền ngay trên mảnh đất Vua dạy dân trồng lúa. Hằng năm, đến ngày mồng 1 tháng 6 và mồng 1 tháng 11 âm lịch, dân làng lại cùng nhau làm lễ tế Vua và xuống đồng.
Ngày diễn ra lễ hội, từ sáng sớm, tất cả mọi người trong làng từ người già đến người trẻ, từ quan lớn đến người dân đều tề tựu đông đủ để tham dự lễ tế thành hoàng làng và cáo yết Thần Nông với mong ước “nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà, cây cối quanh năm xanh tốt, mùa màng bội thu”. Theo tục lệ, người dân sẽ lựa chọn một người già làng khỏe mạnh, gương mẫu, gia đình thuận hòa, sung túc và thành thạo nghề nông để thực hiện lễ tế. Bởi theo họ, người chủ tế đại diện cho những điều tốt đẹp, cho mong ước mùa màng tươi tốt, bội thu.
Sau khi tiến hành nghi lễ tưởng nhớ công ơn Vua Hùng và cầu Thần Nông, mọi người cùng nhau kéo ra khu ruộng Tịch điền làm lễ xuống đồng. Người chủ tế sẽ đóng vai Vua Hùng, lội ruộng, cấy mạ và sau đó người dân mới lần lượt cùng nhau xuống cấy để tái hiện nghi thức Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, ai ai cũng tràn đầy hy vọng về một vụ mùa bội thu. Trước khi kết thúc lễ hội, chủ tế sẽ cùng mọi người làm lễ tạ Thần Nông và lễ tạ thành hoàng. Vùng đất xưa, nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa và diễn ra lễ hội ấy có tên là đồng Lú, làng Minh Nông (nay là phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Như vậy, có thể thấy, nghề trồng lúa nước là khởi thủy của ngành nông nghiệp nước ta và được khai sinh dưới thời Hùng Vương. Lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” cũng vì vậy mà gắn liền với nền văn minh lúa nước của cư dân Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Lễ hội phản ánh một nếp sinh hoạt tín ngưỡng thờ Vua, thờ Thần của người Việt, gợi nhớ về cội nguồn và niềm hy vọng một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Sau nhiều năm gián đoạn và phục hồi, đến nay, lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được ấn định tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm và trở thành di sản đặc trưng của tỉnh Phú Thọ.
BKT