Với sự ra đời của các công nghệ mới, chuyển đổi số trong giáo dục đã thoát khỏi cái bóng của những sản phẩm hầu như chỉ mang tính kết nối. Số hoá các bài giảng đã không còn là chuyện chuyển giáo án viết tay thành slide hay video. Những công nghệ như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường… mang tới những cách dạy học mới mẻ, chân thực và tăng tương tác cũng như sự háo hức của học sinh.
Trên sân khấu hội thảo công nghệ giáo dục EdTech 2021 do Bộ KH&CN tổ chức vào tuần trước, ông Vũ Duy Thành – Founder của WiTek Solution, hào hứng giới thiệu với cử tọa về những bài giảng thông minh có sử dụng công nghệ VR 360 mà startup này đang cung cấp cho một số trường quốc tế và trường công ở Singapore và Indonesia ở các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học…
Học sinh FPT School (Hà Nội) trải nghiệm sử dụng kính thực tế ảo. Nguồn: WiTek
Chẳng hạn, trong bài giảng về cá, hình ảnh 360 độ cho phép học sinh quan sát con cá tới từng chi tiết - ông Thành trình bày. Thậm chí, nếu muốn mổ cá để xem cơ quan nội tạng bên trong hay thử thả cá ra ngoài môi trường nước, học sinh cũng có thể tự thao tác nhờ công nghệ thực tế ảo tăng cường.
Đến nay, WiTek đã phát triển được hơn 600 thí nghiệm ảo. Ở trong nước, startup này bắt đầu cung cấp các bài giảng thông minh cho, Trường THCS Lê Quí Đôn (Quận 3, TP HCM) và ba trường THCS ở Nam Định.
WiTek Solution cũng kết hợp với các nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng loạt bài giảng môn Lịch sử, trong đó, công nghệ mô phỏng và VR 360 cho phép người học quan sát kiến trúc của chùa Một Cột trong quá khứ và hiện tại hay các mộc bản triều Nguyễn.
“Các mô phỏng đều được thực hiện dựa trên các nghiên cứu khoa học chi tiết”, ông Thành cho biết.
Những bài giảng trên đều được WiTek xây dựng theo các đơn đặt hàng, cho thấy ngành giáo dục số đã và đang hình thành, và không chỉ dừng ở các nền tảng kết nối giáo dục trực tuyến hay bài giảng dạng slide, video.
“Nếu bài giảng chỉ là các slide, video thì rõ ràng sự tương tác với người học còn rất thiếu và yếu. Về bản chất, công nghệ giáo dục phải giúp tăng tương tác và sự háo hức của người học” – ông Thành nói thêm.
Việt Nam được xác định là một trong ba thị trường đầu tư trọng điểm ở châu Á về công nghệ giáo dục. Theo Báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam 2020 do EdTech Agency thực hiện, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường EdTech có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới - khoảng 44,3%/năm và ước tính sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2023. (Để so sánh, theo chuyên gia ADB, quy mô thị trường tài chính số Việt Nam ước đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2025).
Vẫn còn loay hoay
Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng cả về năng lực công nghệ lẫn sức chi của người tiêu dùng.
TS Mai Văn Tỉnh - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, “hiện nay chúng ta loay hoay chuyển đổi số giáo dục với các chính sách ở tầm vĩ mô trong khi trên thế giới, việc này được thực hiện ở tầm vi mô - nghĩa là tập trung vào nhà trường, chuyên gia giáo dục, giáo viên - và cách này tỏ ra hiệu quả”. Theo đó, để tiêu thụ các công nghệ giáo dục, cần nâng cao năng lực kỹ thuật số cho tất cả các thành viên, từ hiệu trưởng tới giáo viên…
Đồng tình với ý kiến này, TS. Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng, cái vướng đang nằm ở tầng triển khai, tức là người dạy. Người dạy không chỉ gồm thầy cô giáo mà còn cả gia đình, nhất là trong bối cảnh việc học online tại nhà đã trở thành “bình thường mới”. Theo ông, nếu mỗi gia đình làm tốt việc đồng hành cùng con trong việc nắm bắt công nghệ học tập, chúng ta sẽ có thêm một mạng lưới hỗ trợ giải đề triển khai thực tế.
Mặt khác, các công ty công nghệ giáo dục không dễ gì đặt chân vào các trường học, đặc biệt là trường công.
Không chỉ tiếp cận các trường tư như FPT School (Hà Nội), hiện WiTek đang làm việc với Sở GD&ĐT ở một số tỉnh, thành phố để đưa sản phẩm của mình vào các trường công. Founder của startup này cho biết, cái khó của việc tiếp cận các trường công là cần có sự đồng ý của các Sở GD&ĐT mới được phép triển khai.
“Ngoài ra, để cung cấp các học liệu thông minh cho các trường, đặc biệt là trường công, chúng tôi cũng cần trải qua quá trình chuẩn hóa kiến thức theo chương trình giáo dục của Việt Nam. Vì vậy, để phá băng thị trường công nghệ giáo dục, cần sự gắn kết, phối hợp của các bộ, ngành và hệ thống doanh nghiệp,” ông Thành nhấn mạnh.
Ông Đỗ Nguyên Hưng - Trưởng làng EdTech tại Techfest, thừa nhận, việc triển khai công nghệ giáo dục cần sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của các bộ, ban, ngành. Ông gợi ý, các đơn vị triển khai có thể đi theo hướng từ dưới lên, nghĩa là tiếp cận các đối tượng như giáo viên, học sinh, phụ huynh để nhận được sự đồng thuận. Cụ thể, các startup mang sản phẩm đi giới thiệu tại trường để phụ huynh, học sinh đánh giá. Nếu 80-90% phụ huynh ủng hộ, họ sẽ trở thành người vận động, thúc đẩy nhà trường và bộ, ban, ngành đồng ý triển khai.
Đồng thời, ông Hưng nhấn mạnh: “Để có một nền công nghệ giáo dục với những bài giảng thông minh, những thành viên của nó phải có tâm thế số, hiểu rằng đó là việc tất yếu, cần làm hằng ngày. Những sự thay đổi từ bên trong của người quản lý, người dạy và người học mới mang đến hiệu quả thực thụ, tạo ra sự thay đổi bước ngoặt cho cả một nền giáo dục”.
Một số chính sách trong lĩnh vực công nghệ giáo dục
Có khoảng hơn 15 nghị định, thông tư liên tục được cập nhật để hỗ trợ cho thị trường công nghệ giáo dục. Có thể kể tới Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xếp các công nghệ giáo dục là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên phát triển; Nghị định 86/2018/ND-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về việc cho học sinh mang điện thoại vào phòng học; Thông tư 09/2021/TT- BGDĐT về đánh giá kết quả học tập trực tuyến…
Ngoài ra, Chính phủ cũng có những ưu đãi về thuế cho công ty trong lĩnh vực đầu tư giáo dục, như thông tư 219/2013-TT-BTT quy định giáo dục là ngành chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 10%; không chịu thuế giá trị gia tăng với hoạt động giảng dạy, kiểm tra. Các chương trình giáo dục thuộc chương trình an sinh xã hội, xã hội hóa sẽ có thêm quyền lợi miễn thuế trong 4 năm đầu và ưu đãi 50% thuế 5 năm tiếp theo./.
Theo Khoa học và phát triển