Tên sách: Phác thảo về một triết học cho lịch sử thế giới
Tác Giả: Nguyễn Hữu Liêm
Năm Xuất Bản: 2020
Số Trang: 608
Nhà Xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Nguyễn Hữu Liêm, tiến sĩ Luật khoa, tiến sĩ Triết học (Hoa Kỳ), nguyên chủ nhiệm tập san Triết xuất bản ở Hoa Kỳ vào thập niên 1990-2000, là tác giả của Dân chủ Pháp trị (1991), Tự do và Đạo lý (1994), Thời tính, Hữu thể và Ý chí – một luận đề siêu hình học (2016), Sử tính và Ý thức (2018), Cám dỗ Việt Nam (2019).
Hiện ông là Giáo sư Triết học tại San Jose City College, California.
Lịch sử có một chủ đích tối hậu nào không? Đâu là quy luật vận hành cho lịch sử? Đây là hai câu hỏi siêu hình cơ bản mà con người ngày nay hình như đã ngưng suy ngẫm về chúng. Khi mà Chúa Trời đã chết, khi mà Cứu cánh luận chỉ là một dự phóng không tưởng, khi mà Siêu hình học đã bị thay bằng triết học ngôn ngữ và phân tích, khi mà Chân lý chỉ là những “siêu tự sự,” liệu Triết học có còn dũng khí để thử đi tìm lại những Nguyên lý cơ bản cho Hữu thế, cho Lịch sử Nhân loại?
Dựa trên những nguyên lý Bản thể luận của Phật giáo, Aristotle, Thiên Chúa giáo, Hegel và Wilber, luận đề nầy thử đưa ra một Triết học hoàn toàn mới về Lịch sử Nhân loại kể từ 500 năm trước Công nguyên cho đến Thế kỷ 21. Đây là một sơ đồ Siêu hình học nhằm phác thảo một nguyên lý chuyển dịch cho hành trình Ngã thức. Tùy theo từng Thời quán Chuyển hóa của năng lực Tự Ý thức (Self-Consciousness) mà Sử tính được kiến lập. Khởi đi từ Ý thức về Ta (I-Consciousness) đến Chúng Ta (We), đến Nó (It) rồi đến Chúng Nó (They) và trở về lại với Ta, trên hành trình hơn hai ngàn năm qua, theo dòng Sử tính, khả năng Tự ý thức qua dạng thể Ngã-thức (Ego-consciousness) chính là động cơ căn bản cho sự hành thình của Tôn giáo (I), Văn hóa (We), Khoa học (It), Chính trị (They). Trong vòng quay Bản thể của Ý thức nầy, Ngã thể nào thì Văn minh đó – và bản sắc Ngã thức là biểu dấu cho một trình độ Tự-Ý thức, chính là chìa khóa cho số phận Cá nhân và Quốc gia.
Mời bạn đọc bước vào Hành trình lớn của Lịch sử Nhân loại như là một Thử nghiệm lý thuyết mới lạ nhằm khai mở một góc độ Triết học khác về Hiện tượng con Người và Thế gian.
______________
Phác thảo về một triết học cho lịch sử thế giới của Giáo Sư Triết gia Nguyễn Hữu Liêm là một quyển sách “Triết Luận.” Quyển sách này chủ yếu sử dụng hai loại ngôn từ: ngôn ngữ triết học và chữ nghĩa trí thức, đòi hỏi một trình độ tương hợp, và là loại sách đọc để nghiền ngẫm. Những ngôn từ ẩn dụ trừu tượng bên cạnh chữ nghĩa giáo khoa chuyên môn dùng diễn tả những sự kiện phức tạp, có những tầm vóc lịch sử, nhân văn, đạo lý chen kẽ, cần phải hết sức tập trung để hiểu điều tác giả muốn diễn bày.
Ngoài ra, có những trích dẫn về kinh điển đạo Phật, về triết lý của nhiều triết gia, kể cả những công trình về khoa học, về vũ trụ, cũng được nêu lên minh chứng cho điều tác giả diễn luận. Vì thế, không cần thiết phải mượn thêm những kiến thức rườm rà để làm dáng cho bài viết giới thiệu khái quát về tác phẩm này, vì tự nó đã thừa hay ho lý thú; hay nói cách khác, là một bức tranh không còn chấm phá thêm đường nét hoặc màu sắc nào nữa. (Lê Giang Trần)
Tổng hợp từ Internet