Phạm Xuân Ẩn, cái tên như cuộc đời đầy bí ẩn của ông. Ông là điệp viên thành công nhất trong cả cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc đời ông chứa đựng những điều lớn lao hơn cả là câu chuyện làm tình báo về sứ mệnh của ông đối với đất nước
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Sinh năm 1927, xuất thân trong một gia đình viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa, nhưng gia đình ông lại không ủng hộ người Pháp. Phạm Xuân Ẩn từng chia sẻ, cũng như những người Việt Nam yêu nước khác: “Để kiếm sống, họ phải làm việc cho chế độ Pháp, nhưng không một người Việt Nam nào muốn Tổ quốc mình bị những người nước ngoài đô hộ”[1]. Bởi vì “Khi làm công việc trắc địa, đào kênh hay làm đường, anh phải thấy người dân Việt Nam nghèo khổ phải đi làm thêm để kiếm sống”, “Anh sẽ thấy hệ thống lao động cưỡng bức, đánh đập và những hình thức bóc lột khác của người Pháp. Cách duy nhất để chống lại những hình thức bóc lột này là đấu tranh giành độc lập. Người Mỹ cũng đã làm như vậy năm 1776. Khi ba tôi nhận ra người Pháp đối xử tàn tệ như thế nào đối với những người nông dân, lẽ tự nhiên là ông sẽ đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Ba tôi trở thành một người yêu nước. Gia đình tôi lúc nào cũng có tinh thần yêu nước với khát vọng đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam”[2]. Bất chấp vị thế đặc quyền của mình là viên chức trong chế độ thuộc địa, các thành viên trong gia đình Phạm Xuân Ẩn không làm ngơ trước cảnh lầm than của người dân lao động. Họ làm việc cho Pháp, nhưng họ cũng là những người yêu nước, chống lại ách cai trị thuộc địa của Pháp tại Việt Nam. Họ yêu nước thầm lặng với tinh thần kiên định và sâu sắc. Chính tinh thần đó đã đơm hoa kết trái và tác động mạnh mẽ đến sự hình thành con đường sự nghiệp của Phạm Xuân Ẩn.
Ngay từ khi còn đi học, Phạm Xuân Ẩn đã ý thức được vận mệnh đất nước đầy rối ren của chế độ thực dân nửa thuộc địa khi đó. Chính vì vậy, khi lớn lên, chàng thanh niên yêu nước Phạm Xuân Ẩn đã quyết định lựa chọn con đường đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập. Với ông không có lựa chọn nào khác đó chính là Đảng Cộng sản, bởi “Chúng tôi biết rằng những người lãnh đạo Đảng Cộng sản sẽ sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì đất nước”. “Đó là tổ chức tốt nhất”[3]. Tấm lòng nhân ái cao cả và tình yêu nước mãnh liệt, chân thành đã đưa Phạm Xuân Ẩn đến với Đảng Cộng sản Việt Nam. Như ông đã từng nói: “vâng tôi là một người cộng sản” “chủ nghĩa cộng sản là một học thuyết rất đẹp, học thuyết nhân văn nhất. Những lời răn dạy của Chúa trời, đấng Sáng tạo cũng như thế. Chủ nghĩa cộng sản dạy chúng ta biết yêu thương, thay vì giết hại lẫn nhau. Cách duy nhất để làm được điều đó là tất cả mọi người phải trở thành anh em”. “Khó, nhưng rất đẹp”[4].
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông bỏ học tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong, bắt đầu sự nghiệp đấu tranh trước hết vì độc lập và thống nhất của Việt Nam. Năm 1947, ông ở Sài Gòn để chăm sóc cha bệnh nặng. Tại đây, ông đã tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên Sài Gòn, đầu tiên là chống Pháp, sau là chống Mỹ, phản đối sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ vào chiến tranh Đông Dương.
Phạm Xuân Ẩn bên đường phố Sài Gòn (Ảnh do một nhà báo Mỹ chụp).
Bước đầu sự nghiệp của một nhà tình báo chiến lược
Từ năm 1950, Phạm Xuân Ẩn bắt đầu nhiệm vụ tình báo đầu tiên của mình, khi ông vào làm việc ở Sở quan thuế Sài Gòn. Lúc này, ông được giao nhiệm vụ tìm hiểu tình hình vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự và quân đội từ Pháp sang Việt Nam và từ Việt Nam về Pháp. Đây là những bước hoạt động tình báo đầu tiên của ông, là một trong hàng trăm điệp báo viên được cài cắm và hoạt động tại miền Nam Việt Nam. Chính thức từ lúc này, Phạm Xuân Ẩn mang trên mình hai cuộc đời. Và cuộc đời nào cũng rất thật. Ông là con người bị xẻ làm đôi với lòng trung chính cao độ, một người sống trong sự giả dối, nhưng lại luôn nói sự thật. Chính vì điểm đặc biệt đó mà cuộc đời ông trở thành một trang tuấn kiệt trong lịch sử ngành tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay từ những năm 1950, khi mà thế giới chưa rõ tương lai của Đông Dương sẽ như thế nào, thậm chí người Pháp khi đó vẫn còn nghĩ rằng mình sẽ rất “ấm chỗ” ở Đông Dương thì Phạm Xuân Ẩn đã dự tính được việc Mỹ sẽ hất cẳng Pháp, đặt chân vào Việt Nam.
Năm 1952, Phạm Xuân Ẩn được cấp trên lệnh ra chiến khu D để báo cáo tình hình. Ông vô cùng háo hức, cuối cùng cũng được vào chiến khu. Trước khi rời Sài Gòn, ông được lệnh không được bỏ công việc tại Sở thuế. Tại chiến khu, Ông được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam Bộ, giao nhiệm vụ làm điệp viên trong cơ quan tình báo quân sự mới được thành lập, chịu trách nhiệm theo dõi sự bắt rễ của người Mỹ tại Việt Nam. Năm 1953, tại rạch Cát Bái, Cà Mau trong rừng U Minh, dưới sự chủ tọa của Lê Đức Thọ, Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam, Phạm Xuân Ẩn chính thức được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Khi trở lại Sài Gòn, vấn đề đầu tiên trên cương vị là một điệp viên, làm thế nào để tránh bị bắt đi quân dịch vào lực lượng thuộc địa của Pháp. Nhưng cuối cùng, năm 1954, Phạm Xuân Ẩn bị gọi nhập ngũ và được trưng dụng làm bí thư phòng Chiến tranh tâm lý trong Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp. Nhưng tại đây, ông đã quen biết với Đại tá Edwward Laansdale, Trưởng phái bộ quân sự đặc biệt của Mỹ (SMM), trên thực tế là người chỉ huy CIA tại Đông Dương, cũng là Trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) ở Sài Gòn. Chính điều này đã giúp ông có được những cơ sở thuận lợi cho việc hoạt động tình báo sau này.
Năm 1955, theo đề nghị của phái bộ cố vấn quân sự Mỹ, Phạm Xuân Ẩn tham gia soạn thảo các tài liệu về tham mưu, tổ chức, tác chiến, huấn luyện, hậu cần cho quân đội. Đặc biệt, ông cũng tham gia thành lập bộ khung của 6 sư đoàn bộ binh đầu tiên của Quân lực Việt Nam Cộng hòa mà nòng cốt là sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính người Việt trong quân đội liên hiệp Pháp trước đây. Phạm Xuân Ẩn còn được giao nhiệm vụ hợp tác với Mỹ để chọn lựa những sĩ quan trẻ có triển vọng đưa sang Mỹ đào tạo. Trong số này có Nguyễn Văn Thiệu, sau này trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Hình ảnh ngạo nghễ của Phạm Xuân Ẩn trên đường phố Sài Gòn trong ngày
cuối cùng của chiến tranh (Ảnh từ sách Điệp viên hoàn hảo)
Du học Mỹ rồi góp phần “hánh cho Mỹ cút”
Tháng 10/1957, theo sự chỉ đạo Trung ương Đảng, trong công tác tình báo, để có thể đi khắp nơi và tiếp cận với những nhân vật có quyền lực nhất, Phạm Xuân Ẩn được bố trí qua Mỹ học ngành báo chí và là người Việt Nam đầu tiên học ngành báo chí tại Quận Cam, Califonia trong hai năm.
Trở về nước tháng 10/1959, nhờ những mối quan hệ, Phạm Xuân Ẩn được Trần Kim Tuyến, giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Văn hóa Xã hội, thực chất là cơ quan mật vụ trực thuộc Phủ Tổng thống, biệt phái sang làm việc tại Việt Tấn xã, phụ trách những phóng viên ngoại quốc làm việc tại đây. Từ năm 1960 đến giữa năm 1964, ông làm cho Hãng thông tấn Reuters Từ năm 1966, ông làm việc cho tuần báo Time, ba năm sau (1969) thì được nhận vào làm chính thức, trở thành người Việt Nam chính thức, duy nhất của tạp chí Time trong suốt 11 năm, chứ không phải vai trò cộng tác viên địa phương. Ngoài ra, ông còn là cộng tác viên của các tờ báo khác như The Christian Science Monitor...
Từ khi ở Mỹ về nước cho đến năm 1975, với vỏ bọc là phóng viên, nhờ quan hệ rộng với các sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội và người của CIA, Phạm Xuân Ẩn đã có được mọi nguồn tin tức quan trọng từ quân đội, cảnh sát và cơ quan tình báo. Ông là bạn của hầu hết những tướng lĩnh và nhà chính trị cốt cán ở miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Với kiến thức uyên bác, hiểu biết rộng, cương trực và tài năng giao tiếp, ngoại giao khác biệt, độc đáo theo kiểu lãng tử, hào hoa, ngang tàng, “chửi thề như bắp rang”, xuất hiện với phong cách thượng lưu, thừa hưởng văn hóa được đào tạo chính quy từ Mỹ, ông đã thâm nhập và là bạn tri kỷ với các tướng lĩnh, trùm an ninh mật vụ cả Mỹ và Sài Gòn, giới báo chí cũng như các chính khách chóp bu của chính quyền Sài Gòn để khai thác thông tin tuyệt mật mang tầm chiến lược cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam. Phạm Xuân Ẩn còn là một bậc thầy trong việc thuyết phục người khác trao tài liệu cho mình và hơn thế nữa là một nhà phân tích tình báo đại tài cả về mặt tình báo và quân sự. Tổng cộng, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ địa gần 500 báo cáo gồm tài liệu nguyên gốc đã được sao chụp, các thông tin mà ông thu lượm cùng phân tích và nhận định của bản thân. Những phân tích tình báo chiến lược của Phạm Xuân Ẩn bí mật gửi cho bộ chỉ huy quân sự ở miền Bắc thông qua Trung ương Cục Miền Nam, được cho là sống động và tỷ mỉ đến mức người ta kể lại rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã reo lên: Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Hoa Kỳ. Còn Đại tướng Văn Tiến Dũng nhờ những tin tức đánh giá sắc sảo của Phạm Xuân Ẩn, đã giúp Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn sớm hơn. Tổng Bí thư Lê Duẩn sau khi nhận được báo cáo của ông đã biểu dương cơ quan tình báo quân sự và coi đây là chiến công có tầm cỡ quốc tế.
Từ năm 1961 cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, những kế hoạch mang tính chiến lược của Mỹ đều được nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn góp công phá tan, trong đó phải kể đến các bản kế hoạch cực kỳ quan trọng như Chiến lược chiến tranh đặc biệt, ấp chiến lược hay thậm chí là nguyên văn tài liệu Kế hoạch Staley - Taylor của Mỹ. Ông chính là một trong những người có đóng góp rất lớn vào cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, những thông tin của ông góp phần lên kế hoạch tấn công những điểm trọng yếu nhất của Mỹ ở Sài Gòn.
Bước sang giai đoạn 1972-1975, khi Trung ương Đảng còn cân nhắc sau những tổn thất nặng nề của cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, thì Phạm Xuân Ẩn với những tin tức và tài phân tích, phán đoán của mình tin chắc thời cơ lật đổ chính quyền bù nhìn Sài Gòn đã điểm. Với uy tín của mình, điệp viên X6, bí danh hoạt động của ông, ông đã phân tích những dữ kiện mình có trong tay về nước Mỹ: chiến dịch Linebacker ném bom phá hoại miền Bắc không làm nhụt ý chí chiến thắng của dân tộc; Nixon sau đó mất chức; Henry Kissinger thua trên bàn đàm phán Paris trong cuộc đấu trí với Lê Đức Thọ; phong trào phản chiến đang lan rộng trên thế giới, Phạm Xuân Ẩn khẳng định rằng Mỹ sẽ không bao giờ đưa quân trở lại miền Nam Việt Nam, đây là lúc để kết thúc cuộc chiến. Những phân tích sắc sảo của ông đã củng cố thêm quyết tâm của Trung ương Đảng trong việc tiến hành chiến dịch Hồ Chi Minh nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 4 năm 1975, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phạm Xuân Ẩn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)
Ngày 30/4/1975 lịch sử, Phạm Xuân Ẩn là một trong những nhà báo chứng kiến sự kiện xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Đến thời điểm này cũng như một vài tháng sau, các đồng nghiệp phóng viên và những người thuộc chính quyền cũ cũng như chính quyền mới vẫn không biết ông là một điệp viên của cộng sản. Ngày 15 /1 /1976, Trung tá Trần Văn Trung (Tức Phạm Xuân Ẩn), cán bộ tình báo thuộc Bộ Tham mưu Miền được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Lúc này nhiều người mới thực sự chính thức biết ông là một tình báo viên thời chiến.
Không chỉ là là một điệp viên hoàn hảo mà hơn thế nữa, Phạm Xuân Ẩn là một nhân cách đặc biệt. Ông là một người trọng đạo lý, trung hậu, cực kỳ uy tín, uy tín trong cả việc làm báo cũng như trong cuộc đời điệp viên của mình. Những người từng cộng tác với Phạm Xuân Ẩn cho rằng ông phải cư xử như một người Việt Nam trong giai đọan bi thương của lịch sử đất nước mình, không thể nào làm khác hơn được. Là một người Việt Nam yêu nước chân chính, đảm nhận sứ mệnh vì dân tộc, sang Mỹ học tập để rồi về nước, bằng hoạt động của mình, buộc người Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Ông hy vọng rằng sau khi chiến tranh kết thúc, hai nước sẽ hòa giải hợp tác với nhau. Phạm Xuân Ẩn đã trở thành một nhà lãnh đạo trong sự nghiệp hòa giải giữa hai đất nước, để tiến tới bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ- Việt Nam và tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược Hòa Kỳ- Việt Nam.
Cuộc đời có một không hai, một điệp viên huyền thoại, ông - không ai khác - chính là một nhà báo người yêu nước thuần khiết, yêu độc lập dân tộc, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn. Ông là niềm tự hào của ngành tình báo Việt Nam, còn thế giới đánh giá ông là một trong những điệp viên cừ khôi nhất của thế kỷ XX.
Diễn Ngọc
[1] Phạm Xuân Ẩn, trích trong “Điệp viên Z21, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass, Nxb. Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, tr.41
[2] Phạm Xuân Ẩn, trích trong “Điệp viên Z21, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass, Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, tr.37
[3] Phạm Xuân Ẩn, trích trong “Điệp viên Z21, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass, Sđd, tr. 69
[4] Phạm Xuân Ẩn, trích trong “Điệp viên Z21, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass, Sđd, tr.52