Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nói chung và BHXH tự nguyện trong năm nay. Hiện ngành BHXH đang thực hiện nhiều giải pháp mở rộng phạm vi bao phủ của BHXH để hướng tới toàn dân tham gia, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động.
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nội dung này.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. |
PV: Thưa ông, năm 2019, công tác phát triển BHXH tự nguyện được triển khai trên cả nước đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Số người tham gia BHXH tăng mới gần 300.000 người và bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại. Vậy trong năm nay, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ cần những gì để đạt mục tiêu đã đề ra?
Thứ trưởng Lê Quân: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng người tham gia có giảm hơn so với trước nhưng thực ra trong năm 2019, chúng ta đạt được nhiều thành tích, lượng người tham gia BHXH tự nguyện bằng cả 10 năm trước cộng lại. Tiến theo thành công đó, năm 2020 chúng ta đặt mục tiêu khá cao là phát triển thêm khoảng 200.000 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta gặp khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp và người lao động do gặp khó khăn về vấn đề việc làm, nhiều doanh nghiệp cũng đang phải tạm hoãn đóng BHXH.
Tuy nhiên, cũng có những thuận lợi khi dịch Covid-19 nhanh chóng được kiểm soát. Chúng ta hy vọng 6 tháng cuối năm, dịch Covid tác động ít đến đời sống kinh tế xã hội. Với những dấu hiệu tương đối lạc quan như trong quá trình đại dịch diễn ra, rất nhiều người lao động và doanh nghiệp nhận thấy rằng việc tham gia BHXH là rất quan trọng để góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động. Do đó thông qua việc triển khai gói an sinh người lao động, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền và đặt mục tiêu tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đặc biệt đối với nhóm lao động tự do.
PV: Thưa ông, trong quá trình triển khai Gói hỗ trợ an sinh xã hội, chúng tôi cũng thấy, các địa phương cần phải triển khai đẩy mạnh công tác phát triển BHXH tự nguyện bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Thứ trưởng Lê Quân: Có thể nói năm nay là năm đầu tiên chúng ta có tháng phát động tham gia BHXH. Thủ tướng Chính phủ đồng ý và chúng tôi đã triển khai phát động về đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và tiếp cận người dân và người lao động để phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đẩy mạnh, nâng cao, tăng cường vai trò và ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tham gia BHXH cho người lao động.
Trong thời gian này, chúng tôi chỉ đạo mạnh các địa phương, lúc đại dịch Covid 19 diễn ra thì phải tiến hành tổng rà soát, cũng là một cơ hội để tiến hành tổng rà soát về lao động tự do và lao động trong khối doanh nghiệp. Khi chúng ta có cơ sở dữ liệu sẽ tiếp cận các đối tượng này, qua đó, phát triển được mạng lưới để người lao động tham gia nhiều hơn. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu chúng tôi phải đa dạng hóa làm sao BHXH tự nguyện phải dễ tiếp cận hơn và qua nhiều kênh hơn để người dân có thể tiếp cận dễ hơn.
Chúng tôi hiện nay đang phối hợp cùng Bưu điện làm đại lý phát triển và sắp tới sẽ phát triển thêm nhiều các doanh nghiệp khác tham gia vào để giúp chúng ta phát triển các đại lý, tiếp cận phát triển đối tượng tham gia. Chúng tôi cũng đang xây dựng và trình Thủ tướng ban hành gói BHHX tự nguyện nhưng ngắn hạn, qua đó chúng ta phát triển được linh hoạt hơn. Người lao động cảm thấy rằng, một gói BHXH tự nguyện ngắn hạn có hiệu quả và giúp người ta giải quyết được nhu cầu thì khi đó chúng ta sẽ đẩy mạnh được đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
PV: Trong quá trình phát triển đối tượng, chúng ta gặp khó khăn gì và biện pháp tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Quân: Khó khăn đầu tiên là nhiều người lao động vẫn chưa có văn hóa tham gia BHXH, văn hóa để tham gia các quỹ của chúng ta còn chưa được chú trọng. Người dân vẫn đang chú trọng vào các nguồn tích lũy của bản thân nhiều hơn. Do đó chúng ta cần phải đẩy mạnh làm sao người dân tham gia từng chút một, tham gia ít, tham gia ban đầu có thể nhỏ nhưng dần dần họ sẽ có văn hóa tham gia BHXH.
Thứ hai, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thường là những đối tượng không có quan hệ lao động, có thu nhập thấp và công việc không ổn định. Do đó, đây cũng là tâm lý mà mọi người cũng lo việc ngắn hạn hơn là những việc dài hạn. Thứ ba là cả bản thân chính sách BHXH cũng chưa thực sự hấp dẫn đối với người dân, chưa đáp ứng được nhu cầu mà người dân mong muốn được giải quyết được nhu cầu ngắn hạn kết hợp với nhu cầu dài hạn. Do đó chúng ta thấy rằng, nhiều người vẫn chưa thực sự hào hứng và công tác tiếp cận đối tượng để làm sao tìm đến từng người lao động và thuyết phục, vận động họ tham gia mua BHXH tự nguyện, chúng ta đã làm tốt nhưng chưa được thực sự đáp ứng được yêu cầu và chúng ta cần tiếp tục tăng cường.
PV: Theo ông, để phát triển bền vững đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thì chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào?
Thứ trưởng Lê Quân: Giải pháp đồng bộ đầu tiên, đó là chúng ta phải hoàn thiện thể chế, đưa ra những gói BHXH tự nguyện phù hợp với nhu cầu của người lao động trong từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta phải tiến hành tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ để BHXH tự nguyện tiếp cận đến người dân gần hơn giống như phương thức tiếp cận của bảo hiểm thương mại, để làm sao chúng ta chủ động cung ứng như cung ứng dịch vụ đến cho người dân.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền và giải quyết tốt các chế độ chính sách, từ đó người dân hiểu hơn và chia sẻ hơn. Chúng tôi cũng coi trọng vai trò, sự tham gia của đồng bộ các chính quyền các cấp và hệ thống tổ chức chính trị xã hội để tham gia cùng chúng ta. Như vậy, sẽ tiếp cận được gần dân hơn và người lao động hơn, qua đó phát triển được đối tượng nhiều hơn.
PV: Trong khi chúng ta đang tăng cường các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thì từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid, người lao động mất việc làm xin nhận bảo hiểm xã hội một lần lại gia tăng. Vậy có cách nào để giảm tình trạng này không, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Quân: Về số lượng người xin nhận BHXH một lần, thực ra không tăng mạnh. Bởi vì người dân, người lao động, những người thực sự khó khăn nhưng chưa thực sự hiểu rõ về chế độ người ta mới rút. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn còn khá phổ biến trong năm 2019 và cũng tương đối cao trong 3 tháng đầu năm 2020. Chúng ta phải có những giải pháp để làm sao giảm bớt được các hiện tượng này, một mặt đảm bảo cho người dân tiếp cận được với thủ tục BHXH một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất nhưng mặt khác cũng phải làm sao để tránh hiện tượng là chúng ta cố gắng phát triển đối tượng nhưng mà những người đang tham gia thì lại rút, khi đó ảnh hưởng cả lợi ích của người dân, lợi ích của Quỹ BHXH và chính sách.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tuyên truyền cho người lao động để giảm bớt tình trạng này có thể ảnh hưởng đến an sinh xã hội về lâu dài.
Chúng tôi được triển khai tương đối đồng bộ và phối hợp với công đoàn cũng như các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương để làm sao tuyên truyền, vận động người lao động nhưng bên cạnh đó thì cũng có hiện tượng đó là người lao động coi sổ BHXH như một tài sản thế chấp, cầm cố vay và hiện tượng mua bán cũng đã xảy ra.
Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Công an và các chính quyền các địa phương để kiểm tra và xử lý các vấn đề này. Về lâu dài thì chúng ta phải tiến hành điều chỉnh chính sách để làm sao chúng ta tạo cơ chế tốt hơn để người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần. Ngoài ra, chúng ta cũng tăng cường sổ BHXH điện tử, không còn sổ giấy để giảm bớt hiện tượng mua bán các sổ giấy trên thực tế./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Kim Thanh/VOV1 (thực hiện)