Công trình này được công bố ngày 24/4/2022, do nhóm chuyên gia của Đại học Leicester và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Leicester (Anh) thực hiện. Các tác giả xem xét dữ liệu di truyền của 405.981 người dân ở độ tuổi ngoài 50 ở Vương quốc Anh. Sau đó, họ so sánh dấu hiệu lão hóa sinh học và tốc độ đi bộ của các tình nguyện viên với nhóm đối chứng.
Những người đi bộ nhanh thường có telomere dài hơn so với nhóm đi bộ chậm hơn.
Để đo dấu hiệu lão hóa sinh học, các tác giả sử dụng sức khỏe tế bào - telomere. Telomere là phần đuôi của nhiễm sắc thể, hoặc các sợi DNA của con người. Chúng cung cấp sự ổn định khi các tế bào phân chia theo thời gian. Khi chúng ta già đi, các telomere trở nên ngắn hơn, tương tự ngọn nến đang cháy. Tình trạng này cũng liên quan các bệnh lý về tuổi tác như ung thư.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Anh, những người đi bộ nhanh (tốc độ hơn 4,8 km/giờ) thường có telomere dài hơn so với nhóm đi bộ chậm hơn. Ngoài ra, tổng thời gian đi bộ, tổng số bước cũng tỷ lệ thuận với chiều dài của telomere.
Các phát hiện này được đánh giá là rất quan trọng. Bởi một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa tốc độ đi bộ và dấu hiệu lão hóa. Nghiên cứu này cho thấy đi bộ nhanh góp phần mang đến những lợi ích về giảm lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh lợi ích của đi bộ với sức khỏe tinh thần, thể chất cũng như tuổi thọ. Đây cũng là thói quen giúp cải thiện tâm trạng, nâng cao mức năng lượng, ngăn ngừa nhiều loại bệnh tật.
Các nghiên cứu cho thấy đi bộ làm tăng nhịp tim và cải thiện lưu lượng máu, có thể giúp giảm đau và nhức mỏi cơ, giảm căng thẳng và trầm cảm, đồng thời tăng cường sức khỏe tim mạch. Đặc biệt, chỉ với 4.400 bước mỗi ngày cũng đã được chứng minh giúp chúng ta sống lâu hơn.
Theo Mayo Clinic, mỗi ngày, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên hoạt động thể chất ít nhất 30 phút, có thể chia nhỏ trong ngày như ba lần đi bộ 10 phút hoặc tăng dần theo thời gian.
Theo Khoa học và Đời sống