Sau trận Đường lên đỉnh Olympia quý III lên sóng, Văn Ngọc Tuấn Kiệt - học sinh trường THPT Thị xã Quảng Trị - là cái tên được liên tục nhắc tới. Với 300 điểm, chàng trai 17 tuổi mang cầu truyền hình chung kết Olympia năm 20 về tỉnh Quảng Trị. Tại sân chơi này, Tuấn Kiệt gây ấn tượng với khả năng thi đấu áp đảo, luôn giành lợi thế lớn trước cả phần thi Về đích. Ảnh: Fanpage Olympia. |
Sau khi giành tấm vé vào chung kết năm, chàng trai sinh năm 2003 rơi nước mắt vì xúc động. Ở trường, cậu là học sinh giỏi toàn diện, năng nổ tham gia hoạt động ngoại khóa. Trong 6 năm gần đây, Tuấn Kiệt là học sinh thứ 4 của tỉnh Quảng Trị lọt vào 1 trận chung kết năm. Đặc biệt, nhiều khán giả còn phát hiện 4 gương mặt này đều cùng quê huyện Hải Lăng. Cụ thể, Tuấn Kiệt ở làng Long Hưng, xã Hải Phú. Ảnh chụp màn hình, |
Năm 2015, Văn Viết Đức ghi tên mình vào lịch sử Olympia khi trở thành quán quân đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Chàng trai sinh năm 1997 có nhiều điểm tương đồng với đàn em Tuấn Kiệt khi cũng sinh ra, lớn lên ở làng Long Hưng, xã Hải Phú và học tập tại THPT Thị xã Quảng Trị. Ở sân chơi Olympia, Viết Đức được nhớ tới với biệt danh “Vua vượt chướng ngại vật”. Cậu trở thành sinh viên ĐH Kỹ thuật Swinburne (Australia) vào năm 2016. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trong phóng sự của Olympia vào tháng 3 vừa qua, Viết Đức tiết lộ cậu hiện đi thực tập 1 năm tại một công ty xây dựng ở Melbourne. Năm tới, 9X Quảng Trị sẽ trở lại trường để hoàn thành nốt khóa học. Tại Australia, Viết Đức từng làm thêm các công việc bồi bàn, phụ bếp. Trong tương lai, nhà vô địch Olympia 2015 muốn trở về Việt Nam để “giúp các bác nông dân ở quê mình sáng chế gì đó, giúp họ bớt đi cực nhọc”. Ảnh: FBNV. |
Sau Văn Viết Đức, Phan Đăng Nhật Minh (sinh năm 2000) trở thành niềm tự hào của tỉnh Quảng Trị khi vô địch Olympia 2017. Trước khi đến với Olympia, cựu học sinh THPT Hải Lăng đã gắn với các biệt danh “thần đồng”, “cậu bé Google” nhờ vốn kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Nhật Minh được mệnh danh là “vua phá kỷ lục” của Olympia năm 17 khi nắm giữ 3 kỷ lục. Chàng trai cũng là thí sinh có điểm số cao nhất trong lịch sử 20 năm phát sóng Olympia (460 điểm). Ảnh: Việt Hùng. |
Nhật Minh là con trai lớn trong gia đình có cha là kỹ sư điện, mẹ là cô giáo tiểu học ở thị trấn Diên Xanh, huyện Hải Lăng. Từ nhỏ, cậu đã bộc lộ tố chất “thần đồng”, khi nhận biết con số lúc mới 6 tháng tuổi, biết đọc, làm phép toán đơn giản từ 18 tháng tuổi. Khi học lớp 9, “cậu bé Google” đã tự học xong chương trình lớp 11. Đặc biệt, cậu không đi học thêm, chỉ tự tìm tòi, học qua sách vở, Internet. Nhật Minh hiện là sinh viên ngành Hóa học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia. 10X dự định hoàn thành 3 năm học cử nhân tại Swinburne, sau đó học bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Australia hoặc một quốc gia khác. Ảnh: FBNV. |
Tại Olympia 2018, Lê Thanh Tân Nhật (sinh năm 2001) không trở thành nhà vô địch nhưng để lại ấn tượng nhất định trong lòng khán giả. Sinh ra, lớn lên trong gia đình làm nông ở làng Quy Thiện, xã Hải Quy, chàng trai nổi tiếng ham học, hiền lành và có nghị lực vượt khó. Cậu là một trong những gương mặt nổi bật trưởng thành tại ngôi trường có truyền thống hiếu học - THPT Thị xã Quảng Trị. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trong 12 năm học phổ thông, Tân Nhật đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Á quân Olympia 2018 từng giải cấp tỉnh môn Toán trên Internet cấp 1, giải ba môn Hóa cấp huyện năm cấp 2, giải nhất cấp tỉnh cuộc thi Tự hào Việt Nam 2017 và lọt top 30 thí sinh xuất sắc toàn quốc, giải nhất cuộc thi trí tuệ Chinh phục do Sở GD&ĐT Quảng Trị phối hợp với Đài Truyền hình Quảng Trị tổ chức. Hiện Tân Nhật đã trở thành sinh viên. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nguồn Zingnews