Gia đình là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện giáo dục đối với thế hệ trẻ. Đây là môi trường giáo dục đầu tiên và lâu dài trong cuộc đời của mỗi con người, ở đó, tình cảm ruột thịt và bầu không khí đạo đức, ấm cúng, hòa thuận giữa các thành viên gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc giáo dục nhân cách con người. Những mầm mống ban đầu của nhân cách, từ sở thích, lối sống đến ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng..., đều được hình thành chủ yếu ngay từ môi trường gia đình. Trong chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, vai trò của gia đình với việc giáo dục ý chí và khát vọng cho thế hệ trẻ đã được minh chứng rõ nét thông qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gia đình có ý nghĩa đặc biệt trong giáo dục nhân cách con người. (Ảnh Internet)
Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, đặc biệt là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới. Chính vì vậy, khát vọng của dân tộc ta hiện nay đó là: Xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển hùng cường, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN.
Từ việc xác định: ý chí, khát vọng phát triển đất nước của con người Việt Nam là nguồn lực nội sinh quan trọng. Do đó, Đảng ta chủ trương: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm, chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng… Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”[1]. Điều này cho thấy, quan điểm của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII rất chú trọng tới hệ giá trị gia đình và vai trò của gia đình trong việc giáo dục thế hệ trẻ (nói chung), giáo dục ý chí và khát vọng phát triển đất nước (nói riêng). Để chủ trương của Đảng trở thành hiện thực, đạt hiệu quả cao thì cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các gia đình về vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục ý chí, khát vọng cho thế hệ trẻ
Chủ thể tiên quyết trong hoạt động giáo dục này là gia đình. Do đó, cần nâng cao nhận thức cho từng thành viên, đặc biệt là các bậc phụ huynh (ông bà, cha mẹ) nhận thức đúng về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giáo dục ý chí, khát vọng cho con trẻ. Bởi vì, chỉ khi nhận thức đúng được vấn đề thì họ mới có thái độ và hành vi đúng trong hoạt động giáo dục; khắc phục tình trạng thờ ơ hoặc coi nhẹ vấn đề này trong giáo dục ở một số gia đình hiện nay. Vì vậy, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức khác nhau để các gia đình hiểu rõ trách nhiệm, với tư cách là “tế bào” của xã hội, gia đình cần coi việc giáo dục lòng yêu nước và ý chí, khát vọng phát triển đất nước là một chuẩn mực, một giá trị cơ bản trong hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay, từ đó áp dụng nội dung và phương pháp giáo dục một cách linh hoạt để đem lại hiệu quả.
Thứ hai, xác định nội dung cụ thể cho hoạt động giáo dục ý chí, khát vọng của thế hệ trẻ trong gia đình
Nền giáo dục trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giáo dục ý chí, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ đòi hỏi gia đình không chỉ giáo dục những chuẩn mực đạo đức, lối sống trong các mối quan hệ ứng xử hàng ngày mà cần “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện…, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”[2]; quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống vì cộng đồng, tuân thủ chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với những việc mình làm.
Xác định nội dung giáo dục ý chí, khát vọng cho thế hệ trẻ (Ảnh Internet)
Giáo dục tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, lao động. Xã hội hiện nay cần những con người tích cực, chủ động, sáng tạo trong cuộc sống, trong học tập, lao động và công tác để phát huy được mọi tiềm năng thế mạnh của bản thân và thích nghi hiệu quả với môi trường xã hội nhiều biến động. Có như vậy mới “Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]
Giáo dục lý tưởng sống có ước mơ, hoài bão, có ý chí vươn lên và khát vọng cống hiến. Ước mơ, hoài bão là những nhu cầu và biểu hiện tự nhiên ở mỗi con người. Tuy nhiên, để những ước mơ, hoài bão đó được nuôi dưỡng, được chắp cánh, trở thành khát vọng và ý chí quyết tâm thực hiện khát vọng đó thì cần có sự khơi dậy, sự khích lệ, đặc biệt là sự giáo dục mang tính định hướng đúng đắn của gia đình để những ước mơ, khát vọng đó không mang tính viển vông mà trở thành hiện thực, không chỉ vì lợi ích cá nhân, mà còn có giá trị tích cực cho xã hội.
Giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc không phải là những nội dung mang tính to tát, xa vời, khó thực hiện mà có thể chỉ đơn giản là những câu chuyện mà cha mẹ kể về lịch sử dân tộc, những thắng lợi hào hùng, cũng như những hy sinh mất mát của đất nước trong các trận chiến chống giặc ngoại xâm, đó là những câu chuyện về các anh hùng dân tộc, những khó khăn và những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hay gần gũi hơn nữa là những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, quê hương…, tất cả điều đó đều góp phần hình thành, nuỗi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Thứ ba, phát huy vai trò các chủ thể cùng gia đình trong việc giáo dục ý chí, khát vọng cho thế hệ trẻ
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư… Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý…”[4]. Như vây, có thể thấy rằng, liên quan đến giáo dục con người thì có ba chủ thể chính, đó là: gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi chủ thể có vị trí, vai trò, nội dung và cách thức giáo dục khác nhau và giữa các chủ thể này có sự liên hệ, tác động qua lại với nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình giáo dục con người phát triển toàn diện. Chính vì vậy, để phát huy được vai trò của gia đình trong việc giáo dục ý chí, khát vọng phát triển cho thế hệ trẻ một cách hiệu quả nhất thì đòi hỏi gia đình cần có mối liên hệ mật thiết với nhà trường và cộng đồng xã hội. Ngoài môi trường gia đình thì trẻ còn sống trong môi trường nhà trường và cộng đồng. Do đó, giáo dục gia đình sẽ không phát huy hiệu quả nếu ở trường học, các thầy cô chỉ quan tâm dạy chữ mà không chú ý tới dạy cách làm người, dạy cách trở thành một công dân gương mẫu, công dân có trách nhiệm với xã hội. Đồng thời, cần phát huy vai trò của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, động viên, giáo dục trẻ. Trong đó, cần đặc biệt phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, bởi đây là tổ chức quản lý trực tiếp các đoàn viên thanh niên, dễ dàng nắm bắt được đặc điểm tâm lý, tâm tư nguyện vọng của họ, thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động phong trào để giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, NXB CTQG Sự Thật, H.2021, tập I, tr.143-144.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, NXB CTQG Sự Thật, H.2021, tập I, tr.231.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, NXB CTQG Sự Thật, H.2021, tập I, tr.168.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, NXB CTQG Sự Thật, H.2021, tập I, tr.262-263.
Trần Chinh