Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân. Đây cũng là một nội dung, đặc trưng quan trọng trên con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của nhân dân trong sáng tạo, thực hành, trao truyền văn hóa hiện vẫn còn nhiều bất cập cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để khắc phục, phát huy mạnh mẽ vai trò của nguồn nhân lực đặc biệt này, hướng đến xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc.
Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuyengiao.vn
1. Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, đồng thời cũng là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa dân tộc. Kế thừa và tiếp nối truyền thống cha ông về tinh thần “thân dân, trọng dân, yêu dân” và sức mạnh “chở thuyền, lật thuyền” của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Chính sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước nồng nàn của các thế hệ người dân Việt Nam đã góp phần làm nên những chiến công rực rỡ, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ và gìn giữ nền độc lập, tự do, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong tác phẩm Dân vận viết năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến đặc trưng, tính chất của nhà nước dân chủ, đó là “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa, ngay từ rất sớm Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nhân dân. Trong bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Trung ương Đảng nhấn mạnh đến tính chất của nền văn hóa mới mà toàn thể nhân dân Việt Nam hướng đến xây dựng, đó là nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, hướng về quảng đại quần chúng nhân dân, do nhân dân xây dựng và vì cuộc sống lành mạnh, phong phú của nhân dân (tinh thần dân tộc hóa, đại chúng hóa).
Nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của người dân trong sáng tạo văn hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, các nghị quyết chuyên đề về văn hóa đều nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh quan trọng của nhân dân. Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khẳng định: Văn hoá Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của các chủ thể - nguồn nhân lực quan trọng để thực hiện sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, Đảng ta nhấn mạnh đó là “sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”. Nghị quyết Trung ương chín khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (2014) tiếp tục bổ sung và khẳng định: Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Như vậy, chủ thể sáng tạo, gìn giữ, trao truyền và phát huy nền văn hóa dân tộc là nhân dân. Trải qua những thăng trầm lịch sử, những biến thiên, đổi dời của cuộc sống, các thế hệ người dân Việt Nam đã sáng tạo lên nền văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc. Đó là nền văn hóa thống nhất trong da dạng, do cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S tạo ra trong quá trình tương tác, cải biến giới tự nhiên, cải tạo xã hội để làm cho cuộc sống, con người ngày càng trở nên tốt đẹp, tiến bộ, nhân văn hơn.
Qua thời gian, những sáng tạo của thế hệ đi trước được thế hệ sau gìn giữ, phát huy, bổ sung, đồng thời sáng tạo lên những giá trị mới, kết thành bản sắc, “hồn cốt” dân tộc, tạo sức mạnh, động lực tinh thần, củng cố khối đại đoàn kết, giúp nhân dân vượt qua những khó khăn, thử thách, đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do và để khẳng định vị thế của đất nước, dân tộc mình trên bản đồ thế giới.
Màn trình diễn đại xòe của dân tộc Thái. Ảnh: vnexpress.net
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, xã hội có sự phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa ngày càng sâu sắc, rõ nét, có những tầng lớp chuyên sản xuất, sáng tạo ra những giá trị phục vụ nhu cầu của đời sống vật chất; có những lớp người chuyên sản xuất, sáng tạo, làm ra những giá trị, sản phẩm tinh thần. Văn hóa là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh tế, liên quan trực tiếp đến tài năng, ý tưởng, cảm hứng sáng tạo, hướng đến làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Vì thế trong nhân dân ai cũng có thể sáng tạo lên những giá trị văn hóa độc đáo, tuy nhiên tầng lớp, đội ngũ có nhiều cống hiến hơn cả là văn nghệ sĩ, trí thức.
Ở nước ta, cơ chế phát triển văn hóa được xác định rõ, đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân là chủ thể sáng tạo. Trên cơ sở những vấn đề của thực tiễn và quá trình nghiên cứu lý luận, Đảng, Nhà nước sẽ ban hành những chủ trương, quyết sách lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa phát triển theo định hướng tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước đã đề ra; đảm bảo không gian, môi trường thật sự tự do, lành mạnh với những quyền cơ bản của người sáng tạo được đảm bảo; đáp ứng tốt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
2. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội thì văn hóa cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bản tồn, phát huy; nhiều giá trị văn hóa mới được nhân dân sáng tạo, tiếp thu từ quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa. Đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Vai trò của người dân trong sáng tạo, thực hành, trao truyền và thụ hưởng văn hóa ngày càng được coi trọng, sự tham gia của cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa ngày đông đảo.
Tuy nhiên, so với thành tựu và tốc độ phát triển của kinh tế thì văn hóa phát triển chưa tương xứng mà một trong những nguyên nhân là việc phát huy tinh thần chủ động, tích cực của nhân dân trong sáng tạo văn hóa còn chưa thật sự hiệu quả.
Nguồn lực sáng tạo trong nhân dân rất dồi dào, đa dạng, phong phú nhưng nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa biết cách khai thác, phát huy, đôi khi chỉ chú trọng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng mà thiếu quan tâm đến việc xây dựng môi trường, cảnh quan văn hóa và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú cho nhân dân.
Một số nơi huy động nguồn lực tài tính vượt quá sức so với thu nhập của một số hộ dân, nhất là những hộ còn nhiều khó khăn trong việc tham gia đóng góp các khoản tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Việc áp dụng máy móc, rập khuôn các quy định hành chính mà không tính đến từng đối tượng nhân dân, vô tình gây ra những mâu thuẫn, bất đồng; làm mất đi không khí của sự thân tình, gần gũi; triệt tiêu tinh thần cống hiến và sức sáng tạo trong nhân dân.
Mặc dù thời gian qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, vị trí của văn hóa đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận nhân dân về văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Văn hóa vẫn là cái gì đó xa lạ, vẫn đứng ngoài, chưa thật sự thẩm thấu vào trong đời sống của nhân dân. Với nhiều người dân, công tác xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ là công việc, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể chứ không phải là trách nhiệm, công việc của nhân dân, dẫn đến một số người có tâm lí thụ động, trông chờ, thậm chí ỉ lại vào sự tài trợ, cung ứng của Nhà nước, trong khi nguồn nhân lực, vật lực mà Nhà nước đầu tư lại hạn chế vì phải dành những ưu tiên, quan tâm cho nhiều lĩnh vực khác.
Việt Nam tự hào là quốc gia có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh. Tuy nhiên khi nhiều di sản, lễ hội, trò chơi dân gian được phụng dựng, tổ chức thì người dân, cộng đồng sáng tạo ra di sản lại trở thành khách thể, đứng ngoài việc thực hành, thụ hưởng những giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công gây dựng.
Một số công ty, đơn vị tổ chức sự kiện nghệ thuật thì ra sức lợi dụng các sự kiện văn hóa để quảng bá hình ảnh của công ty, doanh nghiệp, đề cao yếu tố lợi nhuận. Một số cán bộ quản lý văn hóa cơ sở lại có những hành vi can thiệp “quá nhiệt tình”, quá sâu vào đời sống văn hóa cộng đồng, từ việc lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, tổ chức các nghi lễ, quảng cáo sự kiện, thậm chí bán vé, kinh doanh thương mại, dịch vụ đều được các công ty, doanh nghiệp “làm thay nghĩ hộ” nhân dân. Vì thế, từ vai trò là chủ thể sở hữu, chủ thể thực hành và được thừa hưởng những giá trị văn hóa thì người dân lại trở thành “người làm thuê”, đứng nhìn, xem diễn viên, người ở nơi khác đến trình diễn. Họ bị đẩy ra ngoài không gian văn hóa cộng đồng.
Do không phải là chủ thể sáng tạo, chủ nhân của di sản nên việc thuê, ủy quyền cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân đứng ra tổ chức các hoạt động văn hóa, họ chỉ chạy theo số lượng, phong trào, truyền thông rầm rộ mà lãng quên nhiệm vụ chính là bảo tồn, phát huy những giá trị hạt nhân, cơ bản của văn hóa. Thậm chí để khuếch đại, phô trương các sự kiện văn hóa, họ đã đưa nhiều chi tiết, hình ảnh văn hóa mang tính ngoại lai, pha tạp, làm méo mó, sai lệch về tính nguyên bản, nguyên gốc của di sản văn hóa. Đây là một hiện tượng xấu, cần được chấn chỉnh, trả lại đúng vai trò, vị trí của người dân - chủ thể, chủ nhân trong sáng tạo, thực hành, phát huy và trao truyền văn hóa.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, đời sống vật chất, thu nhập và trình độ của người dân ngày càng được nâng cao, đây là những điều kiện quan trọng, thuận lợi để mỗi cá nhân ngày càng tham gia với tinh thần chủ động vào quá trình xây dựng nền văn hóa dân tộc. Khi mỗi người được thụ hưởng, tiếp cận những giá trị mới đến từ nhiều nền văn hóa sẽ tiếp thêm cho mình nguồn cảm hứng để tiếp tục tái tạo năng lượng, từ đó kiến tạo những công trình, tác phẩm văn hóa mới để bồi đắp, làm phong phú thêm nền văn hóa nước nhà.
Trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng của nhân dân trong xây đắp nền văn hóa bằng việc nâng cao nhận thức cho họ về vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người; về vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước.
Có cơ chế, chính sách cụ thể để huy động sức sáng tạo văn hóa dồi dào trong nhân dân bằng tinh thần tự nguyện và cả những chính sách mang tính pháp lý với những quy định chặt chẽ, trong đó quyền, lợi ích, trách nhiệm của các chủ thể, các bên tham gia, nhất là chủ thể nhân dân cần được xác định cụ thể, tránh sự lạm quyền, vượt quyền và can thiệp quá sâu vào đời sống văn hóa của nhân dân.
Phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong, sự say mê, tâm huyết của những nghệ nhân nhân dân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và những tài năng trẻ để họ tận tâm, dốc hết sức mình phụng sự, công hiến cho sự phát triển của nền văn hóa.
Tiết mục hát then - đàn tính do các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn. Ảnh tư liệu: Hoàng Nguyên/TTXVN
Đi đôi với việc khơi dậy, phát huy tinh thần sáng tạo trong nhân dân, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, tương xứng về trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng; đào tạo, bồi dưỡng; bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm; chế độ nhuận bút, thù lao đối với những cống hiến của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.
Có những giải pháp khả thi để triển khai và thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về việc đề cao, phát huy vai trò quan trọng của nhân dân trong phát triển đất nước cũng như trong quá trình xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc. Đó là: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Văn hóa là hồn cốt, là bản sắc của dân tộc, phản chiếu tâm hồn, phẩm chất, nhân cách, lối sống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Những giá trị tốt đẹp ấy được bảo tồn, gìn giữ đến ngày hôm nay có vai trò quan trọng của biết bao thế hệ người dân. Trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá dân tộc, cần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn thể nhân dân; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Phong Nguyên