Việc VN quyết định đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà: Triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã rất tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại song phương cũng như đa phương.
VN trở thành thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) từ năm 1979, là thành viên của Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) từ năm 1995, là thành viên sáng lập của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), thành viên của Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP) và nhiều tổ chức liên nghị viện khu vực.
Triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Quốc hội đã rất tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn, thể hiện vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm đóng góp, xây dựng, hình thành những "luật chơi" của các diễn đàn này. Đặc biệt, đối với các diễn đàn quan trọng như IPU, AIPA, APPF… Quốc hội đã có những đóng góp rất tích cực về nội dung, vào sự phát triển, giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế sâu rộng của đất nước.
Hy vọng các nghị sĩ trẻ của VN và thế giới từ nhận thức chung sẽ có những đóng góp tích cực trong vai trò của mình tại nghị viện mỗi nước trong việc quyết định nguồn lực, phân bổ nguồn lực ngân sách cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Từ đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở mỗi nước, mỗi quốc gia cũng như là góp phần qua đó thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ vào năm 2030
Việc VN đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 cũng là một bước để VN tiếp tục thể hiện vai trò có trách nhiệm đối với cộng đồng thế giới, cũng như phát huy vai trò của các nghị sĩ trẻ và giới trẻ đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề thách thức toàn cầu. Từ đó đóng góp vào việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của LHQ mà đến nay được đánh giá là đang rất chậm và khó có khả năng đạt được các mục tiêu vào 2030.
Chủ đề của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo". Lý do nào chúng ta lại chọn chủ đề này cho hội nghị, thưa ông?
Cả thế giới đang thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với các mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng với những diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình thế giới hiện nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh của các nước lớn, các cuộc xung đột… thì việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói trên đang chậm so với tiến độ.
Theo đánh giá của LHQ, hiện nay mới có 12% các mục tiêu phát triển bền vững đang được thực hiện đúng hướng. 50% đang rất chậm và khó có khả năng hoàn thành.
Trong bối cảnh như vậy, xu thế hiện nay là các nước đang thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của từng nước cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Do đó, việc Quốc hội VN đưa ra chủ đề mang tính thời sự là thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Cạnh đó, mục tiêu của chúng ta là phát huy sự đóng góp của giới trẻ vào Chương trình nghị sự của LHQ thông qua những xu thế phát triển hiện nay của thế giới là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu là cơ chế hội nghị toàn cầu hằng năm do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) thiết lập từ năm 2014, quy tụ các nghị sĩ trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Cho đến nay, 8 hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu đã được tổ chức với các chủ đề khác nhau.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội VN đăng cai tổ chức sẽ diễn ra từ 14 - 18.9 tại Hà Nội với chủ đề: "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo". Đây là lần đầu tiên Quốc hội VN đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, là sự kiện đối ngoại đa phương có quy mô lớn nhất trong năm 2023 do VN đăng cai tổ chức.
Hội nghị sẽ có 3 phiên thảo luận chuyên đề với các nội dung: chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Tại hội nghị, ngoài 2 phiên thảo luận về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, sẽ có phiên thảo luận về "thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững". Vì sao chúng ta lại chọn vấn đề văn hóa để thảo luận tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần này?
Việc lựa chọn đưa vấn đề văn hóa, con người vì sự phát triển bền vững thành một chủ đề thảo luận của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 cũng là một "đặc sắc" của chúng ta.
Chủ đề chung của hội nghị và phiên thảo luận chuyên đề về chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững đều là những nét rất đặc trưng của VN. Thông qua việc lựa chọn các chủ đề và nội dung này, chúng ta muốn đóng góp tại cuộc thảo luận mang tính toàn cầu như Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 về định hướng để chúng ta làm sao thực hiện tốt nhất các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Vậy chúng ta kỳ vọng như thế nào về kết quả của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 lần này, thưa ông?
Với sự tham gia đông đảo của các nghị sĩ trẻ toàn cầu tại hội nghị lần này, chúng tôi hy vọng các nghị sĩ trẻ của VN và thế giới từ nhận thức chung sẽ có những đóng góp tích cực trong vai trò của mình tại nghị viện mỗi nước trong việc quyết định nguồn lực, phân bổ nguồn lực ngân sách cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Từ đó, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở mỗi nước, mỗi quốc gia cũng như là góp phần qua đó thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ vào năm 2030.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn thanhnien.vn