Tên sách: Phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và định hướng phát triển
Tác Giả: Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Năm Xuất Bản: 2021
Số Trang: 652
Nhà Xuất bản: NXB Chính trị quốc gia Sự thật
Phê bình văn học nghệ thuật là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng, sự phát triển xã hội nói chung. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, phê bình văn học, nghệ thuật cũng đồng thời bộc lộ những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là ở vai trò định hướng hoạt động thực tiễn và hoạt động sáng tạo, cần phải được phân tích, đánh giá, lý giải để tìm ra giải pháp phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.
Trước đòi hỏi của tình hình thực tiễn, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”. Hội thảo góp phần xây dựng luận cứ khoa học để đánh giá thực trạng, xây dựng hệ thống giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển lĩnh vực phê bình văn học, nghệ thuật; trên cơ sở đó tư vấn giúp Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát huy vai trò định hướng của phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn.
Từ kết quả Hội thảo, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và định hướng phát triển. Cuốn sách tập hợp các bài tham luận dự Hội thảo của các nhà nghiên cứu, quản lý, đội ngũ văn nghệ sĩ.
Với gần 700 trang sách, được chia làm 03 phần, cuốn sách đã khái quát bức tranh chung của đời sống phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam trong những năm qua và đi sâu đánh giá thực trạng hoạt động phê bình trong từng lĩnh vực: văn học, âm nhạc, điện ảnh, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật…, nêu lên những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến thành tựu và hạn chế, đồng thời đề xuất những giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.
Có thể thấy rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo điều kiện cho hoạt động lý luận, phê bình để thúc đẩy sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhờ vậy hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã phát huy vai trò định hướng giá trị xã hội, định hướng sáng tác, là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, tác động sâu sắc đến thị hiếu của công chúng văn nghệ. Các cây bút phê bình luôn đồng hành cùng hoạt động sáng tác, phân tích, đánh giá những giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm; dự báo, cổ vũ những xu hướng phát triển lành mạnh, đúng đắn, đồng thời cảnh báo, đấu tranh với những xu hướng, quan điểm sai trái, cực đoan trong đời sống văn học, nghệ thuật, góp phần bảo vệ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Tuy nhiên, công tác phê bình văn học, nghệ thuật vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém, đồng thời xuất hiện những vấn đề mới đáng lo ngại.
Trong bài phát biểu với tiêu đề “Hướng tới một nền phê bình văn học, nghệ thuật lành mạnh, khoa học, dân chủ, nhân văn, đồng hành cùng văn nghệ sĩ trong sáng tạo”, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ ra thực trạng của công tác phê bình văn học, nghệ thuật, so với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang tỏ ra trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Trong khi những hạn chế từ lâu tích tụ chưa được giải quyết thì thực tiễn lại đang xuất hiện những vấn đề mới khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như: âm nhạc, múa, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh,… diễn ra từ nhiều năm qua, đã được chỉ ra nhưng các giải pháp khắc phục chưa thực sự hiệu quả. Môi trường sinh hoạt phê bình thiếu vắng tinh thần khoa học, tranh luận và đối thoại, vốn là một trong những đặc trưng bản chất của phê bình. Trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng và những vấn đề quan trọng của đời sống văn học, nghệ thuật, phê bình nhiều khi còn lúng túng, thiếu nhạy bén chính trị và nghệ thuật, chưa kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải…
Để nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, đội ngũ các nhà phê bình cần phải được quan tâm xây dựng, đào tạo một cách chuyên nghiệp. Các trường đại học, cơ quan nghiên cứu đang gánh vác trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà phê bình cần đặt mục tiêu từng bước tiệm cận với trình độ của thế giới và phải giữ vững bản sắc riêng, lấy đó làm cơ sở, định hướng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình và hoạt động giảng dạy, học tập.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam hiện đại, khoa học, đủ sức giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X và các văn kiện quan trọng của Đảng đã đề ra.
Trong khi chờ đợi những bước chuyển về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, các nhà phê bình cần tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình để từng bước góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của phê bình văn học, nghệ thuật. “Nhiệm vụ nặng nề ấy đòi hỏi các nhà phê bình cần tiếp tục dấn thân, am hiểu sâu sắc hơn nữa thực tiễn đời sống sáng tác đang vận động nhanh chóng. Hơn bao giờ hết, mỗi văn nghệ sĩ cần nêu cao ý thức trau dồi bản lĩnh chính trị, đề cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, những năm gần đây dễ dàng nhận thấy sự mờ nhạt, thậm chí sự vắng bóng vai trò của phê bình. Trước các yêu cầu bức thiết của đời sống xã hội và văn học, nghệ thuật như định hướng giá trị, định hướng thẩm mỹ, định hướng tiếp nhận, định hướng dư luận và định hướng sáng tạo... phê bình dường như im tiếng. Bên cạnh những thành tựu có vẻ khiêm tốn, vẫn còn đó các khuyết tật, non kém khiến cho phê bình không đảm đương được sứ mệnh của mình, lại luôn luôn mang tiếng là tụt hậu, “ăn theo” sáng tác, là nghiệp dư, là trầm lắng, là thiếu sức sống, bỏ rơi trận địa…
Ngoài ra, các bài viết trong cuốn sách cũng đã cho thấy bức tranh khá đầy đủ và toàn diện về thực trạng của hoạt động phê bình trong tất cả các lĩnh vực của văn học và nghệ thuật. Các bài viết đã khẳng định, đời sống văn học, nghệ thuật đang vận động với diện mạo phong phú, đa dạng, đan xen cả ưu điểm và hạn chế, chứa đựng nhiều vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết đến sự vận động và phát triển của nền văn học, nghệ thuật hiện tại và tương lai. Bên cạnh những dấu ấn và kết quả tích cực đã đạt được, phê bình văn học, nghệ thuật cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: sự thiếu hụt đội ngũ phê bình chuyên nghiệp, công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn; môi trường sinh hoạt phê bình thiếu tinh thần khoa học, tranh luận và đối thoại, xuất hiện nhiều bài phê bình cảm tính, không có sức thuyết phục, khen chê dễ dãi “dĩ hòa vi quý”…
Từ thực trạng nêu trên, ở những bình diện và cấp độ khác nhau các bài viết đã tập trung lý giải những nguyên nhân cơ bản tác động, ảnh hưởng đến vai trò định hướng hoạt động thực tiễn và sáng tạo của phê bình văn học, nghệ thuật thể hiện ở một số khía cạnh sau: Thứ nhất: hệ thống lý luận chuẩn mực, hệ thống tiêu chí đánh giá tin cậy làm thước đo cho phê bình văn học, nghệ thuật còn thiếu; Thứ hai: cơ chế thị trường với những mặt trái cố hữu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến các cây bút phê bình; Thứ ba: sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc đến vai trò định hướng, làm triệt tiêu không khí đối thoại, tranh luận học thuật của phê bình văn học…
Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân, các tác giả đã đề xuất một số giải pháp cơ bản: (1) cụ thể hóa các tiêu chí liên quan đến chế độ, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phê bình; (2) có chính sách thích đáng đãi ngộ, đào tạo, vinh danh giải thưởng cho các công trình phê bình có giá trị; (3) hoạch định chiến lược, chính sách hoạt động phù hợp…
Với sự đầu tư nghiêm túc, tâm huyết của các tác giả, cuốn sách là một công trình khoa học có giá trị tham khảo tốt cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ; cập nhật tri thức và thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; là cơ sở để lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan tham khảo, ứng dụng trong thực tiễn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Theo nxbctqg