Tên sách: Philippines Kiện Trung Quốc Về Tranh Chấp Biển Đông: Các Sự Kiện Và Phân Tích Pháp Lý
Tác Giả: Trần Công Trục
Năm Xuất Bản: 2016
Số Trang: 346
Nhà Xuất bản: NXB Thông Tin Và Truyền Thông
Đây là tên cuốn sách do tiến sĩ Trần Công Trục chủ biên, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành quý IV năm 2016 gồm 5 chương, 01 phụ lục với 346 trang in.
Ngày 12/7/2016, một sự kiện trọng đại của khu vực châu Á và có ảnh hưởng lên toàn khu vực và thế giới, đó là phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philipines đối với yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc. Xung quanh vụ kiện này của Philipines, đã xuất hiện những cách hiểu chưa đúng về vụ kiện này. Cuốn sách “Philipinnes kiện trung quốc về tranh chấp biển đông: các sự kiện và phân tích pháp lý" đã góp phần lý giải cặn kẽ để độc giả có thể hiểu thấu đáo về vụ kiện này.
Trước hết, đây là phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Vụ kiện của Philippines không phải là vụ kiện về tranh chấp quyền thụ đắc lãnh hải hay phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa. Theo đó, Philipines muốn Tòa phán quyết về nguồn luật quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trên Biển Đông và hiệu lực của UNCLOS đối với yêu sách về quyền lịch sử bên trong cái gọi là “đường chín đoạn đứt khúc” (tức đưỡng lưỡi bò) của Trung Quốc; Philipines muốn Tòa phán quyết về liệu một số cấu trúc mà cả Trung Quốc và Philipines cùng yêu sách được xác định chính xác là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay bãi chìm theo UNCLOS v.v…Theo đó, Tòa Trọng tài đã bác bỏ hoàn toàn cơ sở pháp lý của yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đây là phán quyết rất chuẩn mực theo đúng tuần tự thủ tục pháp lý và rất khách quan, trung thực; là chiến thắng vang dội trên mặt trận pháp lý không chỉ của riêng Philippines mà còn là thắng lợi của cộng đồng khu vực và quốc tế với tư cách là những thành viên của UNCLOS 1982. Tất nhiên, kể từ khi Philipines bắt đầu khởi kiện đến khi có phán quyết này, Trung Quốc luôn luôn lên tiếng và cương quyết không chấp nhận phán quyết cũng như tìm mọi thủ đoạn để phủ nhận giá trị của phán quyết. Có lẽ vì vậy mà vu kiện của Philipines mang ý nghĩa về mặt chính trị nhiều hơn.
Để giúp đông đảo bạn đọc hiểu rõ nội dung, ý nghĩa và tác động của phán quyết này cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong vấn đề bảo vệ biển đảo, đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cho xuất bản cuốn sách này.
Chương 1: Phương thức giải quyết tranh chấp theo các quy định của luật pháp quốc tế. Chương này trình bày khái quát 4 vấn đề xoay quanh các nội dung về tranh chấp quốc tế; tranh chấp biên giới, lãnh thổ trên thế giới; giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế; giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chương 2 với tên gọi “Biển Đông và các loại tranh chấp ở Biển Đông” gồm 2 phần là: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và tập trung phân tích các loại tranh chấp trong Biển Đông. Chương 3: Vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông. Trong chương này, các tác giả trình bày bối cảnh dẫn đến sự kiện Philippines kiện Trung Quốc; nội dung và các thủ tục pháp lý trong quá trình Philippines đơn phương khởi kiện Trung Quốc ra Cơ quan tài phán quốc tế về Luật Biển; lập luận của Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong vụ kiện của Philippines. Chương 4: Quá trình ra phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài gồm 5 nội dung bao gồm: Những thách thức đối với Tòa Trọng tài vào thời điểm trước khi đưa ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines; những mốc thời gian chủ yếu đánh dấu quá trình thụ lý hồ sơ và phán xét của Tòa Trọng tài; nội dung chính của Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016; Phán quyết của Tòa Trọng tài và cơ chế thi hành án; tác động của Phán quyết đối với Việt Nam và giải pháp tình thế. Chương 5: Tình hình Biển Đông hậu phán quyết gồm 3 nội dung: Tình hình Biển Đông “nóng” lên hay “nguội” đi, tại sao? Lập trường, nguyên tắc của Philipines đối với vấn đề Biển Đông thời kỳ hậu phán quyết và có phải Trung Quốc thực sự ngưng khuấy động Biên Đông?
Phần phụ lục bao gồm 11 bài viết của các học giả, các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về tình hình Biển Đông trước và sau phán quyết của Tòa trọng tài.
Đây là một vụ kiện không phải ai cũng có thể hiểu ngọn ngành và có rất nhiều những vấn đề có liên quan. Thế nhưng, cuốn sách đã được viết, được trình bày rất khoa học, súc tích, dễ hiểu để độc giả có thể dễ dàng tiếp nhận. Có thể khẳng định rằng đây là cuốn sách và tài liệu đầy đủ, trình bày một cách có hệ thống về vụ kiện của Philipines đối với yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Sách không những chỉ là tài liệu nghiên cứu và tham khảo của các nhà khoa học mà còn cần thiết cho tất cả mọi người để hiểu thêm về Biển Đông, về các tranh chấp trên Biển Đông và đặc biệt là về vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.
Ngọc Anh