Bộ Công Thương mới đây cho biết đang nghiên cứu phương án “một giá điện” song song với phương thức biểu giá điện bậc thang để người dân lựa chọn.
Triển khai tính điện một giá, người dân chắc chắn sẽ dễ dàng hơn trong việc tính toán tiền điện, song câu hỏi đặt ra là nhóm khách hàng nào sẽ được hưởng lợi, nhóm nào sẽ chịu thiệt?
Phương án giá điện bán lẻ sinh hoạt một mức giá được Bộ Công Thương đưa ra trước những phản ánh của người dân thời gian qua về hóa đơn tiền điện tăng đột biến; từ đó, người tiêu dùng mong muốn có phương án tính tiền điện dễ dàng hơn.
Do đó, Bộ Công Thương đang tính toán thêm phương án một giá điện để người tiêu dùng lựa chọn. Mức giá của phương án này cũng được cân nhắc, nhưng sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh.
Tìm hiểu tại cửa hàng kinh doanh ẩm thực bún ốc (phố Bạch Mai, Hà Nội), chủ cửa hàng tại đây cho biết, những tháng hè, tiền đun nấu, điều hòa phục vụ cửa hàng mỗi tháng lên đến 10-12 triệu đồng, tăng cao hơn những tháng khác từ 3-4 triệu đồng do sử dụng điện nhiều hơn và mức giá bị áp theo biểu giá bậc thang.
Với biểu giá điện cho hộ kinh doanh, sử dụng vào giờ cao điểm, tiền điện tới 4.500 đồng/kWh. Nếu tính áp điện theo một giá, chắc chắn chi phí sẽ giảm đi đáng kể.
Trái lại, tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tám, cũng trên phố Bạch Mai, mỗi tháng gia đình bà dùng hết khoảng 300 số (kWh) điện, tiền điện phải trả khoảng 600.000 đồng.
“Nếu thực hiện và lựa chọn chính sách một giá điện, mức giá cho một số điện cao hơn 2.000 đồng, thì mỗi tháng tôi phải chi phí thêm, trong khi gia đình dùng rất ít, chỉ bật quạt và tivi”, bà Tám nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, phương án điện một giá sẽ giúp người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn nhưng là nhằm vào số ít, khoảng 20-30% sử dụng lượng điện cao trên 400 kWh thì có lợi. Nhưng người tiêu dùng mức thấp chiếm 70-80% sẽ thiệt thòi nếu chọn phương án này do áp dụng đồng giá, dù dùng ít hay dùng nhiều.
Hiện nay, phương án bán điện một giá bên cạnh giá điện bậc thang vẫn đang nằm trong nghiên cứu của Bộ Công Thương.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, kế hoạch này của Bộ Công Thương có ý tưởng xuất phát từ thực tế diễn ra trong thời gian qua, khi biểu giá điện bậc thang được áp dụng. Những ý kiến từ dư luận liên quan đến sai sót trong quá trình triển khai; hóa đơn tiền điện tăng cao vào mùa hè do hiệu ứng bậc thang buộc các nhà quản lý phải suy nghĩ về các phương án giá điện mới.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho rằng, phương án đồng giá có thể đơn giản trong áp dụng, sai sót trong đo đếm sẽ ít ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhưng các mục tiêu quan trọng khác như chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng, đặc biệt là với sản phẩm điện năng hay khuyến khích sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện sẽ khó đạt được.
Nếu cả hai phương án tính giá điện cùng được triển khai, dễ thấy rằng các hộ tiêu dùng ít sẽ chọn biểu giá bậc thang để hưởng các mức giá thấp, các hộ tiêu dùng điện nhiều sẽ lựa chọn phương án đồng giá để tránh hiệu ứng bậc thang làm tăng hóa đơn tiền điện.
Đặc biệt, nếu điện sinh hoạt chỉ có một mức giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng sẽ dễ dàng trong việc triển khai tính tiền điện. Song khi đó, người nghèo và người giàu trả cùng một mức giá điện. Điều này đồng nghĩa với việc các chính sách xã hội, hỗ trợ cho người nghèo của nhà nước không được thực thi khi đại đa số (tới 80%) hộ sử dụng điện sẽ phải trả cao hơn mức chi trả tiền điện hiện nay.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho rằng, quan trọng ở chỗ mức giá khi áp dụng đồng giá là bao nhiêu, cơ chế áp dụng như thế nào? Theo đó, Bộ Công Thương cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm hài hòa lợi ích hộ tiêu dùng và cân bằng tài chính cho ngành điện.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho hay, áp dụng điện một giá, ngoài việc chỉ có một phần nhỏ người tiêu dùng có lợi thì cũng không tạo ra áp lực để khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện trong bối cảnh nguồn cung điện đang gặp khó.
Hiện nay, Bộ Công Thương, EVN cũng đã có tính toán, đưa ra cải tiến biểu giá điện từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Biểu giá này đã được nhiều chuyên gia phân tích, đánh giá là rất tốt. Nó không làm tăng giá bình quân, đảm bảo cho khoảng 98,2% hộ tiêu dùng có mức tiêu dùng dưới 700kWh/tháng có mức giá điện không tăng, thậm chí còn giảm. Hơn nữa, việc cải tiến này cũng đã sát với thực tế sử dụng điện những năm gần đây, ông Thỏa nói thêm.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, những người sử dụng điện dưới 400kWh, hiện đang chiếm khoảng 70-80% tổng số lượng khách hàng, có thể vẫn sử dụng biểu giá điện bậc thang để hưởng lợi từ các bậc giá thấp. Số còn lại sử dụng nhiều điện sẽ hướng sang lựa chọn một mức giá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, phương án nào cũng sẽ có mặt được và chưa được, do vậy phải tính toán tổng thể, từ tác động xã hội, các hộ tiêu dùng, đến tổng doanh thu trên số điện thương phẩm… để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Theo Hanoimoi