Các nguyên tắc xây dựng Đảng hoàn chỉnh như ngày nay không phải được xác định ngay từ đầu. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng, cũng như quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng dần dần được tổng kết, bổ sung và phát triển qua các thời kỳ Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa
Điều lệ Đảng quy định 05 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng như sau: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất về ý chí và hành động; lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: Tự phê bình và phê bình; đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng; Đảng giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Nguyên tắc tập trung dân chủ, được xác định từ năm 1930, khi Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyên tắc này cũng chính là nguyên tắc đầu tiên cơ bản của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế.
Về nguyên tắc này, Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 nêu rõ: “Bất cứ về vấn đề nào, đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đã số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”[1].
Tháng 2/1951, Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương) tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Tại Đại hội này, Đảng Cộng sản Đông Dương ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã thông qua Điều lệ mới của Đảng Lao động Việt Nam, trong đó bổ sung nguyên tắc “tự phê bình và phê bình”.
Báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dc1 nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội do đồng chí Trường Trinh trình bày, phần xây dựng Đảng Lao động Việt Nam ghi rõ:
“Về tổ chức, Đảng Lao động Việt Nam theo chế độ dân chủ, tập trung;
…Về luật phát triển, Đảng Lao động Việt Nam dùng lối phê bình và tự phê bình…””[2]
Báo cáo cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng, củng cố và phát triển Đảng, trong đó có nhiệm vụ“Phát triển phê bình và tự phê bình, cấp trên phê bình cấp dưới, cấp dưới phê bình cấp trên; quần chúng phê bình đảng viên, đảng viên phê bình quần chúng”[3].
“ Thực hành phê bình và tự phê bình… là phương pháp duy nhất để đoàn kết và tiến bộ…Thi hành phê bình và tự phê bình cũng cốt là để sửa chữa sai lầm”[4].
Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu lần thứ II nêu rõ: “Đảng dùng phương pháp phê bình và tự phê bình một cách thường xuyên để sửa chữa những sai lầm khuyết điểm của mình và luôn luôn tiến bộ”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, được bổ sung ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9năm 1960.Về nguyên tắc này, báo cáo chính trị của Đại hội nêu rõ: “Đoàn kết thống nhất là nguồn sức mạnh to lớn của Đảng…Sự đoàn kết thống nhất của Đảng là điều kiện cơ bản để đoàn kết toàn dân, phát huy năng lực cách mạng dồi dào của quần chúng nhân dân, đưa cách mạng tới thắng lợi cuối cùng. Tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng ta”[5].
Báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội nêu rõ: “Tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đẩy mạnh phê bình và tự phê bình. Đảng phải là một khối đoàn kết thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức”[6].
Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội nêu rõ: “Đảng rất coi trọng việc tăng cường đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng, vì đó là sinh mệnh của Đảng. Đảng kiên quyết chống lại mọi hiện tượng chia rẽ, bè phái trong Đảng. Mỗi đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng “như giữ con ngươi của mắt”… tự phê bình và phê bình thành khẩn, thẳng thắn và đúng mức là một bảo đảm cho sự đoàn kết nhất trí đó”[7].
Nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân được Đảng ta bổ sung ở Đại hội X, năm 2006. Báo cáo về công tác xây dựng Đảng tại Đại hội nêu rõ các bài học về xây dựng Đảng, trong đó bài học thứ tư là “Ðảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng”. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX chỉ rõ nhiệm vụ “tăng cường quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng bổ sung nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.
Điều lệ Đảng được đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X thông qua ghi rõ: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Cũng chính vì đã bổ sung nguyên tắc này vào Điều lệ Đảng, nên vấn đề đặt ra là xây dựng một bộ luật hoạt động của Đảng đã được nhiều cơ quan và cá nhân đặt ra, nhưng Trung ương thấy không cần thiết phải xây dựng một bộ luật riêng về Đảng mà chỉ cần đưa nguyên tắc này vào Điều lệ Đảng là đủ.
Trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng trên đấy, nguyên tắc tập trung dân chủ được xác định là nguyên tắc tổ chức cơ bản, bởi vì nó quy định những nội dung cơ bản,quan trọng nhất, bảo đảm cho Đảng trở thành một tổ chức chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động; là cơ sở để phân biệt giữa Đảng Cộng sản và các đảng phái, tổ chức chính trị khác.
Nguyên tắc này được cụ thể hoá và quy định taị Điều 9, Điều lệ Đảng khóa X là: Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên của cấp đó. Giữa 2 kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương; ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (đảng ủy, chi ủy). Cấp ủy các cấp phải báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội đảng bộ cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động đến các tổ chức đảng trực thuộc; thực hiện nghiêm việc tự phê bình và phê bình. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức và đảng viên trong toàn Đảng phải phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được bảo lưu ý kiến của mình và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghị quyết, không được truyền bá ý kiến riêng của mình, trái với nghị quyết của Đảng. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi, quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của tổ chức đảng cấp trên[8].
Bình Nguyễn
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 2, tr. 9.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 12, tr. 159.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr. 164.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr. 213.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr. 639-640.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr. 703.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr. 782.
[8] Xem thêm Điều 9, Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội X năm 2006.