Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có rất nhiều người phụ nữ có công lao to lớn. Ngay từ buổi đầu chống ngoại xâm, những lãnh tụ, anh hùng đầu tiên là những người phụ nữ: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ bờ cõi, đã có nhiều người phụ nữ tỏ rõ tài năng và có những đóng góp lớn. Một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên của lịch sử, trong công cuộc mở nước về phương Nam ghi dấu ấn của 3 người phụ nữ đặc biệt: Huyền Trân công chúa, quận chúa Ngọc Khoa và công nữ Ngọc Vạn
1. Sách Đại Nam Thực lục Tiền biên chép tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lược xứ Đồng Nai. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch.
Từ những ghi chép này có thể thấy, trước khi Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn thiết lập nền hành chính ở Nam Bộ thì trên vùng đất này đã có nhiều người Việt và người Hoa sinh sống. Những nhóm lớn người Việt đầu tiên vào vùng đất này chính là từ bước chân mở cõi của một người phụ nữ: Quận chúa Ngọc Vạn.
Bà Ngọc Vạn là con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì 1613 - 1635). Kể từ khi lên ngôi, Nguyễn Phúc Nguyên đã rất quan tâm đến thắt chặt mối bang giao giữa đàng trong và Chiêm Thành, Chân Lạp. Vương quốc Chân Lạp trong khoảng thời gian này luôn nằm dưới sự thống trị của Xiêm La (Thái Lan).
Để thoát khỏi sự thống trị và chi phối của triều đình Xiêm La, sau khi lên ngôi, quốc vương Chân Lạp là Chey Chetta II (trị vì 1618 – 1628) đã cho xây dựng kinh đô mới ở Oudong và cầu thân với chúa Nguyễn. Năm 1620, quận chúa Ngọc Vạn được gả cho Chey Chetta II và bà trở thành đệ tam Hoàng Hậu nước Chân Lạp với tước hiệu cao quý là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac. Nhờ cuộc hôn nhân này, tình giao hảo giữa hai nước diễn ra tốt đẹp. Các chúa Nguyễn nhờ đó có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở Đàng ngoài, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Tại đây, bà được vua Chey Chettha II rất yêu quý, nhờ vậy, bà đã xin nhà vua cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, xin cho người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.
Tác giả Phan Khoang trong “Việt sử xứ đàng trong” cho biết: “Từ thế kỷ 17 đã có nhiều người Việt Nam đến hai xứ Đồng Nai và Mỗi Xuy của Chân Lạp (tức Biên Hòa, Bà Rịa ngày nay), để vỡ đất làm ruộng. Vua Chân Lạp Chey Chetta II muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Xiêm La nguy hiểm kia, đã xin cưới một công nữ con chúa Nguyễn làm hoàng hậu, trông mong sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa và chúa Hy Tông (chúa Sãi) có mưu đồ xa xôi, năm 1620, đã gả cho vua Chân Lạp một công nữ. Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng Chân Lạp sau này. Bà hoàng hậu đem nhiều người Việt đến, có người được giữ chức hệ trọng trong triều, bà lại lập một xưởng thợ và nhiều nhà buôn gần kinh đô”.
Đến năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prey Kôr tức Sài Gòn ngày nay và được ở đấy một sở thu thuế hàng hóa. Vua Chey Chetta chấp thuận và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn rồi lấy cớ để giúp chính quyền Miên gìn giữa trật tự, còn phải một tướng lãnh đến đóng ở Prey Kôr nữa. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành (tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay), đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất đai”.
Bia tưởng niệm tại Tháp mộ Công chúa Ngọc Vạn
Theo tác giả Trần Thuận trong sách “Nam Bộ: Vài nét về lịch sử và văn hóa” thì năm 1623, chúa Nguyễn sai một phái bộ tới Oudong. Đoàn sứ bộ của chúa Nguyễn đã đề nghị Chey Chettha II cho người Việt lập các trạm thu thuế ở Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé) và đề xuất này đã được chấp thuận bởi đây vốn là vùng đất hoang vu. Sau đó, chúa Nguyễn đã cử quan quân đến đóng đồn án giữ: “Nơi chúa Nguyễn đặt sở thuế là vùng rừng rậm hoang vắng nhưng cũng là điểm qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Campuchia và Xiêm La. Chẳng bao lâu, hai đồn thu thuế trở thành thị tứ, trên bến dưới thuyền, cảnh tượng mua bán sầm uất”. Bà Ngọc Vạn có thể xếp vào bậc “khai quốc công thần”, vì đã có công lớn khai mở vùng đất Nam bộ trù phú của nước Việt hôm nay. Từ một vùng đất hoang vu, lầy lội, dưới bàn tay và khối óc của những người Việt trong cuộc thiên di tìm về vùng đất mới ở phương Nam, sau đó là của cộng đồng người Hoa, Nam Bộ đã chuyển sang một thời kỳ phát triển mới. Người có công đầu tiên và quan trọng nhất đưa những bước chân người Việt vào vùng đất này chính là bà Ngọc Vạn. Chính Bà đẵ đặt nền móng đầu tiên để 75 năm sau (1698), vâng mệnh chúa Nguyễn, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý và xác lập nền hành chính ở Nam Bộ.
2. Năm 1628, Vua Chân Lạp Chey Chetta II băng hà khi tuổi còn trẻ. Sau khi Chey Chetta II băng hà, triều đình Chân lạp rơi vào vòng xoáy của tranh chấp quyền lực và chém giết lẫn nhau. Nhiều nhà vua bị những người trong hoàng tộc giết hại, trong đó có cả hai con của bà (theo Lương Văn Lựu trong Biên Hòa sử lược toàn biên, tập 2) đều bị giết hại. Những người khác trong hoàng tộc làm vua và vẫn tôn bà là Quốc mẫu. Bà đã ở ngôi vị thái hậu giữa cung đình xa lạ trong cảnh tranh chấp và chém giết lẫn nhau, sống giữa những người làm vua nhưng không có bất kỳ liên hệ máu mủ nào. Vì quyền lợi và sự ổn định của cả hai dân tộc, bà trở thành chỗ dựa cho những lực lượng yếu thế của Chân Lạp. Nếu như Nguyễn Hữu Cảnh, người có công thiết lập nền hành chính ở Nam Bộ được nhân dân nhiều nơi thờ cúng thì cuộc đời bà Ngọc Vạn vẫn là ẩn số đối với nhiều người. Rất nhiều người không biết cuối đời bà sống ở đâu và mất nơi nào, cũng ít có công trình, nơi thờ cúng bà.
Lịch sử chưa có những tôn vinh xứng đáng cho bà mà sử sách cũng ít nhắc tới. Đại Nam Liệt truyện tiền biên mục công chúa ghi “Chúa Sãi có bốn người con gái là: 1/ Công chúa Ngọc Liên, lấy Trấn biên doanh trấn thủ phó tướng Nguyễn Phúc Vĩnh. Phúc Vĩnh là con trưởng Mạc Cảnh Huống. 2/ Công chúa Ngọc Vạn, không có truyện. 3/ Công chúa Ngọc Khoa, không có truyện. 4/ Công chúa Ngọc Đĩnh lấy phó tướng Nguyễu Cửu Kiều. Năm Giáp Tỵ (1684, Lê Chính Hòa năm thứ 5), mùa Đông, Ngọc Đĩnh Mất”.
Trong “Généalogie des Nguyễn avant Gia Long” (Phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long) của Tôn Thất Hân và Bùi Thanh Vân (Bulletin des Amis de vieux Huế, năm 1920) cũng chỉ ghi “Ngọc Khoa con gái thứ của Sãi vương, không để lại dấu tích. Ngọc Vạn con gái thứ của Sãi vương, không có dấu tích gì về Ngọc Vạn”.
Lý giải về việc này, nhà sử học Phan Khoang trong Việt sử xứ đàng trong cho rằng “Việc này, sử ta không chép, có lẽ các sử thần nhà Nguyễn cho là việc không đẹp, nên giấu đi chăng? Nhưng nếu họ quan niệm như vậy thì không đúng. Hôn nhân chính trị, nhiều nước đã dùng, còn ở nước ta thì chính sách ấy đã đem lại nhiều lợi ích quan trọng. Đời nhà Lý, thường đem công chúa gả cho các tù trưởng các bộ lạc thượng du Bắc Việt, các bộ lạc ấy là những giống dân rất khó kiềm chế. Nhờ đó mà các vùng ấy được yên ổn, dân Thượng không xuống cướp phá dân ta, triều đình thu được thuế má, cống phẩm; đất đai ấy, nhân dân ấy lại là một rào giậu kiên cố ở biên giới Hoa Việt để bảo vệ cho miền Trung châu và kinh đô Thăng long. Đến đời Trần, chính đôi má hồng của ả Huyền Trân đã cho chúng ta hai châu Ô, Lý để làm bàn đạp mà tiến vào đến Bình Thuận. Sử ta không chép, nhưng theo các sách sử Cao Miên do các nhà học giả Pháp biên soạn, mà họ lấy sử liệu Cao Miên để biên soạn, thì quả Chey Chetta II năm 1620 có cưới một công nữ con chúa Nguyễn. Giáo sĩ Borri, ở Đàng Trong trong thời gian ấy cũng có nói đến cuộc hôn nhân này”.
Tác giả với Hòa thượng Thích Minh Chánh
3. Người viết bài này đã có may mắn được hầu chuyện Hòa thượng Thích Minh Chánh, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai và được ngài cho biết cuối đời bà Ngọc Vạn, Chân Lạp loạn to, bà theo một người cháu bên chồng chạy về Sài Gòn. Hòa thượng cho biết lúc sinh thời, bà Ngọc Vạn xinh đẹp và tài năng nên xin gì nhà vua cũng thuận. Lúc đầu bà về ẩn tu ở chùa Gia Lào nhưng phong thổ nơi ấy khắc nghiệt nên bà về tu ở Tổ đình Quốc Ân Kim Cang và qua đời tại đây. Hòa thượng cũng cho biết bà tu theo Phật giáo Nam Tông mà Phật giáo Nam Tông không có tu sĩ là nữ, vì vậy bà tu theo hạnh cư sĩ…Trước đây nấm mộ của bà bằng đất, năm 2010, Hòa thượng đã cho xây dựng tháp mộ khang trang như hiện nay trùm lên mộ đất này.
Nhận xét riêng về vai trò của bà, tác giả Trần Thuận viết: “Cuộc hôn nhân này mặc dầu không được sử nhà Nguyễn ghi chép vì một lý do nào đó. Song, xét đến cùng thì đây là một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, nó đáp ứng nhu cầu cho cả hai phía. Chân Lạp cần có sự "bảo hộ" của chúa Nguyễn để tránh khỏi sự tấn công tiêu diệt của vương quốc Xiêm. Chúa Nguyễn cần có chỗ đứng ở phía Nam, đẩy mạnh sự khai phá của lưu dân Việt trên mảnh đất khô cằn và thấp trũng mà từ lâu người Chân Lạp vẫn bỏ hoang, đồng thời tạo nên sự ổn định mặt phía Nam để rảnh tay lo đương đầu với thế lực Trịnh ở phía Bắc...Ngọc Vạn, rõ ràng là một chiếc cầu nối trong quan hệ Việt–Miên ở thế kỷ 17...Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từng có những người phụ nữ làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu,...góp phần giành giữ nền độc lập cho Tổ quốc, và cũng từng có những người phụ nữ lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như Huyền Trân, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa...Chính họ là những con người làm nên lịch sử. Đáng kính thay!”.
Cảm phục các bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, Á nam Trần Tuấn Khải có bài thơ “Cảm vịnh hai bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa” (một phần của bài vịnh này hiện được khắc trên tháp mộ bà ở Vĩnh Cửu – Đồng Nai): “Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài/ Nghìn xưa Trưng-Triệu đã từng oai/ Noi gương Khoa-Vạn, hai công chúa/ Một sớm ra đi mở đất đai./.../Cũng vì hạnh phúc của muôn dân/Vì nước, vì nhà, xá quản thân./Lá ngọc cành vàng coi nhẹ bổng,/Hiếu trung cho trọn đủ mười phân./Những tiếc riêng cho phận nữ hài,/Đem thân giúp nước há nhường trai./Vắng trang lịch sử, nào ai biết?/Người đã hy sinh vị giống nòi./Tới nay kể đã mấy tinh sương/Mượn bút quan hoài để biểu dương:/Bà Rịa, Phan Rang ngàn vạn dặm,/Công người rạng rỡ chốn quê hương”.
Trong công cuộc Nam tiến biến vùng đất Nam Bộ hoang vu trở thành vùng đất trù phú hôm nay, công lao của bà Ngọc Vạn là vô cùng to lớn. Tất nhiên, công lao cũng phải kể tới tầm nhìn xa trông rộng của các chúa Nguyễn, công lao của những người Hoa trong các nhóm di thần “phản Thanh phục Minh” và công lao của những lưu dân người Việt từ miền Ngũ Quảng. Thế nhưng, trong công cuộc Nam tiến vĩ đại này, lịch sử không có chữ nếu, nhưng thử hỏi, nếu không có bà, liệu các chúa Nguyễn có dựng nổi cơ đồ hay không?
Khi về làm hoàng hậu nước Chiêm Thành với sính lễ là hai châu Ô, Lý, Huyền Trân công Chúa luôn được sách sử đời sau nhắc tới, không mấy người Việt trải qua trường lớp lại không biết bà và đền thờ bà có ở một số nơi. Ở một số tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu…có những con đường mang tên Huyền Trân Công chúa. Còn bà - Quận chúa Ngọc Vạn, đến bây giờ vẫn chưa có một tên đường để đời sau biết đến công lao mở cõi to lớn của một người phụ nữ Việt Nam.
Trung Kiên