Nội hàm của quản trị phát triển xã hội
Quản trị phát triển xã hội chính là quá trình phát huy vai trò và sự tham gia của nhiều chủ thể (đảng cầm quyền, Nhà nước, các đoàn thể xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân...) thông qua nhiều phương thức khác nhau nhằm tích hợp sức mạnh của toàn xã hội để giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội cũng như thúc đẩy sự tiến bộ và công bằng xã hội. Quản trị phát triển xã hội gồm các yếu tố cốt lõi sau: (i) định hướng giá trị hay mục tiêu của phát triển xã hội (ii) về chủ thể, nhấn mạnh vai trò và sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau cũng như sự hợp tác, phối hợp giữa nhiều chủ thể, mà cốt lõi là nhà nước, thị trường (doanh nghiệp) và xã hội (tổ chức xã hội, truyền thông báo chí, đơn vị sự nghiệp, cộng đồng, khu dân cư và cá nhân công dân...) trong giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó vai trò của nhà nước là chủ đạo, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng; (iii) về phạm vi, tiêu điểm của quản trị phát triển xã hội chính là ngăn ngừa và hóa giải xung đột, mâu thuẫn xã hội cũng như xây dựng và kiện toàn hệ thống an toàn xã hội, cung ứng dịch vụ công cơ bản cho xã hội; (iv) về công cụ, nhấn mạnh việc sử dụng tổng hợp các công cụ về chính trị, quản lý, hành chính, pháp luật trong quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội; (v) về nguồn lực, bên cạnh nhấn mạnh nguồn lực của nhà nước còn nhấn mạnh nguồn lực của “khu vực thứ hai” (doanh nghiệp) và “khu vực thứ ba” (xã hội); (vi) về cơ sở và căn cứ, đặc biệt nhấn mạnh tư duy pháp quyền và phương thức pháp quyền trong giải quyết và xử lý các vấn đề xã hội cũng như điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Quản trị phát triển xã hội trong điều kiện chống dịch Covid-19 ở Việt Nam: thành công đáng ghi nhận
Đại dịch Covid-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2,lan truyền rất nhanh trên phạm vi toàn cầu và có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong lịch sử thế giới đương đại.Theo thống kê của WorldOmeters, tính đến 8h ngày 15/4/2020, số ca nhiễm Covid-19 tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ là 1.997.666, trong đó có 126.597 ca tử vong. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trên nhiều mặt đối với các quốc gia trên toàn thế gới, trong đó điển hình là gây thiệt hại về sinh mạng con người, sự bất ổn về kinh tế-xã hội, tình trạng bài ngoại và phân biệt chủng tộc, sai lệch về thông tin và thuyết âm mưu về virus. Đại dịch Covid-19 là một sự khảo nghiệm đối với năng lực quản trị toàn cầu cũng như năng lực quản trị quốc gia, nhất là năng lực quản trị phát triển xã hội của mỗi quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 9/4. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Y tế
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay, tuy còn nhiều khó khăn, phức tạp với những diễn biến khó lường nhưng những thành côngđáng tự hào, được cả thế giới ngưỡng vọng về mô hình chống dịch của Việt Nam cũng như tính ưu việt của chế độ ta. Những thành công của Việt Nam chủ yếu tập trung ở một số phương diện sau: (i) với các giải pháp quyết liệt “chống dịch như chống giặc” đã hạn chế tối đa trường hợp bị nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 từ đó bảo đảm tốt quyền được bảo vệ tính mạng, quyền được chăm sóc sức khỏe của nhân dân cũng như sức khỏe của cộng đồng. Tính đến ngày 15/4/2020, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam là 267 người, trong đó số đã khỏi là 169 người, số đang điều trị là 98 người. Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong do nhiễm Covid-19; (ii) quyền tiếp cận thông tin của người dân về tình hình dịch bệnh được đảm bảo; (iii) an ninh, an toàn và trật tự xã hội được giữ vững, hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu cơ bản được đảm bảo; (iii) Nhà nước và cộng đồng đã nỗ lực tối đa để bảo đảm tốt an sinh xã hội, không để một ai “bị bỏ lại ở phía sau”...; (iv) sự đồng thuận và đồng hành của người dân và xã hội đối với công tácphòng chống dịch của các cơ quan có liên quan. Như vậy, thành công lớn nhất của Việt Nam về quản trị phát triển xã hội trong điều kiện chống dịch Covid-19 đó chính là nỗ lực tối đa để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảođảm tiến bộ và công bằng xã hội trên cơ sở giữ vững sự ổn định và an toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công là cơ bản, chúng ta cũng còn một số khó khăn và thách thức, như làm thế nào để đưa ra quyết định chính sách nhanh chóng và hợp lý trong tình huống đối mặt với nhiều “nhân tố không xác định”; làm thế nào để cân bằng giữa các quyền của con người, giữa lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế; vấn đề kiểm soát thông tin giả trên không gian mạng internet; vấn đề vận dụng và thực hiện một số biện pháp về giãn cách xã hội ở một số địa phương; vấn đề chấp hành các quy định về giãn cách xã hội của một bộ phận người dân; vấn đề liên quan đến tư duy pháp quyền và sử dụng phương thức pháp quyền trong phòng chống dịch...
Một số kinh nghiệm
Thực tiễn quản trị phát triển xã hội trong điều kiện chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã cho thấy tính ưu việt và năng lực của hệ thống quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị phát triển xã hội của Việt Nam. Từ thực tiễn này, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Thứ nhất, thực hiện lấy “nhân dân làm trung tâm” trong quản trị phát triển xã hội. Nhân tố quan trọng để giúp Việt Nam có thể ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19 đó là lấy nhân dân làm trung tâm, tức lấy việc duy trì và bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, nhất là quyền được bảo vệ tính mạng, quyền sống, quyền được chăm sóc sức khỏe làm mục đích tối hậu. Chính điều này là cơ sở nền tảng để huy động được sức mạnh và sự tham gia của nhiều bên trong phòng, chống dịch. Do đó, quản trị phát triển xã hội trong điều kiện thông thường hay trong điều kiện chống dịch đều cần phải kiên định bài học: “lấy nhân dân làm trung tâm”.
Thứ hai, phát huy đúng vai trò và chức năng của các chủ thể trong mạng lưới quản trị phát triển xã hội. Có thể nói, kết cấu quản trị phát triển xã hội “Đảng lãnh đạo, Nhà nước phụ trách, xã hội hiệp đồng và công chúng tham gia” đã thể hiện rất rõ trong thực tiễn chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thưđã có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và hiệu quả đối với công tác phòng, chống dịch; Nhà nước đã đề cao trách nhiệm cũng như thực hiện đúng và có hiệu quả vai trò, chức năng của mình trong ứng phó với phòng, chống dịch, như: từ tầm nhìn chiến lược để chủ động đề ra các kịch bản khác nhau nhằm ứng phó với dịch Covid-19 ngay từ khi dịch mới xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc; thực hiện cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về tình hình dịch bệnh cho người dân; huy động và phân bổ nguồn lực cần thiết cho công tác phòng, chống dịch cũng như đảm bảo an sinh xã hội; chủ động áp dụng một loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn, nhất là thực hiện biện pháp “giãn cách xã hội”; đề ra và áp dụng triệt để các chiến lược nhằm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch...; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhà nước), đơn vị sự nghiệp công lập (nhất là hệ thống bệnh viện), báo chí truyền thông, cộng đồng, khu dân cư và cá nhân công dân từ vị trí, vai trò của mình đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch. Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ “Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư đều phải là một pháo đài phòng chống dịch" đã thể hiện một tư duy hiện đại về quản trị phát triển xã hội đó là: quản trị phát triển xã hội không phải chỉ là việc của nhà nước, mà là trách nhiệm của nhiều chủ thể khác.
Thứ ba, đồng thời với việc phát huy đúng mức nguồn lực của nhà nước, còn có sự đóng góp về nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội. Thực tiễn phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam cho thấy, nguồn lực của nhà nước có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài nguồn lực phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Nhà nước còn cung cấp gói tín dụng 1,1 tỷ USD để hỗ trợ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước còn thực hiện gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn lực Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội cũng đã có sự đóng góp nguồn lực cần thiết cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến ngày 7/4/2020, tổng số tiền, hàng mà doanh nghiệp, xã hội và người dân ủng hộ qua hệ thống Mặt trận lên tới trên 770 tỷ đồng; số tiền ủng hộ bằng tin nhắn qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là 129 tỷ đồng. Đó là chưa kể nhiều mô hình, hoạt động tình nguyện ở nhiều địa phương nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ tư, sử dụng đồng bộ các công cụ và biện pháp nhằm quản trị phát triển xã hội, cụ thể là (i) coi trọng biện pháp chính trị, cốt lõi là coi trọng sự tham gia của xã hội và người dân, cũng như nhấn mạnh trách nhiệm chính trị của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch; (ii) sử dụng hợp lý công cụ quản lý thông qua việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy hành chính theo chiều ngang, cũng như trao quyền tự chủ cho cấp dưới theo chiều dọc trên cơ sở đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của Trung ương và cấp trên; (iii) sử dụng hợp lý các biện pháp hành chính; (iv) nhấn mạnh tư duy pháp quyền và công cụ pháp luật trong quản trị phát triển xã hội; (v) coi trọng việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị phát triển xã hội cũng như kiểm soát có hiệu quả thông tin giả trên không gian mạng internet.
Thứ năm, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, nổi bật là tinh thần yêu nước; đoàn kết, tương thân tương ái; nhân nghĩa, bao dung; cần cù sáng tạo và ý chí kiên cường, bất khuất. Tính nhân văn của quản trị phát triển xã hội ở Việt Nam, của công tác phòng, chống dịch đã phát huy tốt các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Các giá trị văn hóa này không chỉ thể hiện ở sự đồng lòng, đồng thuận và đồng hành của người dân trong công tác phòng, chống dịch; mà còn được thể hiện ở nhiều hoạt động và mô hình tự quản, tự nguyện, từ thiện, nhân đạo vì an sinh xã hội của các tầng lớp nhân dân.
Thứ sáu, đặt hành động tập thể của quốc gia trong mối quan hệ chặt chẽ với nỗ lực quốc tế trong quá trình phòng, chống dịch. Ý thức trách nhiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã chia sẻ và minh bạch thông tin với cộng đồng quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời thực hiện một số hỗ trợ cần thiết đối với các nước, các tổ chức quốc tế trong phạm vi khả năng của mình.
Khuyến nghị
Thành công bước đầu của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 không chỉ cho thấy tính ưu việt của chế độ mà còn thể hiện năng lực quản trị quốc gia, quản trị phát triển xã hội của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Việt Nam đã thành công trong việc chuyển trạng thái từ quản trị trong điều kiện bình thường sang quản trị trong điều kiện “bất thường” bằng cách đề ra và thực hiện những biện pháp, công cụ phù hợp dựa trên nguyên tắc nhất quán là “lấy nhân dân làm trung tâm”. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Đặc biệt, do tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế và phải tập trung ứng phó với dịch bệnh nên nguồn lực xã hội có thể sẽ sút giảm dần nếu không có phương thức huy động và sử dụng, điều phối hợp lý trên phạm vi quốc gia. Bởi vậy, quản trị phát triển xã hội của Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau: (i) Cùng với việc kiên định, kiên trì nguyên tắc “lấy nhân dân làm trung tâm”, cần xây dựng các kịch bản sát thực để có phương thức quản trị phát triển xã hội cho phù hợp, sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh bất thường hoặc kéo dài; (ii) Trong mọi trường hợp, không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác với dịch bệnh; tuyên truyền, tạo tâm lý lạc quan nhưng không chủ quan trong nhân dân; (iii) Tiếp tục minh bạch thông tin, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế trong phòng chống dịch, đồng thời tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sái trái, luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, gây hoang mang dư luận của các thế lực thù địch; (iv) Cùng với chống dịch, tập trung đầu tư để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, biến “nguy” thành “cơ” trong phát triển kinh tế - xã hội; (v) Kiên quyết chuyển mạnh sang quản trị số, quản trị thông minh; (vi) Chuẩn bị mọi mặt cho sau dịch, nghĩa là “chuẩn bị tốt để không thất bại” và “không thất bại trong chuẩn bị” vững vàng chuyển trạng thái từ “bất bình thường” sang trạng thái “bình thường mới” khi hết dịch, tạo sự phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Bình Trọng