Sự ra đời và nội dung chính của “Quốc triều hình luật”
“Quốc triều hình luật”ra đời trong triều đại nhà Hậu Lê (sơ kỳ) – thời kỳ đất nước ta đạt đến đỉnh cao của chế độ phong kiến tập quyền. Do nhu cầu phát triển của chế độ Trung ương tập quyền, các hoạt động lập pháp của nhà Lê được đẩy mạnh nhằm xác lập sự thống trị của nhà Lê.
Các vua đầu triều đã sớm có ý thức xây dựng những quy định, và luật lệ để quản lý các vấn đề trong nước: Lê Lợi đã huy động một số đại thần soạn luật lệ về kiện tụng, về phân chia ruộng đất, về hình phạt, ân xá, … Đến thời Lê Thái Tông đã xây dựng những nguyên tắc xử các vụ án kiện cáo, hối lộ và về những hành động giao thiệp với người nước ngoài.
Đời Lê Nhân Tông đã ban hành 14 điều luật về quyền tư hữu ruộng đất. Và đỉnh cao của quá trình xây dựng hệ thống luật pháp của nhà Lê chính là việc ban hành “Quốc triều hình luật” (còn gọi là “Bộ luật Hồng Đức” hoặc “Lê triều hình luật”) dưới triều Lê Thánh Tông năm 1483.
Văn bản gốc của Bộ luật này hiện nay không còn. Bản “Quốc triều hình luật” được giữ lại cho đến ngày nay đã được các vua thời Lê mạt bổ sung ít nhiều, ban hành năm 1777 (Cảnh Hưng thứ 38). Bộ Quốc triều hình luật bao gồm 6 quyển, 722 điều:
+ Quyển 1 có 2 chương: Danh lệ (49 điều), Cấm vệ (47 điều)
+ Quyển 2 có 2 chương: Vi chế (144 điều), Quân chính (43 điều)
+ Quyển 3 có 3 chương: Hộ hôn (58 điều), Điền sản (59 điều), Thông gian (10 điều)
+ Quyển 4 có 2 chương: Đạo tặc (54 điều), Đấu tụng (50 điều)
+ Quyển 5 có 2 chương: Trá nguỵ (38 điều), Tạp luật (92 điều)
+ Quyển 6 có 2 chương: Bộ vong (13 điều), Đoản ngục (65 điều)1. “Quốc triều hình luật” là một bộ luật có tính chất tổng hợp, phạm vi điều chỉnh rất rộng và được xây dựng dưới dạng hình sự, áp dụng chế tài hình luật. Các nhà nghiên cứu thường chia nội dung của nó thành: luật Hình, luật Dân sự, luật Hôn nhân gia đình và luật Tố tụng.
Những tư tưởng tiến bộ, vượt thời đại của "Quốc triều hình luật"
Ra đời vào giữa thế kỷ XV, nhưng bộ “Quốc triều hình luật”đã đạt được giá trị và thành tựu nổi bật, có những đặc điểm tiến bộ và ưu thế hơn hẳng các bộ luật trước và cả sau nó. Thậm chí, nhiều yếu tố còn có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống luật của nước ta hiện nay.
Điều tiến bộ nổi bật nhất mà chúng ta thường đề cập đến nhiều nhất chính là sự quan tâm nhiều đến địa vị của người phụ nữ, quan tâm đến quyền lợi của họ, cho họ một sự bình đẳng tương đối đối với đàn ông trong xã hội và người chồng trong gia đình. Đó chính là yếu tố góp phần làm nên sự đặc biệt và tiến bộ đi trước thời đại của bộ luật này.
“Quốc triều hình luật” đã quan tâm bảo vệ những quyền cơ bản của con người. Mặc dù bị hạn chế bởi quan niệm giai cấp hẹp hòi, nhưng bộ luật này cũng đã đưa ra nhiều quy định bảo vệ con người, trong đó có cả việc bảo vệ những những ở tầng lớp dưới trong xã hội, như bảo vệ quyền dân chủ tự do của dân đinh, có nhiều điều quy định các hình phạt cụ thể chống lại sự nô tỳ hoá đối với dân đinh, đặc biệt là trong đó không có sự phân biệt về địa vị xã hội và bảo vệ danh dự, nhân phẩm con người. …
Tuy ra đời cách đây hơn 500 năm, nhưng “Quốc triều hình luật” đã quy định được gần như tất cả các tội danh cơ bản theo luật hình sự hiện đại9. “Quốc triều hình luật” có sự quan tâm nhiều đến việc bảo vệ các quan hệ gia đình. Có thể, các nhà lập pháp đã nhận thức rất rõ vai trò quan trong trong gia đình - hạt nhân của xã hội.
Đây được coi là bộ luật hoàn chỉnh nhất còn giữ lại được đến ngày nay trong lịch sử luật pháp phong kiến nước ta. Nó là một thành tựu đặc sắc trong lịch sử Nhà nước và pháp quyền Việt Nam. Mang bản chất gia cấp phong kiến nhưng “Quốc triều hình luật” đã thể hiện được sự kết hợp hài hài quyền lợi của giai cấp gắn với lợi ích dân tộc, thể hiện được sự điều hoà giai cấp tài tình trong xã hội Việt Nam thời kỳ Hậu Lê trong thời thịnh trị.
BKT