Lịch sử nhân loại cho thấy: Mặc dù quần chúng là người làm nên lịch sử nhưng vai trò của các vĩ nhân cũng rất quan trọng bởi những quyết định của họ có khả năng tạo ra các bước ngoặt trong tiến trình phát triển của dân tộc và nhân loại. Chân lý ấy được minh định bởi sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911 với một bản lĩnh phi thường. Bản lĩnh đó là sự hội tụ của lòng tự trọng, chất khí khái của một gia đình khoa bảng và truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, là sự trui rèn qua thực tế vô cùng phong phú và khắc nghiệt của một bậc “Đại nhân, đại trí, đại dũng”. Bản lĩnh Hồ Chí Minh trong hành trình cứu nước mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ người Việt Nam.
Nói đến bản lĩnh Hồ Chí Minh là nói đến bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh chính trị của người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất. Bản lĩnh ấy được bộc lộ qua những tố chất đặc biệt: Sự nhạy cảm với cái mới, tầm nhìn vượt trội, tư duy độc lập tự chủ, ý chí kiên cường, dũng cảm đấu tranh cho chân lý, nghị lực vượt khó... Tất cả đã được bộc lộ qua một quyết định dũng cảm phi thường là sang phương Tây tìm đường cứu nước.
Tàu Latouche-Tréville- con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh Tư liệu.
Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên khi dân tộc Việt Nam đã đắm chìm trong nỗi đau nô lệ, các phong trào kháng Pháp đều bị dìm trong biển máu. Sự bế tắc về con đường cứu nước và giai cấp lãnh đạo đã đẩy đất nước vào “tình hình đen tối tưởng chừng như không có đường ra”. Việc không chỉ Việt Nam mà hầu hết các dân tộc Á - Phi đều bị mất nước đã làm nảy sinh các câu hỏi: Vì sao phương Đông từng là “cái nôi văn hóa” của loài người mà nay lại bị phương Tây đô hộ? Vì sao Pháp đã giương cao ngọn cờ “Tự do, bình đẳng, bác ái” nhưng lại đi cướp tự do và chà đạp lên quyền bình đẳng của các dân tộc khác? Vì sao giai cấp phong kiến Việt Nam từng đánh bại bao cuộc xâm lăng từ phương Bắc nhưng giờ đây lại bất lực trước sức mạnh của phương Tây? Vì sao giai cấp tư sản Việt Nam không đủ sức lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc?...
Không thể trả lời những câu hỏi đó nếu chỉ ngồi ở Việt Nam, nếu thiếu một tầm nhìn thời đại. Với bản lĩnh độc lập, tự chủ, Nguyễn Tất Thành không bị lệ thuộc vào ý kiến của người khác mà muốn tự kiểm chứng thực tế. Tuy nhiên, hướng đích của Người không phải là Trung Quốc như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thượng Hiền, cũng không phải là Nhật Bản như Phan Bội Châu mà là phương Tây, trước hết là Pháp. Người lý giải: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái... Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn náu đằng sau những chữ ấy”[1]và “sau khi xem xét họ làm như thế nào”, Người sẽ trở về giúp đỡ đồng bào.
Bến Nhà Rồng - nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Văn Ba bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh Tư liệu.
Lý do của việc lựa chọn một hướng đi mới xuất phát từ một suy nghĩ đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc: Muốn thắng được kẻ thù thì phải hiểu kẻ thù ở nơi sào huyệt của nó và phải thắng nó bằng sức mạnh của tri thức, sức mạnh của thời đại chứ không đơn thuần bằng lòng yêu nước và chí căm thù giặc. Chính sự nhạy cảm với cái mới đã thúc giục Nguyễn Tất Thành tìm đến nơi có trình độ phát triển cao hơn để học hỏi. Không chỉ là một nước tư bản phát triển, Pháp còn là một nước đế quốc có diện tích thuộc địa rộng gấp 19 lần diện tích của nước Pháp. Ở nước Pháp, Nguyễn Tất Thành vừa có thể tìm hiểu bản chất của chế độ tư bản, sức mạnh của văn hóa phương Tây, vừa biết rõ các dân tộc trong khối thuộc địa của Pháp có đời sống ra sao, họ đã chống chủ nghĩa thực dân như thế nào, để từ đó, tìm ra câu trả lời về con đường cứu nước.
Với suy tính sâu xa như thế, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành với cái tên mới là Văn Ba đã xuống tàu sang Pháp. Bằng việc làm này, Nguyễn Tất Thành không chỉ vượt qua lối mòn của các bậc tiền bối mà còn vượt qua tư tưởng “nội Hoa, ngoại di” có từ lâu đời và lý thuyết Đại Đông Á đang thịnh hành lúc đó. Điều khác biệt không chỉ nằm ở hướng đi mà còn ởmục đích ra đi. Nếu các bậc tiền bối muốn đi cầu viện thì Nguyễn Tất Thành muốn tiếp cận với văn minh Pháp, tìm hiểu bản chất của xã hội tư bản và cơ chế vận hành của nó để tìm cách thoát khỏi sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Với tinh thần độc lập, tự chủ, Người muốn tự mình kiểm chứng thực tế và tìm ra câu trả lời ở chính phương Tây. Đó là một tư duy hết sức táo bạo.
Bản lĩnh của Nguyễn Tất Thành còn thể hiện cả trong cách đi: Một chàng trai xứ Nghệ 21 tuổi, với vốn tiếng Pháp tối thiểu và sự hiểu biết xã hội chưa nhiều, không có người thân quen đồng hành, không có nguồn tài trợ đã quả quyết lên tàu sang phương Tây bằng con đường lao động. Người đã chọn nghề thủy thủ (mà thực tế là người lao động trên con tàu của Pháp) để được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa để mở rộng tầm mắt. Bằng trực cảm và sự thận trọng mang dấu ấn của một thiên tài, Người đã hành động theo nguyên tắc mà như V.I.Lênin đã chỉ dẫn: “Chỉ có dựa trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm của một thời đại, chúng ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước nọ”[2]. Sự thấu hiểu tình hình thế giới đã giúp người thanh niên Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước thuận chiều lịch sử.
“Khi ta còn là hạt bụi, Người đã lên tàu ra đi”. Con đường đi đến thành công của bất cứ ai cũng đều không dễ dàng; hành trình cứu nước càng là vấn đề trọng đại. Để trở thành người thay đổi vận mệnh dân tộc và góp phần làm nên lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã thể hiện ý chí “dời non, lấp bể” và trí tuệ xuất chúng. Những thử thách mà không ngôn từ nào diễn tả hết chỉ càng tôi luyện bản lĩnh phi thường của Người. Hồ Chí Minh trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống bởi Người đã trải qua những hành trình huyền thoại mà 30 năm hoạt động quốc tế (1911-1941) là một minh chứng sinh động nhất. Sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước mãi mãi là “mốc son” trong lịch sử dân tộc và đem đến cho các thế hệ người Việt Nam niềm xúc động và nguồn cảm hứng lớn lao.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t., tr. 461.
[2]V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M,1980, t.26, tr.174.
An Thư