Từ ngày 13/4, Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) thực hiện công việc khử khuẩn tại Trung tâm cách ly tập trung phòng chống bệnh Covid-19 tại ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM thay cho một bộ phần nhân viên y tế tại đây, giúp đội ngũ này tránh tiếp xúc trực tiếp với môi trường truyền nhiễm.
Đây là một trong hai robot khử khuẩn do nhóm nghiên cứu Robotics của trường ĐH Tôn Đức Thắng chế tạo ra. Nhóm này gồm các giảng viên ở Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng; giảng viên, học viên cao học, sinh viên khoa điện-điện tử của trường.
Theo TS Dương Thị Thùy Vân, Trưởng nhóm nghiên cứu Robotics - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng Trường ĐH Tôn Đức Thắng: "Được tin trường chế tạo thành công robot khử khuẩn, Hội Chữ thập đỏ Quận 9 (TPHCM) đã có công văn gửi trường đề nghị hỗ trợ robot này cho công tác phòng chống Covid-19 tại khu cách ly Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM. Lãnh đạo trường đã đồng ý và robot CD 1.0 đã chính thức được bàn giao cho Sở chỉ huy của Trung tâm”.
Được biết, robot khử khuẩn CD 1.0 hoạt động ở khu vực chịu được nước, khử khuẩn bằng phương pháp phun hóa chất dạng dung dịch. Theo Tiến sĩ Vân, Robot khử khuẩn này ra đời với mục đích thay thế con người, giảm thiểu rủi ro cho nhân viên y tế trong quá trình tác nghiệp tại các khu cách ly hoặc bệnh viện, đặc biệt là trong công cuộc chống dịch Covid-19.
Cũng theo bà Vân, trong mùa dịch này thì khả năng ứng dụng của robot này rất rõ ràng, có thể khử khuẩn ở bất kỳ các khu vực nào mà cần khử khuẩn, diệt khuẩn như bệnh viện, các khu vực cách ly, cơ quan công sở bị nghi ngờ có nguồn nhiễm. Robot với trang bị vi điều khiển STM34F4, cấu hình mạnh và tính năng vượt trội được điều khiển từ xa với khoảng cách tối đa đến 2.000 mét. Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép dễ dàng quan sát và điều khiển thông qua cuộc gọi video.
Cánh tay robot là vòi phun thuốc, có khả năng chuyển động lên, xuống, qua trái, qua phải. Hai bên thân của robot còn được gắn hai vòi phun và trong quá trình di chuyển có thể phun thuốc ra hai bên, phía trước, phía trên và cả dưới mặt sàn. Độ xa phun ra từ thân robot ra hai bên là khoảng 1 mét phía trước, phía trên là khoảng 2 mét nên robot chỉ cần di chuyển 1 lượt là có thể khử khuẩn hoàn toàn khu vực sảnh, hành lang, phòng bệnh của các khu cách ly và bệnh viện.
Ngoài ra, nếu Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh thì robot này cũng sẽ được phát triển thành những robot có những tính năng khác. Ưu điểm của Robot khử khuẩn CD 1.0 có tải trọng rất lớn tới 170 kg, có thể phát triển nó để vận chuyển các trang thiết bị y tế, đi vào khu vực không gian hẹp, tránh người tiếp xúc, hoặc có thể phát triển thành robot cứu hộ cứu nạn. Trong hỏa hoạn, robot sẽ đi vào khu vực hỏa hoạn để cứu người. Hoặc nếu ta thay dụng dịch thuốc đó thành CO2 thì nó sẽ trở thành robot cứu hỏa. Nhóm khi chế tạo đều nghĩ tới công năng sử dụng của nó, các module là lắp rời nhau. Cho nên, muốn nó trở thành robot cứu hộ cứu nạn, khi đó ta lấy module khử khuẩn ra, thay vào đó là giá đỡ để người có thể ngồi lên và thoát ra khu vực bị nạn.