Giữ lửa lòng nhân ái
“7 giờ tối, ngôi nhà vừa được dựng xong, chị H Kliă Niê cùng 4 đứa con ra chụp ảnh kỷ niệm cùng các bạn tình nguyện viên. Khi đó, chị không ngăn được những giọt nước mắt, chị bảo vì hạnh phúc quá, làm mọi người trong nhóm cay cay khóe mắt”, anh Nguyễn Duy Học, chủ nhiệm Nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” nhớ lại một trong những hoàn cảnh mà nhóm anh giúp đỡ.
Anh Học và trẻ em ở các thôn, buôn vùng sâu tỉnh Đắk Lắk |
Ngôi nhà của 4 mẹ con chị H Kliă Niê (xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) bị gió cuốn bay, nên phải ở tạm trong căn chòi bếp 9m2. Chồng chị bỏ đi lấy vợ khác. Từ đó, chị vừa là mẹ, vừa là cha, làm thuê khắp nơi để kiếm tiền nuôi con, trang trải cuộc sống... Những đứa trẻ thương mẹ cũng đỡ đần gánh nặng mưu sinh nên dang dở chuyện học hành. Khi được nhóm dựng lại nhà mới, người đàn bà khắc khổ ấy hạnh phúc, xúc động nói không thành lời.
Anh Học chia sẻ, ẩn khuất ở các buôn làng vùng sâu, còn rất nhiều hoàn cảnh cơ cực đáng thương. Những năm qua, nhóm anh sửa gần 20 ngôi nhà, và dựng 4 ngôi nhà mới cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ít ai ngờ, sứ giả yêu thương mang trái tim tình nguyện là một người sinh ra có đôi bàn chân và tay bị khoèo. Ấy vậy mà hơn 10 năm qua, chàng trai ấy chưa bao giờ dừng bước trên hành trình thiện nguyện. Trên chiếc xe máy 3 bánh, anh Nguyễn Duy Học cùng tình nguyện viên đã đi hàng trăm cây số để khảo sát, xin phép chính quyền địa phương, vận động kinh phí, huy động tình nguyện mang đến những giá trị yêu thương cho những hoàn cảnh khó khăn nơi vùng đất nắng gió đại ngàn này.
Anh Học tâm sự, gia đình có bốn chị em, anh là con thứ hai, anh không may bị dị tật bẩm sinh. Đôi bàn chân và tay không được lành lặn như mọi người. Bố anh là quân nhân, hiện là thành viên của hội nạn nhân chất độc da cam, mẹ là thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới tại tỉnh Đắk Lắk, đã nghỉ hưu.
Khi còn đi học chuyên ngành tin học tại một trường đại học ở Đà Nẵng, anh Học tham gia các hoạt động dạy học cho trẻ em khuyết tật tại một số trung tâm.
Sau này về Buôn Ma Thuột, có công việc ổn định, anh vẫn tranh thủ dạy máy tính cho trẻ mồ côi. Có đợt, anh thuê nhà ở gần bệnh viện đa khoa tỉnh. Tối rảnh anh lang thang trong bệnh viện, tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi, niềm đam mê thiện nguyện trong anh lớn dần lên. Năm 2012, anh cùng những người bạn chung chí hướng thành lập nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” và tổ chức chương trình nấu cơm và phát cơm miễn phí cho người bệnh nghèo.
Lan tỏa hơi ấm tình người
Những công việc thiện nguyện đã đưa anh đến vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên, chứng kiến những số phận, mảnh đời khốn khó nơi buôn nghèo. Ở đó, có những lớp học bàn ghế đã xiêu vẹo, mùn ván khiến các em bị ngứa. Sau mỗi chuyến đi, anh muốn giúp đỡ học sinh nghèo vùng sâu khó khăn. Chính vì thế, Dự án sửa chữa bàn ghế được nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” triển khai.
“Có những điểm trường cách trung tâm 200km, như trường THCS Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông). Hôm ấy trời mưa tầm tã, các bạn tình nguyện viên dậy và đi từ 4 giờ sáng, mặc áo mưa chạy hàng trăm cây số. Đến nơi hơn 9 giờ, các bạn bắt tay vào công việc ngay”, anh Học kể.
Trong khuôn viên những ngôi trường nhóm anh Học đến, không khí náo nhiệt bởi tiếng nói cười và âm thanh chà nhám mặt bàn, hàn xì gia cố, cắt gỗ, cắt sắt, sau đó là bắn vít lắp mặt bàn mới. Ngoài tình nguyện viên, hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh cùng phụ vác bàn ghế từ các phòng xuống để sửa. Tất cả mọi người tất bật cùng nhau làm việc từ sáng đến 5 - 6 giờ chiều.
Các em học sinh hạnh phúc khi được tặng sách vở và áo trắng |
Nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” có khoảng 50 thành viên là đoàn viên thanh niên và học sinh. Từ năm 2018 đến nay, tình nguyện viên của Nhóm đã đóng mới và sửa chữa hơn 3.000 bộ bàn ghế ở 30 ngôi trường vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Những tháng ngày rong ruổi về xã vùng sâu trong cái lạnh tê tái, hay trong cái nắng nung bỏng rát, ở không ít buôn làng, những đứa trẻ mỏng manh trong chiếc áo sờn màu, những đôi bàn chân nứt nẻ, có những em không có một đôi dép lành lặn. Mang theo lòng trắc ẩn đó, trên hành trình đến với người khó, khổ, anh Học đều ân cần, gửi đến họ món quà mình góp nhặt từ niềm yêu thương của nhiều người bằng sự trân trọng.
Trước thềm năm học 2023, Nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” phối hợp cùng Huyện Đoàn Krông Bông và một số đơn vị tổ chức chương trình “Cùng em đến trường” tại xã Cư Đrăm. Tại chương trình, đoàn đã trao tặng hàng trăm bộ sách giáo khoa, áo trắng, cặp và bánh kẹo cho các em học sinh khó khăn. Người phụ nữ dân tộc Mông nơi đây với nụ cười tươi rói khi nhận phần quà từ chương trình này. Trên khuôn mặt rám nắng của chị ánh lên niềm hạnh phúc. Được biết, con bị gãy tay, chị thay con lên nhận sách vở và áo trắng. Với cuộc sống của người dân ở xã vùng sâu cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 80 km, đây là phần quà rất ý nghĩa khi con chuẩn bị vào năm học mới.
Sau khi nhận quà, nhìn khuôn mặt rạng rỡ, hồn nhiên, đôi mắt trong veo của các học sinh dân tộc thiểu số, các tình nguyện viên không giấu được xúc động. Nhiều tình nguyện viên trong Nhóm nói rằng, mỗi chuyến đi tình nguyện là một lần để các bạn trẻ trải nghiệm và tích lũy cho mình những giá trị của cuộc sống, để biết rằng ở đâu đó vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn rất cần sự chia sẻ của cộng đồng.
Suốt hơn 10 năm, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Duy Học đã truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt các bạn trẻ.
Hiện tại, anh Học đang làm nghề chụp ảnh, dựng phim như: đám cưới, kỷ yếu …. Trước đây anh mở quán bán trà sữa và cà phê. Bao năm nay, mỗi tháng anh đều dành 4-6 ngày rong ruổi khắp các thôn buôn vùng sâu xa tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về các em nhỏ, những người yếu thế với tình cảm ấm áp.
Nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” là một trong những tập thể được nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2019. Trong năm 2020, nhóm được nhận bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam.
Nguồn Tiền phong