Trong hơn 16 tháng sau Cách mạng tháng Tám, cách mạng Việt Nam được ví ở thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Chính trong những năm tháng ấy, Đảng đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của mình với quan điểm cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược. Một trong những sự kiện thể hiện sự mềm dẻo về sách lược đó là tuyên bố Đảng Cộng sản Đông Dương tự ý giải tán
Ngày 11/11/1945, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Tuyên bố tự ý giải tán. Tuyên bố không phải không gây bất ngờ, thậm chí chưa đồng thuận trong Đảng viên toàn Đảng, nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh đây là sách lược khéo léo, tài tình của Đảng trong bối cảnh chính trị hết sức phức tạp lúc bấy giờ.
Vậy tại sao Trung ương Đảng lại tuyên bố Đảng Cộng sản Đông Dương tự ý giải tán ?
Tránh mũi nhọn của các thế lực thù địch trong và ngoài nước
Sau Cách mạng Tháng Tám, các lực lượng Đồng Minh kéo vào nước ta giải giáp quân đội Nhật. Theo thoả thuận tại Hội nghị Posdam (7/1945), từ cuối tháng 8/1945, các đơn vị đầu tiên của quân đội Trung Hoa dân quốc bắt đầu kéo quân vào miền Bắc Việt Nam với danh nghĩa Đồng minh vào làm nhiệm vụ tiếp nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật. Quân đội Trung Hoa dân quốc vào Việt Nam với âm mưu “diệt cộng, cầm Hồ”, lật đổ Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu, giúp lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội lật đổ chính quyền cách mạng, thành lập một chính phủ thân Quốc dân đảng Trung Hoa ở Việt Nam.
Ở phía Nam vĩ tuyến 16, với danh nghĩa Đồng Minh vào giải giáp vũ khí phát xít Nhật, quân đội Anh kéo vào nước ta. Đi theo quân Anh còn có một đại đội thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5e RIC) là tiền trạm cho đạo quân viễn chinh Pháp. Được sự che chở, dung túng của quân Anh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc tái chiếm Việt Nam.
Đồng thời, các thế lực phản động trong nước và ngoài nước ra sức phá hoại chính quyền còn non trẻ. Hàng chục tổ chức chính trị, đảng phái được thành lập.
Đặc biệt, có hai đảng phái chính trị từ nước ngoài trở về theo đội quân Trung Hoa dân quốc là Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc) và Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) ra mặt chống phá chính quyền cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số nhân sĩ, trí thức trong Chính phủ mới (Ảnh tư liệu)
Đoàn kết dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ trong nước và ngoài nước, xây dựng chính phủ liên hiệp rộng rãi
Ngay từ trước cách mạng tháng Tám, Ủy ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời được thành lập tại Quốc dân Đại hội Tân Trào đã thể hiện điều đó.
Sau cách mạng tháng Tám, trong thành phần Chính quyền cách mạng từ cấp Xứ đến cấp tỉnh, nhất là tại Hà Nội, đã quy tụ nhiều nhân sĩ trí thức thuộc các giai cấp, tầng lớp khác nhau, thể hiện chính quyền là đại diện của các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị…
Tuyên bố giải tán Đảng còn nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt là lực lượng Đồng minh. Chỉ trong hai năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, 3 thư và điện gửi Ngoại trưởng James Byrnes.
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có thư điện, gửi các nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc, các cường quốc, như Anh, Liên Xô, Tướng De Gaul, đại diện phe kháng chiến của Pháp, lãnh đạo Đảng Xã hội Pháp…
Trong các bức thư gửi lãnh đạo tổ chức quốc tế và lãnh đạo các quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự mong muốn Tổ chức quốc tế lớn nhất là Liên hiệp quốc cũng như các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ, nước có ảnh hưởng lớn nhất tại Liên hiệp quốc, ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và thịnh vượng, chung sống hòa bình với tất cả các quốc gia, dân tộc.
Những nguy cơ của việc Đảng tuyên bố tự ý giải tán
Việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự ý giải tán tạo ra tâm lý băn khoăn trong một số cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cấp cao. Trong cách hiểu của họ, Đảng đã dày công, đã hy sinh xương máu trong hơn 15 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh giành chính quyền. Đến khi thắng lợi, Đảng lẽ ra phải củng cố, xây dựng, tăng cường sự lãnh đạo của mình, lại khá bất ngờ tuyên bố tự ý giải tán. Điều này thực sự gây tâm lý băn khoăn, lo lắng cho một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Đảng tuyên bố tự ý giải tán cũng tạo nguy cơ mất tư cách pháp nhân lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Một Đảng vừa lãnh đạo nhân dân cả nước giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại tuyên bố giải tán như vậy, có nguy cơ mất tư cách pháp nhân Đảng cầm quyền.
Chủ trương phát triển Đảng chững lại tại một số địa phương . Một số địa phương hiểu không đúng chủ trương giải tán Đảng, tuy có tiến hành thành lập Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, nhưng hầu như các công tác Đảng bị đình trệ, nhất là công tác phát triển Đảng, nên cuối năm 1945, đầu năm 1946, mặc dù thanh thế Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương lên rất cao, số lượng đảng viên tăng rất chậm, nhiều đảng bộ tỉnh chỉ phát triển được vài đảng viên trong một tháng.
Với việc tuyên bố tự ý giải tán, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chịu sức ép lớn. Chúng ta nhớ rằng trong những năm 1938-1939, Nguyễn Ái Quốc đã có những năm tháng truân chuyên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Giờ đây, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tuyên bố tự ý giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương cũng không khỏi gây thắc mắc cho những nhà lãnh đạo Liên Xô, lúc này đã thay vai trò của Quốc tế Cộng sản (giải tán năm 1943) lãnh đạo Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Có thể thấy điều này trong quan hệ Liên Xô-Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những năm 1945-1950, Liên Xô không sớm công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cách mạng Việt Nam phải đơn độc “chiến đấu trong vòng vây” của chủ nghĩa đế quốc.
Sau chiến thắng Biên Giới, quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa mở ra, nhưng sự giúp đỡ và ủng hộ cách mạng Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ. Liên Xô vẫn còn nghi ngờ, không muốn đón tiếp Hồ Chí Minh. Trước tình hình bệnh dịch sốt rét phổ biến ở căn cứ địa, nhu cầu thuốc ký ninh rất lớn, Việt Nam xin viện trợ 1 tấn thuốc chữa sốt rét ký ninh, Liên Xô, mặc dù có thể viện trợ lớn hơn nhiều số lượng đó, nhưng chỉ đồng ý viện trợ 500 kg. Ngoài ra, Liên Xô cũng gây sức ép Việt Nam thực hiện cải cách ruộng đất, không muốn đón tiếp Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên Xô với tư cách người lãnh đạo một quốc gia độc lập, tự chủ.
Đại hội II của Đảng (1951) quyết định đưa Đảng ra công khai với tên mới
Đảng Lao động Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Ý nghĩa của tuyên bố tự giải tán
Cái được của sự kiện tuyên bố Đảng tự ý giải tán lớn hơn nhiều.
Chúng ta đã xây dựng được Chính phủ liên hiệp rộng rãi, quy tụ được nhiều nhân sĩ trí thức có trình độ và uy tín trong và ngoài nước.
Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập ngày 2/3/1946, thành phần không đảng phái và các đảng phái chính trị khác chiếm tới 3/4 chính phủ.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công du Pháp về, nhiều trí thức tại Pháp đã theo người về nước tham gia chính quyền, tham gia kháng chiến đóng góp cho đất nước, tiêu biểu là Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân…
Việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự ý giải tán tránh được mũi nhọn của các thế lực thù địch. Các thế lực thù địch, nhất là các Đảng phái phản động thân Trung Hoa dân quốc không còn cớ để hô hào chống phá chính quyền mới. Luận điệu của các thế lực thù địch là không ủng hộ một chính phủ do Đảng cộng sản nắm quyền. Vì vậy, trên danh nghĩa, các thế lực phản động không thể hô hào chống phá một chính phủ liên hiệp có đủ người của các đảng phái chính trị lớn, với nhiều nhân sĩ trí thức có tên tuổi, đại diện cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Các thế lực chống phá chế độ lộ dần bộ mặt phản động, bị quần chúng tẩy chay.
Thực chất có phải Đảng Cộng sản Đông Dương giải tán không ?
Việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự ý giải tán chỉ là vấn đề sách lược. Trên thực tế Đảng rút vào hoạt động bí mật. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích tại Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng.
Lúc này, Đảng ta không thể do dự, Đảng phải quyết đoán mau lẹ, phải sử dụng những biện pháp, dù là biện pháp đau đớn để cứu vãn tình thế. Ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố “tự giáỉ tán”. Vì muốn hoàn thành nhiệm vụ vĩ đại giải phóng dân tộc, thì sự đoàn kết nhất trí của toàn dân không phân biệt giai cấp, đảng phái là điều kiện cốt yếu. Việc Đảng ta tuyên bố “tự giải tán”, thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa là Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác chỉ là sách lược, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo trong thời kỳ đất nước đang diễn ra cuộc đấu tranh dân tộc quyết liệt.
Đảng Cộng sản Đông Dương không giải tán, chỉ rút vào bí mật, nên tháng 3/1951, không thành lập Đảng cộng sản mới.
Tháng 3/1951, Đảng ra công khai với tên Đảng Lao động Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết liệt
Tuyên bố tự ý giải tán nhưng thực chất Đảng rút vào hoạt động bí mật, tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác tại Đông Dương.
Đảng không hề từ bỏ vai trò lãnh đạo cách mạng mà dân tộc và giai cấp giao phó, mà vẫn bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự ý giải tán, mặc dù có gây ra một số ảnh hưởng nhất định nhưng thực tế cho thấy sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh khó khăn sau Cách mạng tháng Tám, khi nước Việt Nam mới trong thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Cuối năm 1945-đầu năm 1946, sách lược hòa để tiến được nâng lên tầm cao mới. Thực hiện chủ trương "Hòa để tiến", lúc thì chúng ta tạm hòa hoãn với Trung hoa dân quốc trên miền Bắc để "rảnh tay" kháng chiến thực dân Pháp ở miền Nam, lúc thì tạm hòa hoãn với Pháp để “đuổi” gần hai chục vạn quân đội Trung hoa dân quốc ra khỏi đất nước và quét sạch lực lượng phản động tay sai người Việt. Chủ trương hòa hoãn đã tranh thủ được thời gian để xây dựng và phát triển lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.
Bình Nguyễn