Những chiếc khăn rằn đủ màu sắc trở thành phụ kiện đẹp, độc đáo cho các bạn trẻ
ẢNH: DUY TÂN
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất có làng nghề dệt choàng Long Khánh nổi tiếng với sản phẩm khăn rằn Nam bộ, chị Như cảm nhận sâu sắc về giá trị và ý nghĩa của chiếc khăn rằn. Vì vậy, khi làng nghề đứng trước nguy cơ mai một, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ vì thị hiếu người dùng thay đổi… khiến chị ray rứt và mong muốn tìm cách lưu giữ bản sắc, giá trị văn hóa quê hương, xứ sở.
Tháng 8.2015, chị tham gia câu lạc bộ “Thanh niên với đặc sản Đồng Tháp”, đoạt giải nhì về ý tưởng bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt choàng. Nhận thấy khăn choàng là sản phẩm có rất nhiều công dụng nên chị quyết định cải tiến mẫu mã.
“Thời điểm đó cũng là lúc tôi nghĩ ra hướng duy trì và nâng cao giá trị sử dụng khăn rằn bằng cách sử dụng chất liệu vải từ làng nghề truyền thống để làm ra nhiều sản phẩm thời trang, chủ yếu phục vụ giới trẻ”, chị Như cho biết.
Theo chị Như, chiếc khăn rằn là kết tinh của sự cần cù, óc sáng tạo và sự khéo léo. Để có chiếc khăn hoàn chỉnh, phải lựa chọn những sợi chỉ có độ mềm và độ chắc đạt chuẩn. Sau đó là chọn màu cho khéo để khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra sản phẩm đẹp. Công đoạn quan trọng nhất là dệt và phải khéo léo, thận trọng đến từng mũi chỉ.
Ban đầu, chị Như gặp nhiều khó khăn do loại vải này có nhược điểm là sợi chỉ dễ bị bung, nếu cải biến thành sản phẩm may mặc là không dễ chút nào. Hơn nữa, nhiều người khó chấp nhận việc lấy chiếc khăn rằn một thời chỉ dùng đội đầu, nay đem may áo quần, phụ kiện. Sau nhiều tháng mày mò, thử nghiệm nhiều công thức khác nhau, cuối cùng chị cũng tìm được cách khắc phục. Từ đó, việc may mặc dễ dàng hơn và sản phẩm chiếm ưu thế vượt trội.
Để sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, chị đăng ký tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Mong muốn sản phẩm đạt độ bền và thể hiện nét độc đáo, chị dồn hết tâm sức, khéo léo chọn lựa từ cây kim, sợi chỉ, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng để thiết kế kiểu dáng, kết nối thị trường nhằm tạo đầu ra ổn định.
Hiện nay, từ chất liệu chiếc khăn rằn truyền thống, chị Như đã biến tấu thành những sản phẩm vô cùng đẹp mắt và được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng như: áo dài, áo đầm, cà vạt, túi xách thủ công... Mỗi tháng, chị đều nhận được đơn hàng từ vài trăm đến hàng ngàn khăn rằn và đồ thời trang để cung cấp cho các đơn vị trong, ngoài nước. Giá bán dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng mỗi sản phẩm, nhờ đó chị có nguồn thu nhập khá cao.
Nguồn Thanhnien.vn