Hiện, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước ta là 271. Đã bước sang ngày thứ 20, Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Trước đó, ngày 24/4, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 đều là du học sinh từ Nhật Bản về, được cách ly ngay khi nhập cảnh. 9 ngày sau vào chiều 3/5, Việt Nam ghi nhận thêm một trường hợp mắc mới là chuyên gia dầu khí người Anh, cũng được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, do đó, không có yếu tố lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, tính đến 6h00 ngày 6/5, Việt Nam có 131 ca mắc COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 34.097, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 245
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.293
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 23.559
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi/cho xuất viện 232 bệnh nhân COVID-19, chiếm 86% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta. Hiện 39 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.
Về sức khoẻ của các bệnh nhân COVID-19 nặng là BN161 và BN19 hiện đang tiến triển tốt lên. Cả hai bệnh nhân này hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
+ BN161: Hiện đang chuyển trạng thái hồi phục, có dấu hiệu sinh tồn ổn định, bệnh nhân đã ăn uống được, đang tiếp tục tập phục hồi chức năng. Kết thúc giai đoạn điều trị COVID-19, tiếp tục điều trị phục hồi tai biến mạch não tại Khoa điều trị Hồi sức tích cực.
+ BN19: Bệnh nhân hồi phục tốt, chuyển từ tình trạng nguy kịch sang tình trạng nặng. Bệnh nhân này đã cai thở máy từ ngày 4/5/2020, đáp ứng tốt. Bệnh nhân đã tỉnh và giao tiếp tốt, trong ngày không sốt.
Riêng bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch.
Hiện bệnh nhân nằm yên/an thần, không sốt. tràn khí màng phổi phải, chảy máu nơi ống dẫn lưu màng phổi lượng 300ml, màu hồng lợt, không ghi nhận chảy máu nơi khác.
Siêu âm tim phổi: tim co bóp đồng bộ, phổi phải còn tràn khí màng phổi, có tràn dịch không thuần nhất lượng rất ít, phổi co nhỏ khoảng 4 khoang liên sườn. phổi trái nhiều Bline hơn mặt trước, mặt bên. không tràn dịch màng phổi trái. Xét nghiệm SARS-CoV-2 gần đây nhất cho kết quả âm tính. Bệnh nhân đang điều trị Kháng sinh: Ceftazidim (N15), Levoflox (N8).
Bệnh nhân 91 cũng đã trải qua 49 ngày điều trị. Hiện bệnh nhân đang được hỗ trợ hô hấp/ mở khí quản (N13); bệnh nhân 91 cũng đang can thiệp ECMO (ngày thứ 31). Bệnh nhân vẫn lọc máu, kiểm soát rối loạn đông máu, dẫn lưu khí màng phổi phải.
Tính đến sáng ngày 6/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, hiện đã có 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Chia sẻ về những ca tái dương tính được điều trị thời gian qua, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, những bệnh nhân tái dương tính khi quay trở lại bệnh viện không có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào, hoàn toàn khỏe mạnh, ăn, ngủ bình thường.
Do đó, các bác sĩ không phải dùng thuốc điều trị cho những bệnh nhân này, chỉ cách ly, theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm và nuôi cấy vi rút. Hiện kết quả nuôi cấy vi rút của mẫu bệnh phẩm các trường hợp tái dương tính cũng cho thấy không có sự hoạt động của vi rút SARS-CoV-2 (vi rút bất hoạt hay xác vi rút).
Những ca tái dương tính hoàn toàn không phải là người lành mang trùng như một số chuyên gia nhận định, bởi vì người lành mang trùng thì vi rút phải sống, quá trình nuôi cấy phải cho thấy vi rút còn phát triển.
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm sau để phòng chống COVID-19:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế
SKĐS