Thân cây chuối cũng có thể làm được túi xanh đẹp ngỡ ngàng
HOA NỮ
Với mong muốn có thể tận dụng hết được tiềm năng của thân cây chuối khi đã khai thác, nên ngoài việc sáng tạo ra những túi xách đẹp ngỡ ngàng, nhóm còn nghiên cứu làm phân bón hữu cơ từ thân cây chuối.
Nhóm sinh viên gồm Cao Nguyễn Tuyết Ngân, Huỳnh Anh Bảo (đồng trưởng nhóm) và hai thành viên là Phạm Thị Nhật Hạ và Nguyễn Ngọc Lan Anh. Tất cả thành viên nhóm đều là sinh viên ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Văn Lang.
Đại diện nhóm, Tuyết Ngân cho biết trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, nhóm biết được ở VN diện tích trồng chuối trong cả nước là 140,2 ngàn ha và sản lượng là 2.066,2 ngàn tấn. Và tính cấp thiết hiện nay là bình quân 1 ha chuối sẽ có khoảng 1.700 - 2.000 thân cây chuối mẹ thải loại sau mỗi vụ thu hoạch.
Cùng với đó, vào thời điểm năm 2018 - 2019, câu chuyện “giải cứu chuối già” ở tỉnh Đồng Nai đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận, cũng là lúc nhóm nghiên cứu của Tuyết Ngân bắt đầu đi vào nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của TS.Vũ Thị Quyền (Trưởng ngành công nghệ sinh học, khoa công nghệ, Trường ĐH Văn Lang).
Nhóm tác giả (từ trái sang Huỳnh Anh Bảo, Cao Nguyễn Tuyết Ngân, Phạm Thị Nhật Hạ, Nguyễn Ngọc Lan Anh) nhận giải khuyến khích tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2020 HOA NỮ |
“Tiêu chí của cô đặt ra cho nhóm là tập trung nghiên cứu những gì mang tính cấp thiết của xã hội trên cơ sở vận dụng kiến thức chuyên môn hóa của mình. Gợi ý mà cô đưa ra là nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm hữu ích từ cây chuối ngoài mục đích chính là thu hoạch quả. Từ đây, ý tưởng sử dụng thân chuối sau thu hoạch để làm bột chuối, giấy mỹ thuật, túi xách giấy và phân bón hữu cơ được hình thành. Và cuối cùng, 2 sản phẩm được lựa chọn nghiên cứu trước tiên là túi xách sinh học và phân bón hữu cơ”, Tuyết Ngân chia sẻ về lý do thực hiện nghiên cứu này.
Sản phẩm túi xách sinh học từ thân cây chuối vô cùng đáng yêu của nhóm HOA NỮ |
Khi được hỏi lý do chọn nghiên cứu cùng lúc 2 sản phẩm, thì Huỳnh Anh Bảo lý giải: “Lý do tụi mình quyết định nghiên cứu cùng lúc 2 sản phẩm là do nhóm muốn tận dụng hết tiềm năng của thân cây chuối khi đã khai thác ra, để làm sao có thể biến những phụ phẩm nông nghiệp kém giá trị thành những sản phẩm có giá trị và hữu ích nhất”.
Nhưng cũng vì nghiên cứu cùng lúc 2 sản phẩm nên ban đầu khi bắt tay vào nghiên cứu nhóm cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, nhóm đã cùng nhau nỗ lực và vượt qua mọi khó khăn để nghiên cứu thành công sản phẩm.
Chia sẻ về công đoạn để làm túi xách và phân bón hữu cơ từ thân cây chuối, Nhật Hạ cặn kẽ từng công đoạn. Đối với làm giấy và túi xách thì đầu tiên là công tác ngoại nghiệp tức là khai thác thân chuối và xử lý nguyên liệu ngoài đồng. Ở công đoạn này gồm các bước theo thứ tự: chặt thân chuối; tách bẹ (chỉ lấy phần bẹ già và bánh tẻ); ép bẹ chuối để loại bỏ nước; cắt bẹ chuối thành khúc 3-5 cm; phơi héo.
“Và công đoạn thứ 2 là công tác nội nghiệp tức thao tác trong phòng thí nghiệm. Ở công đoạn này nhóm tiến hành ngâm nguyên liệu chuối đã phơi héo với NaOH trong 24 tiếng đồng hồ, sau đó rửa lại với nước sạch để loại bỏ hoàn toàn lượng NaOH dính vào sợi. Tiếp đến là nấu, xay nhuyễn và đổ khuôn tạo giấy. Khi đã có sản phẩm giấy thì tiến hành phơi khô giấy và làm thành túi xách”, Nhật Hạ chi tiết về các công đoạn.
Tận dụng mọi phế phẩm của thân cây chuối để làm phân bón hữu cơ HOA NỮ |
Về quy trình làm phân hữu cơ từ thân cây chuối, Tuyết Ngân cho biết với toàn bộ phần bẹ non, cuống buồng chuối, gốc chuối… sẽ được xử lý bằng cách ủ với chế phẩm vi sinh vật và các phụ gia hữu cơ khác để tạo phân hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam quy định tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP.
Hiện tại nhóm đã tạo ra được 2 sản phẩm là túi xách sinh học và phân bón hữu cơ. Cả 2 sản phẩm đã được thử nghiệm và được người sử dụng đánh giá khá tốt và nhiều triển vọng.
“Với túi xách thì từ thầy, cô giáo đến học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng đều là khách hàng chính để trải nghiệm sản phẩm của nhóm. Riêng Trường ĐH Văn Lang thì đặt của nhóm 10.000 túi. Với phân bón hữu cơ thì một trang trại trồng chuối ở Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đã yêu cầu được mua lại toàn bộ số phân bón được nhóm sản xuất ra”, Lan Anh chia sẻ về những thành công bước đầu trong quá trình thử nghiệm sản phẩm.
Nhiều mẫu mã cho sản phẩm túi xách từ thân cây chuối HOA NỮ |
Rất tâm đắc về sản phẩm mà nhóm đã nghiên cứu thành công, Anh Bảo chia sẻ về những ưu điểm nổi trội của sản phẩm: “Với túi xách sinh học thì dai hơn so với các sản phẩm túi xách sinh học hiện có ngoài thị trường, có khả năng chống thấm tốt và có thể tái sử dụng được nhiều lần. Còn đối với phân hữu cơ từ thân cây chuối thì thành phần dinh dưỡng đều cao hơn so với tiêu chuẩn quy định và về mặt hình thức thì phân mịn, tốt”.
Lý giải vì sao có được những ưu điểm nổi trội này, Tuyết Ngân cặn kẽ: “Vì trong thân cây chuối có xenlulose cao, hàm lượng nhiều nên khi làm ra sản phẩm túi giấy nó sẽ có độ dai hơn rất nhiều. Còn về việc chống thấm thì nhóm nghiên cứu tận dụng vỏ tôm để làm nên chất chitosan, sau đó quét chất này lên túi để tăng khả năng chống thấm cho túi”.
Đối với ưu điểm nổi trội về phân hữu cơ thì Tuyết Ngân cho rằng do bản thân cây chuối đã chứa sẵn chất xơ và các chất dinh dưỡng khác khá cao, nên sau quá trình phân hủy bởi vi sinh và các chất mang bổ sung thêm (phân bò, than sinh học) nên thành phần dinh dưỡng của phân hữu cơ từ thân chuối đều cao hơn so với tiêu chuẩn qui định”.
Với những tính ứng dụng thiết thực của sản phẩm, nhóm đang dự định sẽ khởi nghiệp từ chính những sản phẩm mà nhóm nghiên cứu tận dụng từ thân cây chuối này.
Nguồn Thanhnien.vn