Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ Quý 1/2021 của Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN).
Theo đó, khi được hỏi về tiến độ của đề tài nghiên cứu bộ KIT test Covid-19 do công ty TNHH Sinh hóa Phù sa (Phù sa Biochem) chủ trì, đại diện Bộ KH&CN cho biết, bộ KIT test này đã hoàn thành xong việc nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của hội đồng khoa học đưa ra.
Hiên Phù sa Biochem đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ để trình lên Bộ Y tế để được cấp phép sử dụng giống như bộ KIT Covid-19 của Học Viện Quân y. Đây là quy trình bắt buộc để bộ KIT test này có thể được đưa ra sử dụng ngoài thực tế.
Đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ chia sẻ về bộ KIT test Covid-19 do Phù sa Biochem phát triển. Ảnh: Trọng Đạt |
Bộ KIT test Covid-19 của Phù sa Biochem là đề tài nghiên cứu có sự phối hợp tham gia của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ).
Theo đại diện Bộ KH&CN, khác với bộ KIT test Covid-19 của Học viện Quân y sử dụng công nghệ Realtime PCR, phương pháp mà Phù sa Biochem sử dụng để tạo ra bộ KIT test phức tạp hơn. Do vậy, thời gian hoàn thiện việc nghiên cứu bộ KIT test này kéo dài hơn dự kiến.
Chia sẻ quan điểm của mình, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, mỗi công trình nghiên cứu luôn có một tỷ lệ rủi ro nhất định. Không thể chắc chắn một đề tài khoa học có thể thành công 100% ngay từ thời điểm được cấp kinh phí. Đó cũng là lý do khó nói trước ngày giờ một công trình nghiên cứu thành công, đặc biệt là sản phẩm khoa học phức tạp như bộ KIT test Covid-19.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho biết, không chỉ nghiên cứu KIT test Covid-19, Phù sa Biochem đã có những đóng góp quan trọng cùng Viện Pasteur TP.HCM trong việc thử nghiệm để phát hiện ra các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại khu vực phía Nam.
Buổi họp báo thường kỳ Quý 1/2021 của Bộ Khoa học & Công nghệ. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, việc nghiên cứu ra sản phẩm và sản phẩm đó được Bộ Y tế cấp phép là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Sau khi nghiên cứu, các sản phẩm như bộ KIT test sẽ được chuyển giao cho phía doanh nghiệp để làm hồ sơ cấp phép. Tuy nhiên đến bao giờ bộ KIT này được cấp phép thì còn phải liên quan đến các thủ tục hành chính của Bộ Y tế.
Trước đó, một công trình nghiên cứu khác của các nhà khoa học Việt Nam là bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 do Học viện Quân y phát triển là bộ KIT Test Covid-19 Make in Vietnam đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép.
Bộ KIT này sau đó cũng đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) của Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh, qua đó đủ khả năng được bán tự do ở Khu vực kinh tế châu Âu.
Theo đơn vị sản xuất, bộ KIT test Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu tới 8 quốc gia gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Ukraine Balan, Hungary, Áo,... và đang được đàm phán để xuất khẩu sang nhiều thị trường khác.
Theo Dân trí