Sản phẩm này được nhóm sinh viên tại Học viện Bách khoa Quốc gia Campuchia (NPIC) đưa ra lấy cảm hứng từ mong muốn giải quyết các khó khăn do tình hình giao thông ở thủ đô của Campuchia. Máy bay trang bị 8 cánh quạt và cung cấp một ghế ngồi cho phi công.
Đại diện nhóm sinh viên Lonh Vannsith (21 tuổi) đã trình diễn máy bay và cho biết, khi bắt đầu khởi động, máy bay có rất nhiều rung lắc, nhưng khi bay lên, nó trở nên ổn định hơn và tạo phấn khích cho người lái.
“Chúng tôi muốn giải quyết một số vấn đề cho xã hội của mình bằng cách chế tạo máy bay không người lái thay vì taxi cũng như hỗ trợ công tác cứu hỏa”, Vannsith cho biết. Theo nam sinh này, nhóm hy vọng máy bay có thể đến được các tầng trên của một tòa nhà nhằm đưa vòi phun nước đến nơi có đám cháy - điều mà xe cứu hỏa không thể tiếp cận.
Nguyên mẫu máy bay không người lái được nhóm sinh viên của Vannsith tạo ra có thể chở một phi công nặng tới 60 kg và bay trong khoảng 10 phút với quãng đường 1 km. Nhóm cho biết họ phải mất 3 năm nghiên cứu và phát triển máy bay, chi phí tạo khoảng 20.000 USD. Nhóm nghiên cứu hy vọng máy bay có thể hoàn thiện hơn để bay cao hơn nữa khi hiện tại chỉ đạt được 1 mét.
Sarin Sereyvatha, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ của NPIC, cho biết dự án đã phải đối mặt với sự chậm trễ do lệnh phong tỏa trong đại dịch Covid-19, cũng như các bộ phận như cánh quạt và khung phải được đặt hàng từ nước ngoài.
Nhóm nghiên cứu có kế hoạch cải tiến thiết kế để cho phép nó có trọng lượng nhẹ hơn cũng như bay xa hơn và ổn định hơn ở tầm bay cao hơn. Sarin Sereyvatha cho biết: “Về nguyên tắc, nếu chúng tôi sản xuất một chiếc máy bay không người lái, chi phí sẽ đắt nhưng nếu chúng tôi sản xuất chúng để bán trên thị trường, chi phí sẽ giảm xuống”.
Nguồn VnExpress