Từ những cảm nhận của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Mai (người Mỹ gốc Việt) trong bài viết "Trách nhiệm và bổn phận của người con đất Việt’', tôi muốn góp thêm tiếng nói để khẳng định rõ "sự thật" - Những sự thật không thể chối bỏ, dù cho các thế lực thù địch đang ra sức phủ nhận để thực hiện âm mưu thâm độc chống lại đất nước ta.
"Trách nhiệm và bổn phận" của mỗi người con đất Việt là sự hiến dâng và hòa quyện cùng với đất nước, dân tộc mình. Tâm khảm của họ luôn khắc ghi hình tượng Tổ quốc trong tim và khẳng định "hồn cốt dân tộc":
"Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta..."
(Đất nước -Nguyễn Khoa Điềm)
Điều thiêng liêng đó chỉ đến khi mỗi chúng ta, đặc biệt là các văn nghệ sĩ trở thành những tấm gương tiêu biểu song hành cùng hình tượng nghệ thuật vươn đến tầm cao của chân, thiện, mỹ - nâng cao phẩm giá con người trong môi trường văn hóa mới.
Song trong bối cảnh cả nước tự hào và trang trọng tổ chức các hoạt động chào mừng ngày thống nhất đất nước 30/4/1975 thì tác giả Nguyễn Thị Ngọc Mai đang sinh sống tại bang California (Hoa Kỳ) đã phải lên tiếng về một hiện tượng mang tính nghịch lý: "Trong những ngày qua khi nhìn trên mạng, hình ảnh một số người đàn ông mặc quân phục của quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH), chế độ cũ ở miền Nam trước ngày 30/4/1975 trong một sự kiện “hồi tưởng lại quá khứ” thì cho thấy họ dường như đang diễn lại một vở tuồng...Tôi lập tức nghĩ ngay đến người cầm đầu của những nhóm này, họ là những “soạn giả” tài tình, những “vở kịch” của họ khi đưa lên sân khấu đã tạo ra một thế giới hoang tưởng mà những diễn viên sau khi cánh màn nhung hạ xuống vẫn nghĩ rằng mình là “vua”, là “tổng thống”, là “quan”, là “tướng”. Tôi tự hỏi: Việc gì đã xảy ra cho những diễn viên đó? Có thể họ là những người từ ngày rời quê hương chưa một lần trở về? Họ cũng là những người Việt như chúng tôi, nhưng tại sao hành động của họ hoàn toàn khác chúng tôi?"(1).
Những hình ảnh phản cảm, dị hợm xuất hiện trên đường phố. Ảnh: Internet.
Đất nước đã thống nhất và Nam-Bắc sum họp một nhà đã hơn 47 năm. Hậu quả của chiến tranh vẫn hiển hiện đâu đó ở nhiều địa phương trong cả nước. Song dấu vết chiến tranh đó không hề gây nên sự "thù hằn" hay "đối địch". Để có được "tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế" như hiện nay, đất nước ta đã luôn mong muốn "xóa bỏ hận thù, cùng chung tay xây dựng đất nước". Vậy cớ gì, một số nhóm phản động, thù địch lập ra cái gọi là “ngày quốc hận” với đầy đủ các phương tiện tuyên truyền để hoài niệm về chế độ tay sai ở miền Nam Việt Nam đã sụp đổ thảm hại trước đó? Những chiêu trò đó của chúng liệu chăng có thể thực hiện được tham vọng “đánh sập” được hình ảnh đổi mới của đất nước Việt Nam trong bối cảnh hiện nay hay không?
Thật trớ trêu cho chúng khi chính những người "trong cuộc" đã chỉ ra rằng: "Chính sách và đường lối của Nhà nước Việt Nam đã có sự đổi mới, kịp thời quan tâm, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân, để Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng, thật sự sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới... Đây là một niềm tự hào cho tất cả người Việt chúng ta không phân biệt vùng miền, dân tộc, tôn giáo" và người "trong cuộc" tỏ rõ thái độ đấu tranh không khoan nhượng: "Không hiểu vì sao hiện nay vẫn còn một số người Việt ở hải ngoại lại cố tình chối bỏ thực tế đó, tìm cách chống đối lại một chính sách đem cơm no áo ấm cho người dân? Thực tế này đòi hỏi các cá nhân cần gạt bỏ mối hận thù giữa kẻ thắng người thua, để rồi tạo ra sự chia rẽ. Theo tôi, họ nên bình tĩnh nhận định sự việc một cách khách quan, dẹp bỏ tự ái cá nhân để hiểu được nguyên nhân sự sụp đổ của một chế độ"(1).
Thực chất, những người "trong cuộc" như Nguyễn Thị Ngọc Mai và cùng hàng triệu kiều bào ở nước ngoài đang hướng về đất nước, mong muốn góp phần vào công cuộc phát triển đất nước, đấu tranh với những kẻ thù chống phá sự phồn vinh của đất nước. Tiếng nói của những người "trong cuộc" là minh chứng sâu sắc ý thức, vai trò của họ đối với đất nước. Giá trị thiêng liêng đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu đạt trong thư chúc Tết kiều bào năm 1946: “Các đồng bào tuy mình trú ở nơi đất khách quê người, nhưng lòng vẫn yêu mến cố hương Tổ quốc. CònTổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế”(2). Lời chỉ bảo ân cần đó như sự động viên chân thành, kiều bào đã đồng lòng ghi nhận và ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước, góp sức vào sự nghiệp chung của cả dân tộc.
Phương Nam