Nhiều thập kỷ chịu cấm vận của Mỹ
Sau khi luật sư Fidel Castro lật đổ chế độ độc tài Batista do Mỹ hậu thuẫn vào năm 1959, Cuba trở thành một quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo và vững vàng tồn tại qua nhiều thập kỷ bất chấp việc bị cô lập về kinh tế, đặc biệt là sau sự tan rã của Liên Xô.
Kể từ đầu những năm thập niên 1960, Mỹ điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với Cuba, điển hình là lệnh cấm vận thương mại gây tranh cãi, cùng nhiều hạn chế khác. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez từng nhận định rằng, lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba là cơn bão không hồi kết. Phải tới năm 2015, chính quyền Washington mới bắt đầu từng bước bình thường hóa quan hệ với Havana (La Habana), bao gồm cả việc thay đổi các biện pháp cấm vận.
Mỹ vẫn đang duy trì nhiều biện pháp cấm vận đối với Cuba. Ảnh minh họa: Cigar Aficionado |
Tuy nhiên, tới giai đoạn Tổng thống Donald Trump nắm quyền, ông đã áp dụng lại các biện pháp cũ và thậm chí bổ sung thêm nhiều lệnh cấm vận mới. Đơn cử, cấm du lịch Mỹ và hạn chế số tiền mà người Mỹ gốc Cuba có thể gửi về cho người thân của họ ở quê nhà là chính sách mới được đưa ra dưới thời ông Trump. Đến thời đương kim Tổng thống Joe Biden, một số hạn chế đã được nới lỏng.
Guillaume Long, cựu Ngoại trưởng Ecuador nhận định, nền kinh tế Cuba đã chịu nhiều ảnh hưởng dưới các lệnh cấm vận của Mỹ. Đất nước Cuba cũng trải qua một cú sốc lớn sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Trước đó, Liên Xô đã cung cấp 90% nhu cầu xăng dầu của Cuba và 70% các mặt hàng nhập khẩu khác, bao gồm cả thực phẩm và thuốc men, chủ yếu ở mức giá được trợ cấp. Từ năm 1989 đến 1994, thương mại của Cuba với Liên Xô cũ giảm mạnh 89%.
Ngày nay, nền kinh tế Cuba phụ thuộc vào hàng hóa. Thuốc lá và đường chiếm khoảng 30% thu nhập ngoại hối. Cuba cũng phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách gửi các bác sĩ và điều dưỡng đến nhiều quốc gia, như Brazil và Venezuela. Trong khi đó, du lịch tại quốc gia này cũng chiếm một nguồn doanh thu quan trọng.
Mặt khác, Đảng Cộng sản Cuba cũng thành công trong việc thiết lập các hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe có uy tín. Không chỉ có tuổi thọ trung bình cao hơn nhiều nước phát triển, trong đó có Mỹ, Cuba còn là quốc gia nhỏ nhất trên thế giới điều chế thành công vaccine ngừa Covid-19.
Những “phép thử” đối với nền kinh tế
Do vai trò quá lớn của du lịch, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước này thời gian vừa qua. Theo Bloomberg, lượng khách du lịch đã giảm đáng kể trong đại dịch, từ 4 triệu lượt khách du lịch vào năm 2019 xuống chỉ còn 356.000 lượt khách du lịch vào năm 2021.
Để đối phó với dự trữ ngoại hối giảm, Cuba thống nhất hệ thống tỷ giá hối đoái kép vào tháng 1-2021, dẫn đến việc đồng peso, vốn đã được đặt ngang giá với đồng USD trong nhiều thập kỷ, mất giá.
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn đối với tình hình kinh tế-xã hội của Cuba. Ảnh: CNN |
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao Alberto Gabrielle tại Sbilanciamoci - tổ chức tư vấn chính trị có trụ sở tại Rome (Italy), “Việc phá giá đồng tiền chưa đạt được trạng thái cân bằng trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Cuba, gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và gia tăng lạm phát”. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Cuba đã tăng 70% trong năm 2021, lạm phát tăng 3 con số trong cùng kỳ. Sức mua bị ảnh hưởng mạnh.
Vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển
Năm 2008, Cuba triển khai tiến trình cải cách “cập nhật hóa xã hội chủ nghĩa của Cuba”. Chủ trương này được chính thức hóa, thông qua tại Đại hội toàn quốc lần VI của Đảng Cộng sản Cuba ngày 18-4-2011, được gọi là các chủ trương của chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và cách mạng.
Tới năm 2009, Cuba tiếp tục đưa ra một số chính sách, mô hình kinh tế - xã hội mới, bước đầu phi tập trung hóa sản xuất nông nghiệp, cho phép tư nhân kinh doanh một số ngành dịch vụ và bán lẻ, giảm bao cấp đi đôi với cải thiện các cơ sở dịch vụ xã hội công, giảm biên chế nhà nước... Từ năm 2012, Cuba chính thức khởi động tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế. Theo đó, hơn 40 văn bản pháp luật mới về thuế, đầu tư nước ngoài… được Quốc hội Cuba ban hành, phù hợp với tiến trình “Cập nhật hóa mô hình kinh tế”.
Đường phố Cuba tấp nập xe cộ. Ảnh: The DeVoe Moore Center |
Năm 2014, để thu hút đầu tư nước ngoài, Cuba thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới, công bố khánh thành Đặc khu phát triển kinh tế Mariel là tổ hợp rộng 465km2 gồm cảng biển nước sâu, kho ngoại quan, khu chế xuất, khu dịch vụ, với nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, thương mại, thuế, phí hải quan…
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba cũng đã thông qua “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030” nhằm phát huy nội lực, kết hợp thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phục hồi kinh tế. Cuba đang tích cực xây dựng hành lang pháp lý mang tính lâu dài, ban hành một số văn bản với thành tố kinh tế thị trường.
Một chiến lược kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy nền kinh tế và giải quyết cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra cũng đã được Hội đồng Bộ trưởng công bố vào ngày 16-7-2020. Chiến lược này liên quan đến một số thay đổi trong cách quan niệm về nền kinh tế quốc gia, coi khu vực tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế và bảo vệ chính sách bảo hộ kinh tế nhằm phát triển tối đa công nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Cuba bắt đầu mở rộng hoạt động của khu vực tư nhân nhằm nỗ lực tăng sản lượng và giảm bớt tình trạng khan hiếm hàng hóa. Tháng 2-2021, Cuba nhất trí cấp tư cách công ty tư nhân cho 2.000 ngành nghề được liệt kê (tăng từ mức 127 ngành nghề trước đây), tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác với các nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động thương mại.
Xì gà là một trong những sản phẩm nổi tiếng của Cuba trên toàn cầu. Ảnh: Tampa Bay Times |
Gần đây, Cuba đã ban hành một số đạo luật về doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, cải cách thuế thu nhập, nới lỏng điều chỉnh tỷ giá… nhằm cải thiện tình hình kinh tế. Nguyên Chủ tịch Raul Castro từng tuyên bố, việc triển khai những chủ trương này “không phải là một con đường dễ dàng, cần có những thay đổi cơ bản”, cần loại bỏ “tư duy lỗi thời, thái độ thụ động và thiếu tin tưởng vào tương lai”.
Những chủ trương của nguyên Chủ tịch Raul Castro đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong đời sống kinh tế - xã hội Cuba. Cụ thể, Chính phủ Cuba đã cấp phép cho 580.000 doanh nghiệp tư nhân, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2010. Tổng cộng, khu vực tư nhân hiện đang sử dụng 29% lực lượng lao động. Năm 2017, kinh tế Cuba đạt tăng trưởng 1,6%, trong bối cảnh nhiều thách thức và khó khăn lớn về tài chính, cùng hậu quả của cơn bão Irma và tình trạng hạn hán kéo dài. Trong khi đó, tính đến quý I năm 2022, xuất khẩu của Cuba đạt 590 triệu USD (tăng 162 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021); nhập khẩu đạt 2,4 tỷ USD (vượt 138 triệu USD so với kế hoạch)... Chính phủ Cuba hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2023; đồng thời tăng thu nhập ngoại tệ lên ước tính 1,037 tỷ USD vào năm nay nhờ tăng doanh thu từ hàng hóa xuất khẩu thêm 318 triệu USD.
Đất nước Cuba tươi đẹp đang phục hồi ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19. Ảnh: Traveling Lifestyle |
Bên cạnh đó, du lịch, vận tải và viễn thông, nông nghiệp và xây dựng là những ngành đóng góp lớn vào sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bất chấp những cấm vận về đi lại của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, năm 2017, ngành du lịch của Cuba đã đón hơn 4,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2016). Đảo quốc Caribe kỳ vọng sẽ đón 3,5 triệu lượt du khách nước ngoài năm 2023, trong bối cảnh ngành du lịch đang dần hồi phục về mức trước đại dịch - thời điểm Cuba đón khoảng 4 triệu lượt khách/năm. Thời gian gần đây, các công ty nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Cuba, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Số liệu chính thức cho thấy hiện có 87 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch tại Cuba, cùng với đó là 18 chuỗi khách sạn nước ngoài đang hoạt động ở hòn đảo tự do.
Cuba cũng đang đẩy mạnh mở rộng hợp tác với các đối tác truyền thống trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, các đối tác Nga đang giúp Cuba hiện đại hóa nhà máy nhiệt điện Maximo Gomez và Habana del Este; nâng cấp các nhà máy thép Antillana; cung cấp các loại xe hơi và xe tải phục vụ cho việc phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ. Gần đây, Nga và Cuba đang cùng thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc hiện đại hóa ngành công nghiệp dệt may. Một tuyến đường sắt cao tốc nối La Habana với các khu nghỉ mát bãi biển Varadero trị giá 4 tỷ USD cũng đang được lên kế hoạch giữa Nga và Cuba. Chính phủ Cuba cũng đã cấp giấy phép hoạt động tại Đặc khu phát triển Mariel (ở phía Tây La Habana) cho Công ty ViMariel S.A của Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại châu Á lớn thứ hai của Cuba. Trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 250-350 triệu USD.
Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Cuba gồm: Gạo, đồ điện, điện tử, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, vật liệu công nghiệp, vật dụng gia đình, văn phòng phẩm… Việt Nam nhập khẩu từ Cuba các mặt hàng gồm: Thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba ký kết tháng 11-2018 và chính thức có hiệu lực từ tháng 4-2020 là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp hai nước tận dụng các ưu đãi thuế quan nhằm phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 triệu USD trong 5 năm tới.… Mặt khác, Cuba và Liên minh châu Âu (EU) cũng duy trì các dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Cuba.
Người dân Cuba luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, Nhà nước, Chính phủ Cuba trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: CNBC |
Có thể nói, những chính sách và thành quả kinh tế - xã hội nổi bật sẽ mở đường cho các thế hệ lãnh đạo của Cuba kế thừa, phát triển, đưa đất nước tiến lên tầm cao mới. Phó chủ tịch nước Cuba Salvador Valdés Mesa tuyên bố: “Sẽ không có người Cuba nào bị bỏ lại phía sau... Chúng tôi sẽ không từ bỏ chủ quyền cũng như nền độc lập mà các thế hệ trước đã chiến đấu để giành được trong nhiều thế kỷ”.
Sau thành công của cuộc bầu cử Quốc hội Chính quyền nhân dân khóa X và bầu ra Ban lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Cuba nhiệm kỳ 2023-2028, quốc gia Caribe ngay lập tức bắt tay vào nhiệm vụ phát triển đất nước và xác định các chiến lược lâu dài. Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel khẳng định, ưu tiên hàng đầu thời gian tới là tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế đất nước. Theo Chủ tịch Cuba, để có thể phát triển kinh tế, quốc đảo Caribe cần thúc đẩy kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm các chính sách chống lạm phát, giảm thâm hụt ngân sách, khắc phục khoảng cách giữa tiền lương và sức mua, tăng nguồn ngoại tệ sẵn có cũng như giải quyết nhiều vấn đề khác.
Nguồn QĐND