Đoàn công tác T.Ư Đoàn tại cột cờ Tổ quốc ở Đảo Trần. Ảnh: Châu Linh |
Chuyện 7 lần ra đảo gieo “mầm xanh”
Từ làm cộng tác viên của Huyện Đoàn Đầm Hà đến chuyên viên tại Tỉnh Đoàn Quảng Ninh, anh Đặng Đăng Linh (SN 1990) đã có 7 lần vượt trùng khơi ra đảo tiền tiêu, lần xa nhất cách đây gần một thập kỷ, khi Đảo Trần mới được xác định là 1 trong 6 Đảo Thanh niên.
“Ngày ấy, hồi tháng 11/2015, để đến thăm Đảo Trần hoang vu, tôi cùng 38 đoàn viên, thanh niên khác phải thuê tàu gỗ, đi mất gần 4 tiếng. Chưa có tàu khách, lại xa đất liền, giao thông trắc trở... Chúng tôi dần mường tượng được cảnh sống trên đảo trong lúc lênh đênh vượt trùng khơi”, anh Linh nhớ lại.
Đặt chân lên hòn đảo xa đất liền nhất vùng vịnh Bắc Bộ, anh Linh chứng kiến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Chưa có điện lưới, thiếu thực phẩm, đến mùa nước khan hiếm, bộ đội và dân phải chia nhau từng thau nước sinh hoạt.
Sau khi được chuyển công tác lên tỉnh Đoàn, anh Linh nhận nhiệm vụ ra đảo thực địa, góp sức xây dựng cột cờ Tổ quốc - nằm trong dự án xây dựng 7 cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu dọc đất nước, do T.Ư Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) phối hợp thực hiện từ năm 2015.
Hằng năm, cột cờ chịu nắng, mưa, sương gió nên rất dễ xuống cấp, cần định kỳ sửa chữa, trùng tu. Anh Linh kể: “Mỗi lần thấy cờ hỏng, bị rách, anh em hàn xì, thợ xây, cán bộ Đoàn, phóng viên đều tập trung sửa, cùng nhau kéo lại cờ tung bay trên nền trời. Có hôm tham việc, đoàn chúng tôi xuống núi lúc nửa đêm, vừa đi vừa phát quang đường rừng trong tiếng mưa rả rích gần 2 tiếng mới xuống đến đảo”.
Mỗi lần ra đảo, anh Linh đặt mục tiêu, phải tranh thủ thời gian để thực hiện được nhiều phần việc nhất có thể. Như dịp Tết tất bật cùng ngư dân gói mấy mẻ bánh chưng, rồi góp sức cùng giáo viên xây dựng sân chơi thiếu nhi trên đảo, tổ chức đoàn văn nghệ sĩ giao lưu văn nghệ để cổ vũ tinh thần, động viên các hộ gia đình tiếp tục định cư trên đảo…
“Giữa nơi được ví như Trường Sa của biển Bắc, tôi và đồng đội luôn hy vọng, màu áo xanh tình nguyện có thể gieo được “mầm xanh”, sức sống, hy vọng cho cán bộ, chiến sĩ, người dân nơi đây bằng những phần việc thiết thực. Bởi vậy, gần 1 thập kỷ, qua 7 lần ra đảo, mỗi chuyến đi, tôi lại cảm nhận được sự thay đổi từ sinh khí đến cảnh quan nơi đây”, anh Linh nói.
Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương tặng quà cho các hộ dân sống trên đảo. Ảnh: Châu Linh |
Công trình thanh niên trên đảo tiền tiêu
Theo hải đồ, con tàu đưa đoàn công tác của T.Ư Đoàn rẽ nước tiến về phía Đảo Trần, để lại phía sau những vệt sóng dài. Háo hức, tò mò… là cảm xúc chung của hầu hết cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong chuyến thăm Đảo Thanh niên lần này (ngày 28/7). Từ xa, nhìn Đảo Trần sừng sững, vững chãi giữa bốn bề sóng nước. Trên đỉnh núi cao nhất đảo là cột cờ với lá cờ đỏ sao vàng căng gió và ngọn hải đăng đánh dấu chủ quyền biển đảo Việt Nam. Nơi đây cũng là điểm tựa cho ngư dân mỗi khi vươn khơi, bám biển.
Trên hải trình, đoàn công tác được nghe về những chương trình ý nghĩa mà tuổi trẻ địa phương góp sức đưa lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo tiền tiêu. Đó là Tỉnh Đoàn Quảng Ninh tuyên truyền, vận động các đoàn cơ sở cho đoàn viên tham gia ủng hộ kinh phí để mua cờ Tổ quốc với kích thước 4x6m qua chương trình “Cờ hồng nơi biên cương” và “Lá cờ Tổ quốc Đảo Trần”. Những chương trình này đã được phổ biến và tuyên truyền đến các cơ sở Đoàn từ năm 2015, khi cột cờ mới được xây dựng. Từ đó hoạt động này trở nên thường xuyên, đảm bảo duy trì đủ cờ treo mỗi năm, bởi trung bình từ 2 ngày đến 1 tuần, lá cờ sẽ bị rách tùy vào điều kiện thời tiết.
Đặt chân lên đảo, đoàn công tác mất khoảng 30 phút để leo bộ lên cột cờ. Xen lẫn những tiếng thở khá dồn dập, ai nấy đều bất ngờ vì nay đã có đường, bậc đá để đi thay vì cảnh mò mẫm đi rừng khi xưa. Anh Hoàng Văn Hải, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh nhanh chóng giới thiệu, đây là công trình đường dẫn lên khuôn viên, Nhà lưu niệm Cột cờ của Đoàn Thanh niên đã được khánh thành từ năm 2017.
Lên đến đỉnh cột cờ, ai cũng thấm mệt, nhưng đều nhanh chóng chỉnh đốn trang phục, giữ phong thái trang nghiêm để thực hiện nghi lễ chào cờ thiêng liêng. Kết thúc nghi lễ, anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, vừa hướng tay lên cột cờ, vừa nói, đây là công trình của tuổi trẻ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, cũng thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên đối với biển đảo quê hương.
“Trong không khí cả nước thi đua, triển khai các hoạt động, phần việc thanh niên thiết thực, hiệu quả trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè, đoàn công tác T.Ư Đoàn tổ chức các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội tại Đảo Trần nhằm góp phần xây dựng đảo ngày càng tốt đẹp hơn, khẳng định hơn nữa vị thế quan trọng của đảo trong chiến lược kinh tế - quốc phòng nước ta”, anh Cương nói.
Ngày 28/7, đoàn công tác T.Ư Đoàn tới thăm và tổ chức các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội tại đảo Trần (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). Dẫn đoàn công tác có anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn; cùng tham dự có ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Hoàng Văn Hải - Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh. Những phần việc, mô hình thiết thực trên Đảo Thanh niên sẽ giúp tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước; thể hiện trách nhiệm và sự chia sẻ với người dân, lực lượng chiến sĩ đang sinh sống, làm nhiệm vụ.
Sức sống đảo hôm nay
Trên đường dẫn đoàn công tác từ cột cờ xuống đảo, Thượng tá Ngô Huy Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đảo Trần, chia sẻ, từ ngày tuổi trẻ đơn vị góp sức cùng thanh niên xây dựng các công trình ý nghĩa, nơi đây có thêm cái mới, giúp tô thắm thêm phong cảnh và đem sức sống mới đến cho đảo. “Cứ mỗi đoàn công tác đến đây đều mang rất nhiều năng lượng để động viên người dân, chiến sĩ ngày càng bám đảo, vừa bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, vừa yên tâm phát triển kinh tế”, Thượng tá Đông nói.
Sức sống mới trên đảo hôm nay còn được thể hiện rõ nét qua tinh thần của tuổi trẻ các đơn vị quân đội trên đảo. Thượng tá Đông nhớ lại, các hoạt động của Đảo Thanh niên, hay khi triển khai xây dựng các công trình thanh niên, cơ bản là lực lượng trẻ của các đơn vị góp sức cùng tổ chức Đoàn thực hiện, từ mang vác, xây đường, thắp điện… Nay, mỗi khi có hỏng hóc hay cần chỉnh trang, lực lượng bộ đội trẻ trên đảo đều rất hào hứng và xung phong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, các đơn vị quân đội trên đảo cũng hưởng ứng các chiến dịch về bảo vệ môi trường của tổ chức Đoàn thông qua hoạt động làm sạch biển, phát quang đường dân sinh hằng tuần.
Công trình thanh niên trên đảo thể hiện được sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối của Đảng với quân đội và tổ chức Đoàn. “Khi được xác định là 1 trong 6 Đảo Thanh niên, tôi nhận thấy đây là một vinh dự, tự hào song cũng là trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đóng quân trên đảo”, Thượng tá Đông nói.
Chia sẻ thêm với PV Tiền Phong, anh Nguyễn Viết Doan, Bí thư Đoàn Đồn Biên phòng Đảo Trần, tự hào nói: “Đảo Trần nay đã có sức hút hơn và nhận được sự quan tâm, động viên của các ban ngành, đoàn thể. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo được đón nhiều đoàn công tác với sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, các bộ, chiến sĩ trên đảo rất hào hứng, yên tâm công tác. Thậm chí, đã có một số chiến sĩ ngoài đất liền tình nguyện, xung phong ra đảo công tác”.
Nguồn Tiền phong