Mâm cơm không chỉ đơn thuần là để các thành viên trong gia đình ăn cho no bụng mà còn là nơi gắn kết của các thế hệ, đó còn là kỷ niệm để những người con khi xa quê hương nhớ về và bữa cơm gia đình cũng chính là sợi dây để các thành viên xích lại gần nhau sau một ngày bận rộn với công việc.
Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, mâm cơm gia đình đóng vai trò quan trọng, thể hiện tình cảm và sự gắn kết giữa các thành viên. Giờ đây, vấn đề ăn uống không chỉ là một nhu cầu thiết yếu của con người mà còn thể hiện văn hóa, triết lý sống của một dân tộc, quốc gia.
Khung cảnh đầm ấm trong bữa cơm gia đình gồm nhiều thế hệ. Ảnh minh họa: Báo Tiền phong |
Bữa cơm trong gia đình của người Việt chứa đựng rất nhiều tư tưởng cao đẹp, ở đó có tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thế hệ, thể hiện qua việc cùng nhau ngồi quây quần bên mâm cơm, gắp thức ăn cho nhau và trò chuyện. Bữa cơm dù có những món sơn hào hải vị hay những món ăn bình dân cũng không quan trọng bằng không khí đầm ấm, tràn ngập tiếng cười của mỗi thành viên.
Theo GS, TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, bữa cơm gia đình thời nay đã có sự thay đổi so với trước đây. Hiện nay có một thực tế đang tồn tại trong bữa cơm của nhiều gia đình là việc các thành viên thường quá mải mê vào chiếc điện thoại. Đương nhiên, có những bố mẹ thì quá bận công việc nên trong lúc ăn cơm bị gián đoạn để giải quyết, nhưng có những đứa trẻ do thói quen cứ đến giờ ăn là phải có điện thoại cầm trên tay. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số nên không thể tránh khỏi vấn đề này nhưng mỗi gia đình cần có những biện pháp để hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại trong bữa ăn. Không thể một mâm cơm mà không ai nói chuyện với ai và mỗi người “đắm chìm” trong thế giới công nghệ của riêng mình.
“Theo tôi, vấn đề giáo dục các bạn trẻ hiểu rõ sự cần thiết của bữa cơm gia đình và hướng các em vào những việc như duy trì thói quen đọc sách thường xuyên hoặc cả gia đình cùng tham gia vào những hình thức giải trí để gắn kết các thành viên, đó là cách để hạn chế công nghệ lấn át tổ ấm gia đình. Khi xã hội càng phát triển thì bữa cơm gia đình luôn cần thiết bởi gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới phồn vinh”, GS, TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.
Từ xưa, người Việt Nam đã có thói quen dọn cơm vào mâm, các món ăn được bày chung trong một mâm. Các thành viên quây quần bên nhau, tạo thành một không gian ấm cúng, gần gũi. Việc vừa ăn cơm vừa trò chuyện sẽ giúp các thành viên gắn kết tình cảm với nhau. Đặc biệt là trong nhịp sống mà những bữa ăn nhanh, rồi hàng quán phát triển rầm rộ lấn át các bữa cơm gia đình thì vai trò của người vợ, người mẹ trong việc “giữ lửa” là rất quan trọng.
Theo Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết, mâm cơm trong gia đình là sự gắn kết tình cảm của một gia đình và các thế hệ với nhau, đó là văn hóa đã được duy trì từ bao đời nay. “Tại sao ở Việt Nam có mâm cơm mà ở nước khác không có. Qua các món ăn được bày biện trong một mâm thể hiện sự đoàn tụ, đó là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Việt. Tôi đã chứng kiến nhiều người nước ngoài khi được trải nghiệm mâm cơm truyền thống của Việt Nam đều rất thích. Có những du khách nước ngoài sau khi ăn cơm xong thì chia sẻ rằng, khi về nước sẽ học tập phong cách ăn uống đầm ấm của người Việt. Ở nước ngoài, khi đủ 18 tuổi là các em đã tự bươn chải và ít có những bữa ăn cùng gia đình, gắn kết giữa các thế hệ như ở gia đình Việt Nam. Hình ảnh các thành viên trong gia đình ngồi chung mâm cơm trò chuyện, giao lưu đã trở thành ký ức vô cùng đẹp của nhiều người khi xa nhà”, Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết cho biết.
“Trong thời đại công nghệ số, như nhà tôi khi đã ngồi vào ăn, trước đây khi không có điện thoại thì các thành viên đều tập trung vào ăn uống, trò chuyện cùng nhau nhưng từ khi xuất hiện internet, các con, cháu có nhiều việc cần giải quyết ngay cả trong bữa cơm. Điều này thì các bậc làm cha, làm mẹ cũng phải thông cảm. Nhưng với các cháu nhỏ tuổi thì người lớn nên có nguyên tắc để các cháu tập trung vào bữa cơm. Như vậy thì mới duy trì thành nếp trong mỗi bữa cơm gia đình”, Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết chia sẻ.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội và gia đình hạnh phúc bền vững sẽ có một xã hội văn minh tiến bộ. Điều này đòi hỏi sự cố gắng của tất cả mọi thành viên; cần duy trì bữa cơm gia đình, đó là một cách để duy trì “ngọn lửa hạnh phúc”.
Nguồn QĐND