Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường Kách mệnh là tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, trong đó, giá trị cốt lõi nhất là vạch đường, dẫn lối cho cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác
Tác phẩm Đường Kách mệnh ra đời gắn liền với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Trong thời gian từ năm 1925 đến năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở lớp huấn luyện chính trị cho 75 thanh niên ưu tú của cách mạng Việt Nam. Các bài giảng của Người là tài liệu chính cho học viên nghiên cứu, trao đổi.
Đầu năm 1927, các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách với tên gọi Đường Kách mệnh. Đây được coi là cuốn “giáo trình” đầu tiên để giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ tiền phong của Đảng và cách mạng.
Cuốn sách Đường Kách mệnh được phát cho các học viên tham gia các lớp huấn luyện các bộ, đồng thời bí mật đưa về Việt Nam qua các ngả đường bộ/ thuỷ khác nhau. Đồng chí Nguyễn Công Thu mang về Hà Nội qua Lạng Sơn; theo Nguyễn Lương Bằng về Hải Phòng, Hải Dương; theo Nguyễn Văn Hoan mang về Nam Định. Từ các điểm này, cuốn sách được chuyển vào khắp nơi ở Nam Kỳ.
Vì bị kiểm soát gắt gao của mật thám Pháp, nên cuốn sách được nguỵ trang dưới hình thức bản tin, có nơi như An Giang là hình thức Kinh Phật, có tên là Đạo nam kinh, nhưng bên trong là nội dung tác phẩm.
Hiện nay, tác phẩm này còn nguyên bản thảo gốc, được lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Trang bìa cuốn Đường Kách mệnh
Hồn cốt của tác phẩm Đường Kách mệnh là vạch đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam với những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, chỉ rõ cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Nguyễn Ái Quốc luận giải vấn đề này bằng cách:
Một là, chỉ ra 3 loại cách mạng xã hội (Tư bản cách mạng; Dân tộc cách mạng và Giai cấp cách mạng), lý giải nguyên nhân sinh ra ba loại cách mạng đó. Từ đó, Người khẳng định: cách mạng Việt Nam là dân tộc cách mạng “Như An Nam đuổi Pháp, Ấn Độ đuổi Anh, Cao Ly đuổi Nhật, Philíppin đuổi Mỹ, Tàu đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình, ấy là dân tộc cách mệnh”[1].
Hai là, phân tích các cuộc cách mạng điển hình trong lịch sử nhân loại (Cách mạng Mỹ; Cách mạng Pháp; Nhật; Italia; Tàu và Cách mạng tháng Mười Nga). Từ đó, Người rút ra kết luận, “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi”[2] mà “chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”[3].
Như vậy, những dẫn dụ, phân tích của Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm cho thấy dân tộc ta phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tức là theo con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, chỉ rõ cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải do Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân lãnh đạo
Đường Kách mệnh xem đảng cách mệnh, đảng cộng sản là nhân tố quyết định sự thành công của cách mệnh. Người viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[4]. Luận điểm này của Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định một vấn đề có tính nguyên tắc, đặt nền móng lâu dài cho công tác xây dựng đảng về tư tưởng - lý luận.
Thứ ba, chỉ rõ lực lượng thực hiện cách mạng là toàn dân chứ không phải việc của một hai người và đặt trong mối quan hệ với cách mạng thế giới
Căn cứ tiêu chí “bị áp bức”, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết”. Theo tiêu chí đó, Người xếp công nhân và nông dân là “gốc cách mệnh”, không chỉ họ chiếm số đông trong dân chúng mà cơ bản là họ bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, tàn bạo nhất. Còn “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ” là “bầu bạn cách mệnh của công nông”.
Những chỉ dẫn cơ bản này là nền tảng lý luận hình thành khối liên minh công nông và Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ cách mạng thế giới, “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm cách mệnh giai cấp cũng dễ. Và nếu công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc An Nam sẽ được tự do. Vậy nên cách mệnh An Nam với cách mệnh Pháp phải liên lạc với nhau”[5].
Tranh tái hiện Lớp huấn luyện chính trị cách mạng tại Quảng Châu năm 1927
Thứ tư, chỉ rõ phương pháp tiến hành cách mạng thành công
Nguyễn Ái Quốc chỉ ra cách thức tiến hành cách mạng về tổ chức và vận động dân chúng thông qua bài học của quốc tế I, Quốc tế II; phê phán đường lối phi mác-xít của những người cơ hội trong Quốc tế II. Nguyễn Ái Quốc vạch rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới và để bảo đảm sự thắng lợi, cách mạng Việt Nam phải dựa vào Quốc tế III, tức Quốc tế Cộng sản. Đồng thời, học tập kinh nghiệm của thế giới để tổ chức, vận động quần chúng: Cách mạng Việt Nam phải tổ chức ra các đoàn thể quần chúng như công hội, nông hội, phụ nữ, thanh niên...theo đường lối của Cách mạng Tháng Mười Nga, của Quốc tế Cộng sản.
Tác phẩm Đường Kách mệnh để lại nhiều giá trị, ý nghĩa cho cách mạng Việt Nam.
Một là, đã giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Khẳng định lập trường vô sản của giai cấp công nhân, góp phần vào sự thắng thế của khuynh hướng vô sản ở Việt Nam cuối những năm 20 của thế kỷ XX.
Hai là, chỉ rõ những nội dung cụ thể về con đường, về tổ chức; về phương pháp tiến hành cách mạng để đi đến thắng lợi.
Ba là, cơ sở, nền tảng lý luận đầu tiên cho sự ra đời Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Ðảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Tác phẩm là “cẩm nang”, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước hiện nay.
Ra đời cách đây 95 năm, tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc đã “định hướng cho hành động” của khuynh hướng cách mạng vô sản ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, đó là con đường để giải phóng dân tộc mình, đồng bào mình khỏi kiếp nô lệ. Vì thế, nhà sử học Xôviết rất có lý khi cho rằng “Tác phầm Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc đã đóng vai trò tựa như cuốn Làm gì của Lênin trong phong trào cách mạng nước Nga”[6]. Hay nhà nghiên cứu I. A. Ognhetốp nhìn nhận “Đường cách mệnh mà trong đó người cộng sản Việt Nam đầu tiên trình bày dưới dạng dễ hiểu bản chất của học thuyết Mác - Lênin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam, đã đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam những năm 20 và trong việc kết hợp phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác”[7].
Với giá trị to lớn đó, Đường Kách mệnh là một trong năm tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam[8].
Hòa Phạm