Sau 21 tháng phát động cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và thôn tính phần lớn lãnh thổ các quốc gia châu Âu, phát xít Đức xé bỏ Hiệp ước bất tương xâm, chính thức tiến công Liên Xô ngày 22/6/1941, đưa cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bước vào một ngã rẽ quan trọng
Chiến dịch Barbarossa mở đầu cuộc chiến tranh Xô - Đức
Ngày 22/6/1941, Đức quốc xã đã xóa bỏ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau Liên Xô - Đức (Hiệp ước Molotov-Ribbentrop ký ngày 23/8/1939), bất ngờ tiến hành Chiến dịch mang mật danh Barbarossa, tiến công xâm lược Liên Xô trên toàn tuyến biên giới phía Tây.
Chiến dịch Barbarossa phát triển từ Kế hoạch của tướng Marcks vào tháng 8/1940, với nội dung nhanh chóng tiêu diệt phần lớn lực lượng Hồng quân ở Belarus và chiếm thủ đô Moscow.
Sự kiện Đức tiến công Liên Xô ngày 22/6/1941 đã mở ra cuộc chiến tranh toàn diện Liên Xô-Đức, kéo dài đến tận ngày 9/5/1945, với chiến thắng cuối cùng thuộc về Liên Xô.
Khi bị tiến công, Liên Xô bị bất ngờ hoàn toàn. Đức quốc xã, với sự vượt trội cả về quân số, vũ khí và trình độ chỉ huy (hơn 3,5 triệu lính Đức cùng quân đồng minh của Đức, với lực lượng không quân, bộ binh và pháo binh) đã nhanh chóng giành những thắng lợi quan trọng đầu tiên. Tổn thất của Liên Xô vô cùng khủng khiếp, tính tới tháng 12/1941, hơn 5 triệu người đã thiệt mạng, phần lớn phương tiện chiến tranh bị phá hủy.
Kế hoạch tiến công Liên Xô đã bị sửa đổi đáng kể trong nhiều lần xem xét kế tiếp và Hitler cuối cùng đã hạ thấp tầm quan trọng của việc chiếm Moscow so với việc chiếm Leningrad (nay là Saint Petersburg) và nước cộng hòa thành viên của Liên Xô là Ukraine.
Phía Đức cuối cùng chốt mục tiêu của 3 cụm tập đoàn quân như sau:
1- Cụm tập đoàn quân phía Bắc: Tiến từ Đông Phổ qua các nước Baltic và hội quân với đồng minh Phần Lan để chiếm thành phố Leningrad của Liên Xô.
2- Cụm tập đoàn quân Trung tâm: Ban đầu hoạt động từ các khu tập trung xung quanh thủ đô Warsaw nhằm dọn sạch các lộ trình truyền thống có thể được dùng để tấn công Moscow, tới tận Smolensk, sau đó ngược lên phía bắc để hậu thuẫn cuộc tiến công nhằm vào Leningrad. Sau khi chiếm được thành phố Warsaw, cuộc tiến công Moscow sẽ được nối lại.
3- Cụm tập đoàn quân phía Nam: Bao gồm các sư đoàn Romania và Hungary, có nhiệm vụ đánh chiếm các vựa nông nghiệp của Ukraine và dọn sạch vùng duyên hải Biển Đen.
Mục tiêu chung của quân Đức là vây ép và tiêu diệt phần lớn lực lượng Hồng quân thông qua một loạt cuộc bao vây ở miền Tây Liên Xô, trước khi chiếm và giữ vững tuyến đường nối Archangel với Astrakhan.
Trận chiến tại Stalingrad (Ảnh tư liệu)
Tiến công Liên Xô để phòng ngừa một cuộc xâm lược tiềm tàng của Liên Xô chống lại châu Âu?
Phát biểu trước Quốc hội Đức, Hitler cho rằng, từ năm 1940, Đức đã biết rõ Liên Xô từ lâu đã chuẩn bị tiến công châu Âu và đang tích cực chuẩn bị để thực hiện điều đó. Theo Hiler, Liên Xô muốn tiến công không phải để ngăn ngừa mối đe dọa từ bên ngoài, mà để trấn áp và chiếm đóng những nước không có khả năng phòng thủ (các nước châu Âu).
Trước Quốc hội Đức, Hitler nói về “những đám mây đen tối dày đặc trên bầu trời châu Âu”, và chính Liên Xô là “những đám mây” đó. Hitler nói thẳng ra rằng, những đặc trưng về địa lý và sự khác biệt giữa các nước châu Âu đối với hắn là không tồn tại, mà chỉ có những khác biệt về chủng tộc và văn hóa. Về mặt văn hóa-chủng tộc, Hítler ví Đức Quốc xã như một quốc gia lý tưởng và duy nhất có khả năng chống lại sự “tàn bạo” và “hung hãn” của Liên Xô.
Trong Chiến tranh thế giới thứ II, phátxít Đức đã thổi phồng giả thuyết về một hành động phòng ngừa đối với Liên Xô. Điều này được khẳng định trong hồi ký của Thống chế Đức Erich von Manstein. Nhiều tài liệu được giải mật và công bố ngày nay, cũng như những chứng cứ gián tiếp cho rằng: Liên Xô đã công khai chuẩn bị cho chiến tranh với Đức Quốc xã ngay từ cuối những năm 1930.
Trong khi đó, những hành động thực tế của Hitler về việc đánh chiếm có hệ thống các nước châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai cho thấy điều hoàn toàn ngược lại - “những đám mây đen tối” tuyệt nhiên không phải của nước Liên Xô, mà của phátxít Đức mới là giăng kín trên bầu trời châu Âu.
Trong cuốn tự truyện của mình, Hitler đã lập luận cho sự cần thiết của "không gian sinh tồn", theo đó, nước Đức cần phải đánh chiếm các nước ở Đông Âu để mở rộng lãnh thổ cho "chủng tộc Arian thượng đẳng", tức là người Đức. Hitler dự kiến giải quyết việc đó như là một cuộc chạy đua tổng thể, bằng cách tiêu diệt hoặc trục xuất hầu hết các cư dân Liên Xô tới Siberia và sử dụng phần còn lại như là lao động nô lệ[i]. Đối với một số nhà lãnh đạo Đức Quốc xã khác (như Himler) thì cuộc chiến với Liên Xô là một cuộc đấu tranh của xã hội quốc gia chống Chủ nghĩa Cộng sản và của Chủng tộc Aryan chống lại tộc Slav hạ đẳng.
Trong Kế hoạch tổng thể phương Đông (General plan Ost) được Hitler phê duyệt ngày 25/5/1940, dân số của Đông Âu và Liên Xô bị chiếm đóng sẽ một phần bị trục xuất sang Tây Siberia, một phần làm nô lệ và cuối cùng là bị tiêu diệt; vùng lãnh thổ chinh phục được sẽ là thuộc địa của Đức hoặc khu định cư của người Đức. Ngoài ra, Đức quốc xã cũng tìm cách để quét sạch lượng lớn dân số người Do Thái của Đông Âu như là một phần của chương trình phát xít tiêu diệt tất cả người Do Thái tại Châu Âu.
Hitler không bao giờ từ bỏ lập trường nguyên tắc của mình và luôn coi việc "giải quyết vấn đề người Slav" là mục đích số một của đời mình.
Về hệ tư tưởng, phát xít Đức định vị mình như là một hệ thống chống Cộng sản thống nhất, và chính thức hóa vị trí này bằng cách ký vào Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản với Đế quốc Nhật Bản và Italy là một tư tưởng tương phản tuyệt đối trực tiếp với học thuyết Xô Viết. Những căng thẳng về ý thức hệ này đã chuyển đổi thành cuộc chiến ủy quyền giữa Đức Quốc xã và Liên Xô, khi vào năm 1936, Đức và Phát xít Ý can thiệp vào cuộc nội chiến Tây Ban Nha, hỗ trợ phe Quốc gia Tây Ban Nha của Franco, trong khi Liên Xô hỗ trợ những người cộng sản và xã hội chủ nghĩa, được dẫn đầu bởi Đệ nhị Cộng hòa Tây Ban Nha.
Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô tại Berlin ngày 9/5/1945 (Ảnh tư liệu)
Việc Anh - Pháp làm ngơ cho Đức sáp nhập Áo và thôn tính Tiệp Khắc đã chứng minh không thể nào để thiết lập hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô Maxim Litvinov. Điều này, cũng như sự thất bại của Xô viết trong việc thuyết phục Anh - Pháp ký một liên minh chính trị và quân sự chống Đức đã dẫn đến ký kết Hiệp ước Xô- Đức vào cuối tháng 8/1939. Dù đã ký hiệp ước không xâm phạm với Đức, song, trong giới lãnh đạo Liên Xô, đều cho rằng chiến tranh với Đức sẽ sớm xảy ra và cần phải nhanh chóng chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến tranh đó.
Cho đến giữa năm 1941, Hitler được báo cáo rằng lực lượng vũ trang của Liên Xô tuy đang được khẩn trương xây dựng, nhưng về mặt tổ chức và trang bị còn rất kém, có thể dễ dàng tiến công, bao vây và tiêu diệt.
Thực ra lúc này, lực lượng vũ trang Liên Xô cũng đã khá lớn mạnh. Tuy nhiên, Stalin với tâm lý chủ quan bằng việc ký hiệp ước bất tương xâm với Đức, vẫn cho rằng, dù có ý định xé bỏ hiệp định, thì ít nhất đến mùa Hè năm 1942, Đức Quốc xã mới có thể trở mặt tiến công Liên Xô.
Chính vì vậy, khi bị tiến công bất ngờ, Liên Xô bị thiệt hại nặng nề và nhanh chóng rơi vào thế phòng ngự bị động.
Đức Quốc xã chủ trương tiến công tiêu diệt Liên Xô bằng chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng”, tiếp theo là gây tác động tâm lý mạnh lên người dân Xôviết. Chiến lược này đã được Đức Quốc xã áp dụng thành công tại Ba Lan, Pháp và Nam Tư. Người Đức chủ động trong việc xóa bỏ hiệp ước bất tương xâm và đã âm thầm chuẩn bị cho cuộc tiến công Liên Xô kỹ hơn nhiều so với các chiến dịch nhằm vào Ba Lan hay Pháp.
Sai lầm chính của Hitler và Đức Quốc xã là việc đánh giá giới cầm quyền Liên Xô. Đức nhìn nhận ban lãnh đạo Liên Xô như trong cuộc nội chiến Nga và những năm 1920, khi giữa những người Bolshevik còn xảy ra việc tranh giành quyền lực khốc liệt. Tuy nhiên, đến năm 1941, mọi thứ đã hoàn toàn khác, Liên Xô lúc này chỉ có một lãnh tụ duy nhất. Đó là Joseph Stalin - con người sắt thép từng trải qua lưu đày và cuộc nội chiến. các lực lượng vũ trang Liên Xô thì đã khá lớn mạnh và quan trọng hơn hết, năng lực quân sự của Liên Xô rất lớn. Chỉ một thời gian ngắn sau khi bị tiến công và chịu những thiệt hại to lớn, lực lượng vũ trang Liên Xô đã phục hồi. Ngành công nghiệp quân sự của Liên Xô phát huy tối đa năng lực sản xuất của mình, tái trang bị cho Hồng quân một khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ để đối đầu, giành lại thế chủ động trước đội quân phát xít.
Như vậy, việc tiến công Liên Xô đã nằm trong ý đồ của Đức Quốc xã từ nhiều năm. Sự phát triển mạnh mẽ của Liên Xô đến năm 1941 trở thành rào cản cho tham vọng xâm chiếm hoàn toàn lãnh thổ châu Âu của phát xít Đức, cũng như những tham vọng khác về hệ tư tưởng, về chủng tộc. Vì vậy, sau khi thôn tính phần lớn các nước châu Âu, tạo được những hành lang thuận lợi cho cuộc xâm lược, Phát xít Đức đã tiến công Liên Xô vào ngày 22/6/1941, sớm hơn ít nhất 1 năm so với những gì mà lãnh đạo Liên Xô dự đoán. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô nổ ra sớm hơn so với dự kiến.
Việc Đức Quốc xã tiến công Liên Xô ngày 22/6/1941 đã tạo ra bước ngoặt của chiến tranh trên chiến trường châu Âu. Dồn sức tiến công Liên Xô, Đức đã không thể chiếm được nước Anh và đến mùa Đông năm 1941 bắt đầu nhận những thất bại đầu tiên trên lãnh thổ Liên Xô.
Nửa năm sau, giống như thế, sự kiện Nhật tiến công Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 và việc Hoa Kỳ tuyên chiến với quân phiệt Nhật đã tạo ra bước ngoặt mới của chiến tranh thế giới thứ hai trên mặt trận Châu Á-Thái Bình Dương.
Lê Na
[i] Xem: Chiến tranh Xô-Đức -Wikipedia Tiếng Việt: Robert Gellately. Reviewed work(s): Vom Generalplan Ost zum Generalsiedlungsplan by Czeslaw Madajczyk. Der "Generalplan Ost." Hauptlinien der nationalsozialistischen Planungs- und Vernichtungspolitik by Mechtild Rössler; Sabine Schleiermacher. Central European History, Vol. 29, No. 2 (1996), pp. 270-274