Mặc dù bùng phát muộn hơn phần còn lại của thế giới, nhưng đại dịch Covid-19 thực sự đang làm cho các nước Mỹ Latinh điêu đứng, bất chấp chính phủ các quốc gia trong khu vực, dù sớm hay muộn, đã chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, triển khai hàng loạt biện pháp ở mọi cấp độ từ giãn cách xã hội, cách ly bắt buộc, phong tỏa biên giới cho tới ban bố lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết khu vực Mỹ Latinh sẽ phải chờ đón những tuần lễ rất khó khăn phía trước, cảnh báo đây không phải là lúc có thể nới lỏng những hạn chế được áp dụng để kiểm soát virus SARS-CoV-2 như chính phủ các nước Brazil, Mexico và Peru đang làm, khi cũng là những nước có số ca mắc cao nhất khu vực.
Tình trạng đáng báo động
Giám đốc bộ phận Bệnh truyền nhiễm của PAHO Marcos Espinal nhận định tình hình dịch bệnh tại Brazil - quốc gia bị tác động nặng nề nhất do Covid-19 tại khu vực sẽ chưa thuyên giảm vào tuần tới và vẫn còn cả một chặng đường dài cần vượt qua.
Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh cũng liên tiếp tăng cao ở Chile, Peru, Ecuador, và Venezuela với dấu hiệu cho thấy sự lây lan của đại dịch này vẫn đang tăng tốc. Tại Peru, mặc dù là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên áp đặt các hạn chế, nhưng hiện đang là vùng dịch lớn thứ hai của khu vực chỉ sau Brazil. Peru trong vòng 45 ngày (tính từ ngày 6/3), số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này đã lên đến gần 120.000 người.
Tại Mexico, chính phủ nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, bắt đầu khởi động lại nền kinh tế với các hoạt động khai thác, xây dựng cũng như một số chuỗi cung ứng sản xuất ô tô ở Bắc Mỹ để tiếp tục hoạt động trong tuần này. Thế nhưng, PAHO cho rằng nước này sẽ vẫn phải chứng kiến sự gia tăng liên tục số ca mắc Covid-19 và đây không phải lúc để nới lỏng các hạn chế. Tình hình cũng được dự báo sẽ tương tự với El Salvador, Guatemala và Nicaragua.
PAHO dự báo tại Nam Mỹ chỉ có Cuba, Bolivia và Paraguay có thể sẽ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ về số ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Espinal cũng cho rằng phần lớn các nước Nam Mỹ hiện không thực hiện đủ xét nghiệm để phát hiện người bệnh. Chính vì thế, ông đề nghị tăng cường xét nghiệm trên diện rộng là cách duy nhất để có một bức tranh rõ ràng về diễn biến của dịch. Ngay cả trước khi bùng phát đại dịch, các nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh đã không được trang bị đầy đủ để nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, Liên hợp quốc dự báo kinh tế Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng âm 5,3% trong năm 2020, thấp nhất kể từ năm 1930, dẫn đến tác động tiêu cực tới tỷ lệ thất nghiệp. Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo khoảng 37,7 triệu người trong khu vực sẽ không có việc làm. Tỷ lệ người nghèo cũng dự kiến sẽ tăng lên so với năm 2019, với khoảng 650 triệu người tại Mỹ Latinh tiếp tục tình trạng đói nghèo và đói nghèo cùng cực.
Brazil đi ngược với thế giới
Brazil đã có nhiều tháng để nghiên cứu những thành công và sai lầm của các quốc gia đầu tiên bị virus tấn công. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng hùng mạnh của Brazil đáng nhẽ phải được triển khai để tiến hành kiểm tra hàng loạt cũng như theo dõi các diễn biến của bệnh nhân mới nhiễm bệnh.
Về phần mình, Tổng thống Jair Bolsonaro luôn đi ngược lại các biện pháp phòng dịch của thế giới, chỉ trích các biện pháp đó không đáng để hy sinh những lợi ích kinh tế. Bản thân ông Bolsonaro cũng bất đồng với các thành viên nội các về phương thức xử lý khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, khiến chỉ trong vòng một tháng đã có hai bộ trưởng Y tế bị miễn nhiệm hoặc từ chức.
Theo WHO, tâm dịch khu vực là Brazil sẽ có thể đạt tới con số cao nhất là 1.020 người tử vong mỗi ngày vào ngày 22/6 và tới ngày 4/8, quốc gia Nam Mỹ này có thể có tới 88.300 người chết do Covid-19, gấp 4 lần con số được ghi nhận chính thức cho tới thời điểm hiện nay.
Các chuyên gia y tế cho biết, việc Brazil không hành động sớm và quyết liệt đã đi ngược lại với cách tiếp cận khéo léo của nước này đối với các cuộc khủng hoảng y tế trong quá khứ, chẳng hạn như sự lây lan của virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch HIV hay virus ăn não Zika.
Trong khi làn sóng dịch bệnh thứ nhất còn chưa đi qua, các chuyên gia nhận định rằng khu vực Mỹ Latinh còn có nguy cơ đón nhận làn sóng dịch thứ hai, dự kiến xuất hiện vào cuối tháng 10 tới khi các biện pháp hạn chế xã hội đã được dỡ bỏ. Và khi đó, mọi thứ từ tình hình dịch bệnh đến ảnh hưởng kinh tế sẽ còn diễn ra tệ hơn, nếu các quốc gia tại đây không đưa ra được những chiến lược ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn hiện nay.
Theo Bạch Diệp
Thế giới & Việt Nam