Ông Lê Văn Sản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược cho biết, Bộ Y tế đã ban hành các bài thuốc cổ phương trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, trên cơ sở đó, nhiều đơn vị đã và đang tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ dược liệu để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đó vẫn là những bài thuốc dân gian lâu đời, được hình thành dựa vào kinh nghiệm điều trị, chưa có nghiên cứu một cách bài bản, khoa học về tác dụng cụ thể.
Các viện nghiên cứu cần vào cuộc, làm sáng tỏ tác dụng của dược liệu, có thử nghiệm lâm sàng, để từ đó các công ty có quy trình chuẩn sản xuất sản phẩm. Lâu nay, dân gian cũng lưu truyền nhiều bài xông, cách xông, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của xông đối với sức khỏe. Vì vậy, rất cần các nhà khoa học nghiên cứu lâm sàng, có dữ liệu khoa học chứng minh để xây dựng quy trình chuẩn của việc xông dược liệu nâng cao sức khỏe.
Được biết, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, vừa qua, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã cho ra đời nhanh một số sản phẩm về điều trị các triệu chứng hậu Covid-19 trên cơ sở các nghiên cứu khoa học từ các đề tài đã có từ trước, như sản phẩm Anseda VDL giúp an thần, Ancomin VDL hỗ trợ giảm ho, Abivina chữa viêm gan, Thabonimm trị chứng mệt mỏi, ăn ngủ kém... PGS, TS Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu cho biết, các sản phẩm đều dựa trên cơ sở khoa học vững chắc là những kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án khoa học và công nghệ các cấp hoặc từ bài thuốc y học cổ truyền.
Bên cạnh đó, từ một số sản phẩm được người sử dụng phản hồi tốt về tác dụng, an toàn, Viện Dược liệu đã đề xuất với Bộ Y tế xem xét đưa vào sử dụng là sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19. Thí dụ, sản phẩm hỗ trợ chống đông máu, chống kết tập tiểu cầu Angobin đã được phát triển từ một đề tài cấp nhà nước nghiên cứu về cây đương quy di thực từ Nhật Bản có tác dụng làm tăng cường tuần hoàn máu. Sản phẩm tăng cường miễn dịch Somanimm cũng được phát triển từ đề tài nhánh của đề tài cấp nhà nước nghiên cứu về kích thích miễn dịch từ polysaccharid chiết xuất từ cây đương quy Nhật Bản. Từ kết quả của Dự án cấp nhà nước “Hoàn thiện quy trình sản xuất thuốc nhỏ mũi từ cây ngũ sắc”, Viện Dược liệu cũng đã sản xuất sản phẩm Agerhinin có tác dụng giảm viêm, đào thải nhanh các chất bị hoại tử và ứ đọng trong khoang mũi do viêm nhiễm gây ra…
Ngoài ra, Viện Dược liệu đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho nghiên cứu lâm sàng bổ sung các sản phẩm đã có trên các bệnh nhân bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 để chứng minh hiệu quả lâm sàng. Bà Phạm Thanh Huyền, Trưởng khoa Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu cho biết, gần đây, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã mở rộng nghiên cứu về cao chiết xuyên tâm liên và chứng minh hoạt chất chính andrographolid trong xuyên tâm liên có tác dụng ức chế sự phát triển của vi-rút SARS-CoV-2.
Nhiều năm qua, Viện Dược liệu đã tập trung nghiên cứu toàn diện về xuyên tâm liên, gồm các nghiên cứu như: Đã phân lập và định lượng một số hợp chất chính từ xuyên tâm liên; chứng minh được tác dụng kháng một số chủng vi khuẩn, chống viêm cấp và mãn tính, tăng bài tiết mật và tăng thải trừ BSP do gan; đã chứng minh nước sắc và cao chiết ethanol không thể hiện tác dụng độc đáng kể về mặt độc tính cấp và bán trường diễn. Đặc biệt, Viện Dược liệu đã xây dựng được quy trình chiết xuất andrographolid từ xuyên tâm liên ở quy mô pilot có độ tinh khiết trên 98% và đã chứng minh được andrographolid có tác dụng kháng vi khuẩn lao kháng thuốc, kích thích miễn dịch, bảo vệ gan... Với những dữ liệu khoa học đã có như vậy sẽ rất thuận lợi cho việc nghiên cứu chuyên sâu về hoạt chất trong cây xuyên tâm liên có ức chế được sự phát triển của vi-rút SARS-CoV-2 hay không.
Theo PGS, TS Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), về mặt khoa học, chúng ta có bước chậm trễ trong việc nghiên cứu chứng minh dược liệu có tác dụng hay không đối với điều trị Covid-19. Trong khi Việt Nam có lợi thế là đa dạng sinh học cao, nhiều loài dược liệu và có trữ lượng lớn. Viện VKIST đã thành lập Phòng công nghệ sinh học với mục tiêu nghiên cứu phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn thảo dược của Việt Nam. Năm 2021, viện đã đề xuất nghiên cứu tạo ra sản phẩm phòng và chống cúm nói chung và Covid-19 nói riêng từ bài thuốc cổ truyền của Việt Nam, thuộc chương trình Nghị định thư hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy đã được thông qua nhưng hiện nay chưa triển khai do chưa bố trí kinh phí cho nghiên cứu. Dự kiến, mất khoảng ba năm để hoàn thành quá trình nghiên cứu.
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cũng cho rằng, tuy mất nhiều thời gian, nhưng không thể bỏ qua cơ hội nghiên cứu chuyên sâu về tác dụng của dược liệu đối với Covid-19. Các viện nghiên cứu cần vào cuộc để phát triển các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao; Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy nghiên cứu và các doanh nghiệp cần đặt hàng, hợp tác với nhà khoa học để phát huy nguồn lực xã hội.
Nguồn VnExpress