Quang cảnh hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát “Vai trò của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam". Ảnh: Xuân Tùng |
Chiều 5/7, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn phối hợp Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát “Vai trò của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam".
Khảo sát là hoạt động thuộc Dự án “Thế hệ trẻ Việt Nam trở thành Công dân toàn cầu” do chương trình “Hướng tới châu Á” của ActionAid Việt Nam và tổ chức Giáo dục trên tất cả, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2021-2024. Khảo sát nhằm hỗ trợ thanh niên Việt Nam nâng cao năng lực để trở thành công dân toàn cầu, tham gia tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về biến đổi khí hậu và môi trường.
Theo kết quả báo cáo tại hội thảo, gần 65,95% thanh niên tham gia khảo sát cho rằng công nghệ, kỹ thuật là một trong những nguồn lực mà thanh niên cần có để đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững. Có 56,80% thanh niên tham gia khảo sát cho rằng, thiếu kiến thức và kỹ năng để lập thân, lập nghiệp là một trong những yếu tố cản trở sự tham gia của thanh niên vào phát triển bền vững”.
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam Tạ Việt Anh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên Đặng Vũ Cảnh Linh chủ trì phần thảo luận chung. Ảnh: Xuân Tùng |
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự tham gia đóng góp của thanh niên trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, việc làm.
Trong đó, có khuyến nghị, hỗ trợ nguồn lực để thanh niên áp dụng kiến thức để hành động, ra quyết định, thể hiện vai trò, phát huy tiềm năng thông qua thực hiện các sáng kiến để đóng góp chương trình phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; thanh niên được tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng chương trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương, xây dựng chính sách và giám sát quá trình này. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất mở rộng các hoạt động hỗ trợ sinh kế, nâng cao kỹ năng cho thanh niên.
Đại biểu đóng góp ý kiến, khuyến nghị tại hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng |
Nhiều mô hình bảo vệ môi trường
Phát biểu tại chương trình, Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương cho biết, thanh niên đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của đất nước, và sự phát triển của thanh niên đi cùng với sự phát triển của đất nước. Trong đó, có việc tham gia bảo vệ môi trường - nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo anh Cương, thời gian qua, Đoàn Thanh niên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai phong trào tuổi trẻ chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu với nhiều mô hình, cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực.
Nổi bật có chương trình “Vì một Việt Nam xanh” với mục tiêu trồng mới được ít nhất 100 triệu cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, tính đến hết năm 2022, toàn cấp bộ Đoàn đã trồng được gần 34 triệu cây xanh; chiến dịch “Hãy làm sạch biển”; triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với biến đối khí hậu, trồng cây phòng hộ rừng, phòng chống hạn hán, xâm ngập mặn...
Bên cạnh đó, có nhiều mô hình hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” như: mô hình chợ dân sinh, chung cư, đảo thanh niên, thôn bản, văn phòng hạn chế rác thải nhựa; mô hình “Hành trình thứ 2 của chai nhựa - Tuyến đường Lít ánh sáng cho bản làng nông thôn mới”.
Đặc biệt trong năm 2023, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã ban hành Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2023-2027.
"Những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nêu trên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và thanh niên Việt Nam đã góp phần không nhỏ nhằm hoàn thành mục tiêu số 13 Hành động về khí hậu nói riêng và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nói chung đến năm 2030", anh Cương nói.
Nguồn Tiền phong