Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đánh mà thắng địch là giỏi. Không đánh mà thắng địch càng giỏi hơn. Không đánh mà thắng địch là nhờ địch vận”. Trong giai đoạn 1961-1975, Trung ương Cục miền Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh binh, địch vận tại miền Nam Việt Nam giành thắng lợi như thế nào ?
Về vị trí, vai trò của công tác binh vận, ngày 15/8/1975, Trung ương Cục miền Nam ra Thông tri nêu rõ: “Trong cuộc chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là qua các bước nhảy vọt của cách mạng miền Nam, công tác binh vận đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung, xứng đáng với nhiệm vụ chiến lược mà Đảng đã giao…” và “thành quả công tác binh vận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn mãi mãi là điểm son trong lịch sử giữ nước của dân tộc, đã kế thừa và phát huy sự nghiệp cao cả của ông cha “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn-lấy chí nhân thay cường bạo” trong thời đại Hồ Chí Minh”[1].
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị đã đánh giá: “Binh vận là một mũi tiến công chiến lược nhằm làm tan rã quân đội địch, nhất là để phá tan chính sách dùng “người Việt đánh người Việt” vô cùng thâm độc của đế quốc Mỹ”[2]. Quá trình Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo công tác binh vận trong giai đoạn 1961-1975 cho thấy những thành công nổi bật.
Quán triệt đường lối đấu tranh binh vận của Trung ương Đảng
Điều này thể hiện qua việc Trung ương Cục miền Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo các khu ủy, tỉnh ủy về công tác binh vận.
Về phần mình, các Khu ủy Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Trung Nam Bộ, Khu ủy Khu V (trong những năm 1961-1965), các tỉnh ủy, cũng đã ban hành những nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo chỉ đạo công tác binh vận trên địa bàn mình phụ trách.
Ngoài những nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về công tác binh vận, trong các nghị quyết của mình, Trung ương Cục miền Nam cũng đề ra nhiệm vụ đấu tranh binh vận với những nội dung hết sức cụ thể để hướng dẫn, chỉ đạo các cấp ủy đảng địa phương lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác này.
Theo thống kê, từ năm 1961 đến năm 1975, Trung ương Cục miền Nam đã ban hành hàng chục chỉ thị về công tác binh vận. Có thể kể đến một số chỉ thị quan trọng như: Chỉ thị ngày 02/4/1962 Về củng cố Ban Binh vận các cấp; Chỉ thị ngày 22/6/1963 Về đẩy mạnh công tác binh vận, địch vận; Chỉ thị “Kịp thời đẩy mạnh hơn nữa vận động sĩ quan địch trong tình hình thuận lợi hiện nay”đầu năm 1964; Chỉ thị Về đẩy mạnh công tác binh vận năm 1965, tháng 4/1965; Chỉ thị Về nhiệm vụ, yêu cầu nội dung công tác binh vận trong thời gian tới, trước hết là trong năm 1968, tháng 12/1967; Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam Về tập trung lực lượng đẩy mạnh tấn công binh vận trên toàn miền Nam, ngày 26/6/1969…
Tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp mặt cán bộ binh vận tỉnh nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống công tác binh vận tỉnh Bạc Liêu (1960-2020) (Ảnh Báo Bạc Liêu)
Đặc biệt phải kể đến chính sách binh vận ngày 01/9/1967 của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Chính sách binh vận của Trung ương Cục miền Nam gồm 8 điểm đối với sĩ quan và binh lính, 4 điểm đối với viên chức chế độ Sài Gòn, khuyến khích binh biến, khởi nghĩa, phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng diệt địch, chiếm căn cứ, kho tàng, sân bay, bến tàu; giải thoát đồng bào bị giam cầm; đụng trận quay súng diệt Mỹ và ác ôn; chạy sang hàng ngũ cách mạng; giúp cách mạng truy kích địch; hoan nghênh đơn vị ly khai, bỏ ngũ được hưởng quyền lợi công dân, mang theo vũ khí được khen thưởng; không đàn áp nhân dân, ủng hộ nhân dân đấu tranh; hàng binh được đối xử tử tế, đem hồ sơ, kho tàng, ngân quỹ nạp cho cách mạng được ghi công; nghiêm trị những tên ác ôn ngoan cố… Khẩu hiệu là “Hãy nổi dậy hợp tác với quân giải phóng và đồng bào, lật đổ chế độ Mỹ - Thiệu - Kỳ, giành chính quyền về tay nhân dân”.
Ngoài ra, Trung ương Cục miền Nam cũng chỉ đạo Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành những chính sách binh vận đối với các đối tượng binh lính, sĩ quan, cảnh sát, gia đình binh sĩ ngụy…Tiêu biểu là 10 chính sách binh vận của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành ngày 25/01/1972, ngay trước khi ta tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Vì thế, trong cuộc tiến công chiến lược này, trên chiến trường Trị Thiên-Huế, có đơn vị cấp trung đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa với hơn 1.500 sĩ quan và binh sĩ đã ra hàng quân giải phóng và những nhân vật chủ chốt được trọng dụng[3].
Xây dựng hệ thống tổ chức binh vận và đội ngũ cán bộ binh vận rộng khắp
Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam là cơ quan tham mưu, đã giúp Trung ương Cục lãnh đạo công tác binh vận một cách hiệu quả, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Theo báo cáo của Ban Binh vận Trung ương Cục, cuối năm 1968, số cán bộ Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam có 280 đồng chí.
Số cán bộ làm công tác binh vận của các cấp ủy Đảng tại miền Nam lên đến hàng nghìn người, gồm nhiều cán bộ có trình độ thâm niên công tác, có kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh binh vận với quân lực Việt Nam Cộng hòa và kể cả quân đội Mỹ và đồng minh.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác binh vận, đội ngũ cán bộ binh vận từ Trung ươgn Cục đến cơ sở đã nhận thức đúng vai trò, vị trí, tính chất của công tác binh vận, đặt nó thành một nội dung của đường lối đấu tranh cách mạng, một phương pháp tiến hành chiến tranh, rồi giáo dục, phát động, tổ chức và xây dựng quyết tâm thực hiện.
Trong chỉ đạo cụ thể, đội ngũ cán bộ làm công tác binh vận đã đề ra mục tiêu chiến lược, khẩu hiệu sách lược, nội dung, phương thức đấu tranh phù hợp với đặc điểm tình hình địch, ta và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn. Đặc biệt, đã kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị thành “ba mũi giáp công” để tạo ra sức mạnh tổng hợp nói chung và của mũi binh vận nói riêng. Đấu tranh quân sự tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh binh vận và đấu tranh binh vận hỗ trợ, phát huy thắng lợi, nâng cao hiệu quả của đấu tranh quân sự.
Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 Bộ binh Quân đội Sài Gòn đã đưa cả trung đoàn 1.500 người đầu hàng Quân giải phóng, tháng 4/1972 (Ảnh tư liệu)
Trung ương Cục miền Nam đã chỉ rõ lực lượng tiến hành công tác binh vận là đông đảo quần chúng, trong đó gia đình binh sĩ là rất quan trọng và chỉ đạo giáo dục, tổ chức họ vào đội ngũ với những hình thức thích hợp, làm cho lực lượng tiến hành đấu tranh binh vận có mặt khắp nơi, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng.
Bên cạnh việc thường xuyên coi trọng việc xây dựng, củng cố hệ thống cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ chuyên trách, kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng nâng cao bản lĩnh cho đội ngũ trực tiếp làm công tác này. Nhiều hội nghị về công tác binh vận đã được Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền tổ chức, nhằm tổng kết công tác binh vận trong thời gian đã qua và đề ra nhiệm vụ công tác binh vận trong thời gian trước mắt. Trong số đó, đáng chú ý nhất là tháng 7/1974, Trung ương Cục chủ trì Hội nghị Binh vận toàn Miền, đánh giá cao vai trò binh vận trong 3 mũi giáp công và đề ra nhiệm vụ tích cực chủ động góp sức cùng 2 mũi quân sự - chính trị, thực hiện xã - ấp tự lực gỡ đồn, diệt phân chi khu, huyện tự lực mở mảng, tiến tới cao trào 3 mũi giáp công, giải phóng huyện, tỉnh. Đặc biệt, Trung ương Cục miền Nam đã sớm có chủ trương đưa người của ta cài cắm lâu dài vào hàng ngũ địch và chỉ đạo hành động đúng thời cơ, góp phần thúc đẩy sự khủng hoảng, tan rã của quân đội Sài Gòn.
Kết quả to lớn của đấu tranh binh vận
Mũi tấn công binh vận đã góp phần làm suy giảm niềm tin, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ quân đội Việt Nam Cộng hòa, mâu thuẫn giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa với quân đội Mỹ và đồng minh, đã góp phần giáo dục nhận thức tinh thần dân tộc cho một bộ phận binh lính, sĩ quan, quân lực Việt Nam Cộng hòa, trong số đó nhiều người đã quay súng về với nhân dân, xây dựng được nhiều nhân mối quý giá đã cung cấp những tin tức phục vụ cho kế hoạch tác chiến của ta, hoặc ít ra cũng trung lập một bộ phận binh lính, sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa, để họ không còn những hành động đàn áp, bắn giết quần chúng yêu nước.
Đối với quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ, công tác binh vận của ta đã góp phần làm cho họ nhận thức cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam, từ đó có những hành động đúng đắn như đấu tranh đòi hồi hương, chống đi càn quét, chống bắn phá bừa bãi, cao hơn là các hành động phản chiến, chống lệnh chỉ huy... Công tác binh vận đã vượt qua những bất đồng về văn hóa, rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán để những người lính Mỹ có tư tưởng tiến bộ hiểu được bản chất cuộc chiến mà họ đang tham gia, kể cả sau này về nước họ tiếp tục tham gia phong trào phản chiến một cách hết sức mạnh mẽ tạo ra cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ vô cùng mạnh mẽ, làm cho mặt trận quốc tế của ta được mở rộng và tác động mạnh mẽ đến chính sách của Hoa Kỳ, cuối cùng buộc chính quyền Washington phải ký kết Hiệp định Paris và rút quân Mỹ về nước.
Theo thống kê của Ban Binh vận Khu Tây Nam Bộ, công tác binh vận đã góp phần diệt 1/5 số đồn địch, chưa kể nội ứng phục vụ lực lượng vũ trang diệt đồn. Trong tổng số đồn ta bức địch phải đầu hàng, phải rút bỏ bằng “3 mũi giáp công” kết hợp thì công tác binh vận chiếm 1/3.
Ngay từ năm 1962, hệ thống tổ chức, lực lượng binh vận các cấp đã được xây dựng từ cấp Miền đến các cơ sở. Các cán bộ trong các ban binh vận đã kề vai sát cánh cùng nhân dân trong các ấp chiến lược, làng xã vừa đấu tranh trực diện vừa tích cực kêu gọi binh lính, người thân của mình trong quân đội Việt Nam Cộng hòa quay về chống lại việc gom dân, lập ấp. Tính chung trong hai năm 1962, 1963, nhờ công tác binh vận, tổng số binh sĩ địch rã ngũ lên đến 99.200 tên, số súng ta thu được là 634 khẩu... Tổ chức thanh niên chiến đấu của địch tan rã nghiêm trọng, có tỉnh tan rã đến 95%. Công tác binh vận vừa tạo thêm sức mạnh cho đấu tranh quân sự vừa phát triển, phát huy thắng lợi của đấu tranh quân sự và chính trị[4].
Chiến thắng nào không phải trả giá. Để cả dân tộc có ngày vui chiến thắng 30/4/1975, hàng trăm cán bộ binh vận đã ngã xuống. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam có 145 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hi sinh; 376 thương binh; 203 tù chính trị khổ sai và 809 gia đình cơ sở nội tuyến bị địch bắt bớ, tù đày[5].
Dù công khai hay thầm lặng, dù đã được vinh danh hay chưa được vinh danh, nhưng những cán bộ và quần chúng yêu nước tham gia đấu tranh binh vận luôn tự hào đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong cuộc đấu tranh thống nhất non sông.
Xuân Nguyễn
[1] https://www.thanhuytphcm.vn/tin-tap-chi/so-tay-xay-dung-dang-5-2016/cong-tac-binh-van-gop-phan-danh-cho-my-cut-danh-cho-nguy-nhao-1463388136.
[2] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước- thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 154.
[3] Đó là Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 Quân lực Việt Nam Cộng hòa do Trung tá Phạm Văn Đính chỉ huy tại Cam Lộ, Quảng Trị, được quân giải phóng vận động, đã ra hàng ngày 03/4/1972. Phạm Văn Đính sau đó được bổ nhiệm Tỉnh đội phó Tỉnh đội Quảng Trị, phụ trách binh vận, sau này trở thành Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.
[4] https://nhandan.vn/cong-tac-binh-van-la-mot-nghe-thuat-post230119.html.