Tên sách: Thanh Niên Phải Gương Mẫu Trong Đoàn Kết Và Kỷ Luật
Tác Giả: Phan Tuyết
Năm Xuất Bản: 2018
Số Trang: 216
Nhà Xuất bản: NXB Dân Trí
Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 1946, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục đạo đức cho đoàn viên, thanh niên. Nhìn nhận đoàn viên, thanh niên một cách toàn diện, thấy rõ vị trí, vai trò thanh niên "Là người tiếp sức cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai". Do vậy, Người đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên thanh niên, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc.
Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh là một diễn viên múa chia sẻ rằng: Từ lúc còn nhỏ tôi đã được vào gặp Bác Hồ, được vào ăn cơm, ăn Tết với Bác. Những ngày đó với tôi là những kỷ niệm, những niềm vinh quang của một người làm nghệ thuật. Những lúc tôi nghĩ gì sai, tôi lại nghĩ đến Bác, đến những lời dạy của Bác và lần nào gặp Bác, câu đầu tiên Bác thường hỏi: “Thế các cháu có đoàn kết không, có thương yêu nhau không?”, rồi Bác dặn: “Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật”. Cả chi đoàn đã lấy lời nói đó của Bác làm nội dung tu dưỡng - mỗi khi có gì va chạm, thiếu gắn bó với nhau, anh chị em lại rất ân hận là chưa xứng đáng với lời Bác dặn, có anh chị em khóc nức nở vì hối hận chưa thực hiện được theo đúng lời Bác.
Có lần Bác hỏi tôi: “Trong chi đoàn cháu, có đoàn viên nào có tư tưởng muốn làm “ngôi sao” không?”. Tôi còn đang lúng túng, Bác đã bảo: “Biểu diễn thật hay để phục vụ nhân dân được nhiều là tốt. Nhưng nếu có tư tưởng muốn làm “ngôi sao” thì ngôi sao có khi tỏ, có khi lặn, lúc ngôi sao lặn thì lại buồn. Trong đoàn cháu có thanh niên nào có tư tưởng muốn làm “ngôi sao” thì cháu phải giúp đỡ”.
Lần cuối cùng tôi được gặp Bác, sau khi đi diễn ở Pháp, Ý, Angiêri, Liên Xô, Trung Quốc... về, cả đoàn lại được quây quần quanh Bác. Tôi là phó trưởng đoàn, nên cũng được đến gặp Bác và báo cáo với Bác là ở Angiêri cũng như ở Pháp, ở Ý... cứ mỗi lần tiết mục của ta hay, họ vỗ tay đến vỡ nhà hát và hô: “Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Điện Biên Phủ”.
Bác vui vẻ bảo:
- Thế là người ta hoan nghênh các cháu, các cháu có hếch mũi lên không? (Bác đưa tay đẩy mũi lên).
Cả đoàn cười rộ và ai nấy đều hiểu đó là Bác có ý răn bảo.
Xong Bác bảo: “Người ta hoan hô các cháu, hay hoan hô Bác là người ta hoan hô cả dân tộc mình, cả dân tộc Việt Nam anh hùng”...
Trong câu chuyện trên về chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhận ra được tâm tư sâu sắc mà Bác muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ, thế hệ Thanh niên của dân tộc Việt Nam về giá trị to lớn của tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm. Để một tập thể, một tổ chức, một đất nước có thể phát triển đi lên một cách bền vững và mạnh mẽ, sự tỏa sáng của cá nhân không phải là yếu tố tiên quyết, mà chính sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm mới giữ vai trò quyết định.
Cuốn Sách Bác Hồ - Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật là tuyển tập các bài viết, những câu chuyện ý nghĩa về vị chủ tịch kính yêu của chúng ta - Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bằng cuộc sống thanh cao, giản dị, trong sáng và đạo đức cách mạng mẫu mực của một người cộng sản, Người đã nêu tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, nhân dân và để lại cho chúng ta một di sản quý báu về tư tưởng và đạo đức của một người cách mạng trong thời đại mới.
Tổng hợp từ Internet